Hiện nay Vietjet Air là hãng hàng không lớn thứ 2 Việt Nam, có được thành công đó, phần nhiều nhờ vào bản lĩnh và trí tuệ của “người đàn bà thép” - Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc.
Bản lĩnh và khí chất...
Tại cuộc thi “Start up Việt - Sải bước thành công”, bà Thảo bộc bạch về lý tưởng kinh doanh của mình. Trước khi Vietjet Air ra đời, đi lại bằng máy bay vẫn là một khái niệm khá xa xỉ tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, thị trường hàng không Việt Nam không nhộn nhịp như bây giờ, cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng không vẫn còn nhiều tiềm năng.
Vì vậy, sau thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, bà Thảo với tư duy khác biệt của mình đã quyết định dấn thân vào lĩnh vực hàng không, với mong muốn biến việc đi lại bằng máy bay được đơn giản như xe buýt, taxi và bất cứ người dân nào cũng có thể trang trải chi phí.
Không chỉ tiếp cận ngành từ một góc độ mới, bà Thảo còn triển khai ý tưởng kinh doanh theo hướng chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Mô hình hàng không bà Thảo xây dựng và theo đuổi là một mô hình kết hợp giữa giá rẻ và truyền thống.
Với những nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, bà Thảo nhanh chóng đưa Vietjet Air sải bước thành công, trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Báo cáo kết quả kinh doanh 2014 của Vietjet Air cho thấy doanh thu của hãng đạt 8.100 tỷ đồng. Sang đầu 2015, lãnh đạo Vietjet Air cho biết hãng đã có lãi, tuy nhiên không tiết lộ con số cụ thể.
Bản lĩnh khác biệt của “người đàn bà thép” này còn thể hiện qua tư tưởng của một doanh nhân chân chính. Bà Thảo cho rằng người doanh nhân thành công không chỉ dừng lại ở việc tạo ra lợi nhuận lớn mà còn phải tâm huyết và khao khát cống hiến cho xã hội.
Nữ doanh nhân được mệnh danh là “người đàn bà thép” trong ngành hàng không Việt Nam từng tuyên bố mạnh mẽ: "Tôi muốn nâng tầm hãng hàng không Vietjet lên vị thế mới, trở thành một hãng hàng không như "Emirates ở quy mô châu Á" tiến tới chinh phục thị trường toàn cầu". Và với tình hình Vietjet Air đang bám sát Vietnam Airlines khi 4 tháng đầu năm nay, thị phần Vietjet tăng lên mức 40,2%, người ta hoàn toàn có cơ sở để tin những gì bà Thảo khẳng định.
...nâng tầm thương hiệu
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) ước lợi nhuận quý I/2017 tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2016 và vượt khoảng 6% so với chỉ tiêu đề ra.
Theo VJC, mặc dù giá dầu thô dự kiến tăng 17,6% so với năm 2016, nhưng thị trường hàng không Việt Nam năm 2017 dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng. Các hãng hàng không nội địa sẽ có kế hoạch tăng đội tàu bay trong giai đoạn 2016-2020.
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, đến năm 2020, Việt Nam sẽ sở hữu đội bay tầm vóc khu vực và thế giới với 250-270 tàu bay. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, tổng sản lượng hành khách vận chuyển của các hãng hàng không trong nước dự kiến sẽ tăng trung bình 20,3%/năm và đạt 102 triệu lượt hành khách vào năm 2020, tăng gấp đôi sản lượng so với năm 2016, vượt 20% quy hoạch phát triển Phát triển ngành Giao thông Vận tải hàng không đến năm 2020.
Dự kiến cuối năm 2017, VJC sẽ khai thác 51 tàu bay với tổng số 98.124 chuyến bay và vận chuyển 17 triệu hành khách.
Hiện Vietjet có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng với 664 cổ đông theo danh sách chốt đến ngày 12/1/2017. Trong đó có 3 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (23,24%), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (9,42%) và Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore (5,48%). Bà Thảo hiện trực tiếp và gián tiếp sở hữu 32,66% cổ phần của Vietjet.
Bên cạnh đó, chồng bà Thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng cũng sở hữu 1,06% cổ phần. Hai công ty có liên quan đến bà Thảo là HDBank và Sovico Holdings sở hữu lần lượt là 4,5% và 4,9% cổ phần.
Hoàng Hà (T/h)