(ĐSPL) - Sốt ruột vì khoản nợ đọng gần 55 tỷ của công ty, tổng giám đốc một doanh nghiệp đã chi tiền tỷ cho kẻ lừa đảo để giúp đòi nợ cho mình.
Theo tin tức trên báo Công lý ngày 16/5, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Lê Đức Tuấn (42 tuổi, quận Đống Đa) 12 năm tù và Nguyễn Văn Hưng (42 tuổi, Thanh Hóa) 18 năm tù giam cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vụ việc xảy ra từ năm 2008 nhưng đến mãi năm 2013, nạn nhân mới làm đơn tố cáo hành vi của các đối tượng với cơ quan điều tra.
Giữa tháng 1/2016, TAND TP. Hà Nội đã đưa vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra xét xử. Sau nửa ngày xét xử, phiên tòa phải tạm dừng. Lý do HĐXX trả hồ sơ là cần xác minh lời trình bày của một số người khác để làm rõ lời khai của các bị cáo tại tòa.
Bị đưa ra tòa án xét xử, bị cáo Tuấn tỏ ra thành khẩn nhận tội, trong khi Hưng trước sau đều “chối tội”. Thế nhưng căn cứ vào tố cáo của nạn nhân, các chứng cứ vật chất thu thập được, HĐXX sơ thẩm khẳng định có đủ cơ sở xác định đúng người, đúng tội.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử (Ảnh: Công lý) |
Liên quan đến vụ việc, báo Vietnamnet đăng tải, bản cáo trạng cho thấy, năm 2007, Công ty Cổ phần Khai thác hạ tầng Vinashin - Hạ Long do ông Nguyễn Thanh Cảnh làm Tổng giám đốc đã ký hợp đồng xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Hải Hà với Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân (thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin).
Hạng mục thi công gồm làm đường công vụ và san lấp mặt bằng Nhà máy đóng tàu Hải Hà (tại xã Quảng Điền, huyện Hải Hà, Quảng Ninh). Sau gần 1 năm thực hiện dự án, Công ty Cái Lân nợ công ty của ông Cảnh tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.
Khoảng cuối tháng 10/2008, nắm được thông tin ông Cảnh đang tìm người tác động đến Tập đoàn Vinashin để Công ty Cái Lân trả nợ, Tuấn gọi điện cho ông Cảnh, mạo xưng ông ta có quan hệ với Văn phòng Chính phủ, cán bộ cấp cao của Nhà nước và hứa giúp ông đòi nợ.
Tin tưởng Tuấn, ông Cảnh đã thỏa thuận sẽ trích 10-15% số tiền đòi nợ được từ Công ty Cái Lân cho Tuấn.
Khi "cá đã cắn câu", Tuấn móc ngoặc với Nguyễn Văn Hưng để cùng thống nhất đưa ông Cảnh sập "bẫy lừa".
Cả hai yêu cầu ông Cảnh giao tiền, hồ sơ, chứng từ để Hưng giải quyết công việc.
Đến ngày 24/11/2008, ông Cảnh mang hồ sơ, chứng từ vụ việc cùng số tiền 70.000 USD (tương đương 1,1 tỷ đồng) đi từ Quảng Ninh đến khách sạn ở Hà Nội gặp Tuấn.
Theo yêu cầu của Tuấn, để chuẩn bị quà cho "cán bộ cấp cao", ông Cảnh đã mua 3 chiếc điện thoại Vertu giá 7.200 USD/chiếc (tương đương 118,6 triệu đồng/chiếc).
Cầm số tiền của ông Cảnh, cuối tháng 11/2008, Tuấn chuyển tổng số tiền hơn 225,8 triệu đồng cùng 2 chiếc điện thoại Vertu cho Hưng.
Ngày 27/11/2008, Tuấn đưa tiếp 5.400 USD (89 triệu đồng) cho vợ Hưng. Về phần mình, Tuấn đem bán chiếc điện thoại Vertu còn lại được 5.200 USD và sử dụng tiền chi tiêu cá nhân hết.
Hơn một tháng sau, ông Cảnh vào TP.HCM gặp Hưng. Lúc này, Hưng tiếp tục vòi vĩnh ông Cảnh đưa thêm 50.000 USD (tương đương 830 triệu đồng) cùng lời hứa “sau một ngày sẽ có công văn hỏa tốc đến Tập đoàn Vinashin Việt Nam giải ngân trả nợ công ty ông Cảnh 25 tỷ đồng”.
Sốt ruột vì khoản nợ, ông Cảnh tin tưởng đưa tiền cho Hưng. Chờ mãi không được trả nợ, ông Cảnh mới hay mình đã dính bẫy lừa.
Đến nay, Tuấn tự nguyện khắc phục hậu quả, trả lại 1,1 tỷ đồng cho nạn nhân.
Cơ quan công tố xác định, Tuấn và Hưng đồng phạm chiếm đoạt của ông Cảnh 1,1 tỷ đồng. Riêng bị can Hưng còn chiếm đoạt thêm 50.000 USD.
HÀ THẢO (Tổng hợp)
Nguồn: Nguoiduatin