+Aa-
    Zalo

    Tổng cục Đường bộ đề xuất "phạt nguội" xe quá tải

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT vừa có đề xuất đề nghị áp dụng "phạt nguội" đối với xe chở quá tải.

    (ĐSPL) - Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT vừa có đề xuất đề nghị áp dụng "phạt nguội" đối với xe chở quá tải. Đây được xem là một hành động khá "rắn"của Tổng cục trước tình trạng xe quá tải đang ngày một nhức nhối. Tuy nhiên, theo phân tích, để thực hiện được biện pháp này thực sự rất khó khăn...

    Đề xuất
    Những chuyến xe quá tải "băm" nát đường quốc lộ, tỉnh lộ.

    "Hung thần hủy diệt đường quốc lộ"

    Theo thống kê của Khu quản lý Đường bộ II, trên hầu hết các tuyến đường mà đơn vị này quản lý đều xảy ra tình trạng hư hỏng công trình do xe quá tải băm nát như: Quốc lộ 1, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Thanh Trì, quốc lộ 5, quốc lộ 10.

    Một kết quả khảo sát của dự án bảo vệ mạng lưới đường bộ Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ kiểm tra trên tuyến quốc lộ 5 thì mỗi ngày trung bình có 1.000 xe quá tải chạy qua (chiếm tỷ lệ 20\%-30\%), trong đó xe tổng trọng tải lên đến 80 tấn, có xe 54 tấn trên trục sau, vượt quá tải 200\% theo quy định. Chính điều này đã làm cho hệ thống đường bị hư hại nghiêm trọng, phải nâng cấp, sửa chữa nhiều lần nhưng chỉ được một thời gian lại "đâu vào đấy", tốn kém rất nhiều tiền của của Nhà nước mà chất lượng công trình vẫn không đảm bảo.

    Mặc dù Tổng cục Đường bộ đã rà soát quá trình đăng kiểm, không cho nhập các xe tải siêu trường, siêu trọng, vượt quá tải trọng thiết kế của cầu đường theo tiêu chuẩn Việt Nam nhưng vấn đề kiểm soát xe quá tải vẫn khá nhức nhối.

    Thực tế cho thấy, ở nhiều nơi, sau khi qua khỏi trạm kiểm soát, nhiều xe đã lập tức "đổi thùng", đổi xitéc, cơi nới thêm phần thùng chở phía sau để chở thêm hàng. Cho nên, thực tế khi cân kiểm soát thì "đúng và đủ" nhưng khi xe lưu hành trên đường thì vẫn là nỗi kinh hoàng của đường quốc lộ. Bên cạnh đó, tại nhiều khu khai thác mỏ, quặng hoặc các cửa khẩu, cảng biển, có nhiều xe siêu trường, siêu trọng có khi vượt quá tải lên tới 200\%. Thậm chí, theo sở Giao thông vận tải Bắc Kạn, xe vi phạm vượt quá tải trọng rất nhiều lần, thậm chí lên đến 600\% ở địa phương này, gây hỏng đường nghiêm trọng.

    Nếu làm một phép so sánh thử sẽ thấy được mức độ xuống cấp của những con đường quốc lộ, tỉnh lộ có xe quá tải thường xuyên chạy qua. Ở đường quốc lộ, tỉnh lộ thường được kết cấu bởi lớp bê tông bên dưới và lớp nhựa bên trên. Hầu như lớp bê tông không bị hư hại gì, chỉ có mặt đường rải nhựa bị hư hỏng và thường hư hỏng theo vệt bánh xe, theo thời gian, các vệt bánh xe càng sâu gây hư hỏng nặng. Còn đối với các tuyến đường trong nội thị, nội đô có cùng một thời gian sử dụng, kết cấu đơn giản hơn, có khi chỉ có 1 lớp nhựa rải bên trên nhưng hầu như không bị ảnh hưởng gì. 

    Bất khả thi?

    Câu hỏi được đặt ra là tại sao cho đến bây giờ, việc xử phạt nguội các xe quá tải mới được đề ra. Theo vụ Kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông (thuộc Tổng cục Đường bộ), việc xử phạt xe quá tải ở Việt Nam hiện nay thường được thực hiện trực tiếp trên các tuyến đường. Việc này đòi hỏi chi phí và nhân lực rất tốn kém.

    Ví dụ cùng 1 xe ô tô, nhưng nếu vi phạm những lỗi như thiếu đèn, thiếu gương, tốc độ, đi sai làn đường thì việc xử lý rất dễ. Chỉ cần 1 người dùng máy bắn, chụp ảnh xe vi phạm rồi báo lên chốt trên thực hiện dừng xe và xử phạt, lập biên bản rất nhanh. Trung bình chỉ cần từ 2 cảnh sát giao thông hoặc thanh tra giao thông là xử lý xong. Nhưng với xử lý xe quá tải thì tốn kém rất nhiều về con người, thiết bị, thời gian, công nghệ. Khi phát hiện một xe quá tải trên đường thì cán bộ giao thông phải yêu cầu dừng xe, phải qua kiểm tra và cân để xác định có vượt tải hay không. Ở các địa phương cũng đã được trang bị các trạm cân rất hiện đại nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu. Để đầu tư thêm các trạm cố định thì tốn kém tới hàng chục tỷ đồng để mua bến bãi dừng đỗ xe, hạ tải, trụ sở làm việc...

    Như vậy, cần ít nhất 6-7 người mới xử lý được lỗi này, ở những chốt cao điểm như quốc lộ 1, quốc lộ 2 có khi cần từ 10 đến 15 người tham gia xử phạt. Chính vì điều đó, Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT đã phải tiến hành đề xuất về việc xử phạt nguội các xe quá tải để tiết kiệm về tiền lẫn nhân lực. Đầu tư cho xử phạt nguội thì chỉ cần đặt một thiết bị máy móc gắn dưới mặt đường (xen- xơ). Thiết bị này có kết nối với máy chủ, khi xe đi qua sẽ đo được tốc độ, trọng tải. Khi phát hiện vi phạm, chỉ mấy ngày sau chủ xe sẽ nhận được thông báo lỗi vi phạm và yêu cầu đến nộp phạt hành chính. Việc xử lý sẽ nhẹ nhàng và tiết kiệm về thời gian, nhân lực, tài chính rất nhiều.

    Cũng theo vụ Kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông thì với cơ sở vật chất cũng như hệ thống pháp luật, hệ thống xử lý hành chính ở Việt Nam thì chưa thể đáp ứng được yêu cầu cho xử phạt nguội. Ở những nước đã tiến hành "phạt nguội" thì mỗi công dân có 1 tài khoản ngân hàng, được Nhà nước kiểm soát. Nếu phát hiện vi phạm, tiền phạt sẽ được trừ trực tiếp vào tài khoản của người dân nên không thể có tình trạng "trốn phạt" được. Cho nên, để thực hiện "phạt nguội", chúng ta phải sửa đổi rất nhiều về luật xử lý hành chính, hệ thống pháp luật về tài chính,…

    Thứ nữa, khi thực hiện "phạt nguội" thì sẽ có nhiều chế tài, biện pháp ngăn chặn sẽ không thực hiện được. Ví dụ, với xe quá tải hiện nay trong chế tài xử phạt thì ngoài biện pháp xử phạt hành chính, tước bằng lái còn có yêu cầu phải hạ tải. Nếu xử "phạt nguội" thì không xử lý tại chỗ, ngay thời điểm vi phạm nên không thể thực hiện hạ tải được. Tất cả những điều này phải được tính toán kỹ lưỡng. Dẫu biết việc thực hiện phạt nguội sẽ rất khó khăn nhưng đây là một yêu cầu cần thiết đối với một xã hội hiện đại. Sắp tới, đề xuất này sẽ được trình lên Quốc hội để xem xét.

    Phạt nặng để... tự ý thức

    Theo vụ Kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông, mức phạt hiện nay đối với xe quá tải cũng "rất nặng". Một chuyến xe vi phạm, nếu bị phát hiện, xử lý thì chuyến hàng cũng coi như hết lãi. Với lái xe, bị tước bằng lái từ 30 ngày đến 60 ngày cũng là một tổn thất rất lớn. Mức phạt được xử lý tăng dần theo tỷ lệ vượt tải của xe từ 10\%, 20\%, 30\%,…

    Việc áp dụng "phạt nguội" đánh chủ yếu vào ý thức chủ xe, khi bị phạt nhiều, các chuyến hàng không có lãi, họ sẽ tự giác hạ tải cho xe. Có thể bây giờ con số xe thường xuyên quá tải là 45.000 xe nhưng tương lai, con số này sẽ dần giảm xuống cho tới khi chấm dứt hoàn toàn.

    Đỗ Huệ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tong-cuc-duong-bo-de-xuat-phat-nguoi-xe-qua-tai-a24802.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan