Riêng khoản học phí vài chục đến cả trăm triệu đồng một tháng, chưa kể phí đưa đón, tiền ăn, tiền phụ phí… đã mang đến khoản doanh thu khổng lồ hàng năm cho các tổ chức, công ty đứng ra đầu tư cho mảng giáo dục màu mỡ này.
Đã qua lâu rồi cái thời học sinh Việt ngồi vùi đầu vào sách vở với những bài toán, bài văn theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục- đào tạo, học Tiếng Anh với các thầy cô giáo dạy lớp 1 bài “Hello”, lớp 2 bài “How are you?”.
Thời bây giờ, các thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, đặc biệt ở các thành phố lớn được đào tạo ở môi trường năng động, toàn diện hơn, có điều kiện nâng cao cả kiến thức lẫn thể chất ở các môi trường giáo dục tiên tiến hơn tại các Trường Quốc tế.
Trường Quốc tế cũng có nhiều loại: Trường đào tạo theo các chương trình giáo dục của Anh, Mỹ… tiếp cận vấn đề dưới góc độ một ”công dân thế giới”, đầu ra hướng con em đi du học tại các trường trên thế giới do tổ chức nước ngoài đầu tư hoặc do công ty trong nước liên doanh với nước ngoài… đầu tư vào nền giáo dục tại Việt Nam.
Có nhiều loại hình tổ chức, nhiều kiểu giáo dục, nhiều hình thức đào tạo nhưng điểm chung của những trường này so với các trường công lập đều là cơ sở vật chất hiện đại, khang trang, con em được học tiếng Anh trong môi trường quốc tế… điều này làm các bậc phụ huynh vô cùng hài lòng khi nhìn thấy đứa trẻ của mình được phát triển toàn diện.
Thư viện trường BVIS mang đẳng cấp quốc tế. |
Nhưng đi đôi với chất lượng đào tạo mang đẳng cấp quốc tế, thì số tiền các bậc phụ huynh chi ra cũng theo mặt bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Nhưng người Việt ta với tâm lý “đắt xắt ra miếng”, sẵn sàng chấp nhận đầu tư cho thế hệ trẻ.
Riêng khoản học phí vài chục đến cả trăm triệu đồng một tháng, chưa kể phí đưa đón, tiền ăn, tiền phụ phí… đã mang đến khoản doanh thu khổng lồ hàng năm cho các tổ chức, công ty đứng ra đầu tư cho mảng giáo dục màu mỡ này.
Trường Quốc tế BVIS Hà Nội
Trường quốc tế BVIS là thành viên của hệ thống Trường quốc tế BIS (British International School), ngôi trường mang nền giáo dục Anh quốc tới cộng đồng người nước ngoài, người Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Tiếp nối thành công của Trường quốc tế BVIS ở quận Bình Chánh, TP HCM và BVIS Hà Nội cơ sở Vincom Village, Trường quốc tế BVIS mở thêm cơ sở thứ ba tại Thành phố Hoàng Gia (Royal City) ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Học phí tiền trăm triệu của học sinh trường BVIS. |
Liên hệ với ban tuyển sinh của trường BVIS, PV đã nhận được sự tư vấn nhiệt tình về biểu tính phí đến giật mình của ngôi trường quốc tế nằm trong khuôn viên Thành phố Hoàng Gia. Trường tổ chức giảng dạy bằng ngôn ngữ Anh- Việt (mỗi ngôn ngữ chiếm 50\% thời lượng đào tạo), đứng lớp là giảng viên quốc tế có trợ giảng người Việt, đào tạo từ bậc mầm non, lớp 1 đến lớp 13. Điểm này là điểm khác biệt với các trường mang tên quốc tế khác, chương trình đào tạo không song hành cùng chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo, các học sinh được xếp lớp theo độ tuổi và học phí cũng tăng dần theo số tuổi của các em.
Mỗi khối chỉ đào tạo 40-50 em học sinh, chia thành 2 lớp, học phí thấp nhất từ 157 triệu đồng/năm cho mầm non 2 tuổi và lên 368 triệu đồng cho lớp 13 (18 tuổi). Tính ra, riêng khoản thu từ học phí của nhà trường lên đến 215 tỷ đồng.
Khi nộp đơn vào trường, phí đăng kí học là 3,3 triệu đồng (bằng học phí cho cả năm học tại các trường công hiện nay), nếu may mắn đủ chỗ xếp lớp thì các bậc phụ huynh sẽ đóng thêm phí nhập học ban đầu là 43,4 triệu đồng- các khoản này không được hoàn trả lại trong bất kì trường hợp nào. Chưa kể khi đóng học, khoản đặt cọc 32,6 triệu đồng cho trường hợp học sinh muốn ngưng học và xin rút hồ sơ.
Đành rằng chấp nhận cho con vào trường tư, trường quốc tế thì các bậc phụ huynh đã quyết tâm đầu tư hết mình cho con cái với tương lai sau này, nhưng mỗi khi nhận được thông báo học phí đầu năm với những khoản không tên hay có tên thì tầng lớp thu nhập cao cũng không khỏi hoang mang.
Trường Quốc tế Việt- Úc Hà Nội
Trường Việt-Úc Hà Nội là một trong hai trường ở Hà Nội được công nhận là Trường Quốc tế Cambridge (mã số VN235), được làm việc trực tiếp với Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge không qua trung gian.
Học sinh tiểu học trường Việt -Úc học tiếng Anh cùng giáo viên nước ngoài. |
Trường Phổ thông Việt-Úc Hà Nội là một trường phổ thông bán quốc tế, gồm ba cấp học: Tiểu học, THCS và THPT, học phí ở trường chỉ vào khoảng dưới.
Trường thực hiện việc giảng dạy và học tập theo chương trình giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thực hiện thời gian học tập theo biên chế năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Chương trình học bằng tiếng Anh được thực hiện song song, giảng dạy bởi giáo viên bản ngữ có kinh nghiệm dạy phổ thông.
Học phí của trường thấp nhất là bậc Tiểu học (hệ Bán Quốc tế lên đến 70 triệu đồng/năm, hệ chất lượng cao cho lớp 1,2,3 là 33 triệu đồng/năm), cao nhất là lớp 12 bậc Trung học phổ thông hệ Bán quốc tế là 92 triệu đồng/em/năm. Khoản học phí này chứ tính quỹ hỗ trợ phát triển trường (tiểu học 7,5 triệu/năm, trung học 8,7 triệu/năm); tiền ăn 16 triệu/năm cho học sinh tiểu học, 19,5 triệu cho học sinh trung học; tiền đưa đón 19-21 triệu đồng/năm.
Trường quốc tế có chất lượng đào tạo được đánh giá cao nên số lượng học sinh đăng kí rất đông, nhưng mỗi năm số lượng tuyển sinh hệ tiểu học chỉ có 80 em hệ Bán Quốc tế và 60 em hệ chất lượng cao. Mỗi em sẽ phải đóng khoản phí giữ chỗ là 10,5 triệu đồng, đóng 1 lần khi nhập học.
Theo thông báo tuyển sinh của trường năm học 2013-2014 vừa rồi, trường tuyển mới 140 em lớp 1 hệ tiểu học, 60 em lớp 6 hệ THCS, 80 học sinh lớp 10 hệ THPT; tuyển bổ sung 20-30 em mỗi khối. Như vậy, tính ra, riêng khoản học phí nhà trường thu được cho 1 năm đào tạo lên đến gần 120 tỷ đồng (70 triệu/học sinh *140 học sinh*12 khối lớp); quỹ hỗ trợ phát triển trường do học sinh đóng góp hơn 10 tỷ đồng.
Chưa tính đến thu nhập từ tiền ăn trưa, xe đưa đón, tiền ngoại khóa, tiền đồng phục, phí và lệ phí… thì nhìn vào khoản thu của những nhà đầu tư cho giáo dục ở trường Quốc tế Việt – Úc cũng thấy tiềm năng đầu tư lớn.
Càng ngày, xu hướng cho con vào học tại môi trường quốc tế ngày càng gia tăng với tâm lý “thấy con nhà người ta được học tốt lắm” của các bậc phụ huynh có điều kiện, khi mà tiếng Anh dần gọi là ngôn ngữ phổ cập.
Học sinh Mẫu giáo, Tiếu học tiếng mẹ đẻ còn trọ trẹ, nói không hết một câu rõ nghĩa mà thỉnh thoảng vẫn thêm vào vài từ tiếng nước ngoài cho thoát ý khiến những nhiều thế hệ đi trước chỉ biết nhăn mặt lắc đầu.