TS. Nguyễn Văn Cừ |
Phải có biện pháp ngăn chặn thích hợp
- Ông đánh giá như thế nàovềhiện tượng quan hệ tình dục nơi công sở và những hệ lụy của nó đối với xã hội? Có ý kiến cho rằng nên xử lýhình sự với hành vi này nhằm làm "trong sạch" các cơ quan Nhà nước?
- Thực tế hiện nay, chuyện quan hệ tình dục nơi công sở phải nói là “nở rộ”. Ngay ở Hà Nội, buổi trưa, các nhà nghỉ luôn chật kín, những người cùng cơ quan "gặp nhau" và có những hành vi như vợ chồng. Xong, đường ai nấy về. Vấn đề này đang bào mòn đạo đức và lối sống của cán bộ công chức, là một trong những nguyên nhân khiến hạnh phúc gia đình rạn nứt, đồng thời gây ra các vụ khiếu nại, khiếu kiện, gây gổ, làm mất trật tự xã hội.
Hệ lụy của nó vô cùng nguy hiểm, nhưng rất khó xử lý trách nhiệm hình sự với những hành vi này. Như tôi được biết, hiện chỉ có hai hành vi thuận tình bị luật Hình sự ngăn cấm đó là việc người có vợ có chồng nhưng sống với người khác như vợ chồng và hành vi kết hôn với người đã có vợ có chồng. Do đó, trước mắt thì chưa thể xử lý hình sự hành vi quan hệ tình dục nơi công sở, bao gồm cả trường hợp đôi bên tự nguyện.
- Rõ ràng, luật của chúng ta chưa kín kẽ khi hành vi trên gần như chưa có chế tài xử lý. Ở góc độ một chuyên gia về luật Hôn nhân và Gia đình, theo ông, biện pháp xử lý nào mới thỏa đáng với trường hợp này?
- Theo tôi, đối với hành vi quan hệ tình dục nơi công sở, chúng ta nên xử lý theo hai cách. Thứ nhất, phạt hành chính ngang mức hành vi mua bán dâm. Bởi, hành vi tình dục nơi công sở ở một khía cạnh nào đó là có sự trao đổi, mua bán. Không ít trường hợp nhiều người dùng “vốn tự có“ để được nâng đỡ, thăng tiến trong công việc. Và không ít người tận dụng chức vụ, quyền lực của mình để đổi lấy sex. Xét trên khía cạnh này thì đây là hành vi mua bán dâm, trao đổi tình dục.
Ngoài ra, tôi cũng cho rằng tất cả các hành vi quan hệ tình dục kiểu này là những hành vi mua bán lén lút. Cả người mua và người bán đều cố tình che giấu bản thân và rất sợ phải công khai danh tính. Chính vì vậy, chúng ta nên quy định công khai danh tính những người có quan hệ trao đổi tình dục nơi công sở ở ngay tại địa phương họ sinh sống.
Chỉ có những dạng chế tài mới ngăn chặn được hành vi quan hệ tình dục bất chính đang phá nát hạnh phúc gia đình, bào mòn đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, ảnh hưởng đến văn hóa công sở hiện nay.
Người bị ảnh hưởng danh dự cần được bảo vệ
- Có ý kiến cho rằng, nạn nhân trong các vụ việc “mua bán dâm nơi công sở” cần thiết phải được đền bù về quyền nhân thân. Bởi, tổn thương mà hành vi “mua bán dâm nơi công sở” gây ra cho vợ (chồng), con của họ là hết sức nặng nề...
- Thực tế cho thấy, vợ hoặc chồng của những cá nhân có quan hệ tình dục nơi công sở khi bị phát hiện thường cảm thấy nhục nhã và ê chề. Nhiều người không kiềm chế được đã tìm cách trả thù hoặc chọn con đường ly hôn. Nhưng dù chọn cách nào đi nữa thì họ cũng phải gánh chịu nhiều tổn thương, cảm giác mất thể diện, và phải chịu đựng sự soi mói của dư luận. Nhìn ở góc độ nào thì những nạn nhân trong các vụ “mua bán sex” nơi công sở cũng là những người chịu thiệt hại. Tuy nhiên, hiện chưa có một văn bản luật nào quy định đền bù cho họ về những tổn thất tinh thần.
- Sau khi bắt quả tang vợ hoặc chồng có quan hệ tình dục với người khác, nhiều người đãtrả thù bằng cách “tống tiền” (ở đây chúng ta chưa vội bàn đến hành vi tống tiền vì rõ ràng đây là hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự). Nếu phân tích tâm lý thì đúng là, những người vợ (chồng) rơi vào tình cảnh này đều mong muốn phải được đền bù.Theo ông, luật có nên bổ sung nội dung "đền bù thiệt hại" trong một số trường hợp?
- Đây là vấn đề khá thú vị. Tôi cũng cho rằng nạn nhân của những cuộc “mua bán tình dục nơi công sở” rất đáng thương, họ cần được bảo vệ. Tuy nhiên, luật chưa có quy định đền bù trong trường hợp này, và thực tế, rất khó đặt ra quy định. Nhưng, nói như vậy không có nghĩa là không có biện pháp xử lý. Hiện nay, trong luật Hôn nhân và Gia đình có một quy định tôi cho rằng có thể áp dụng vào vấn đề trên. Đó là tại điểm D, khoản 2, Điều 59, luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (trong Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn căn cứ vào lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng).
Khi căn cứ vào các quy định này, ta thấy rằng việc vợ (chồng) có hành vi quan hệ tình dục với người khác dẫn tới ly hôn thì hành vi đó là hành vi gây lỗi. Mặc dù, chưa có quy định cụ thể nhằm buộc người có hành vi quan hệ tình dục "ngoài luồng" phải chịu thiệt khi phân chia tài sản chung, nhưng qua việc này, tôi cho rằng cũng nên có quy định về trách nhiệm của kẻ ngoại tình. Mục đích là để bảo vệ những người chung thủy. Không thể có chuyện người không chung thủy được hưởng lợi ích ngang bằng với những người sống chung thủy được.
- Xin cảm ơn ông!
TRINHH PHÚC - VŨ PHƯƠNG