Những ngày gần đây, tại Nhật Bản, người dân đang phải trải qua đợt nắng nóng kỷ lục trong vòng 150 năm qua, đặc biệt là tại khu vực thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận. Dự báo tình trạng nắng nóng này sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.
Ngày 28/6 là ngày thứ tư liên tiếp Tokyo phải hứng chịu cái nóng thiêu đốt, nền nhiệt độ trung bình trên 35 độ C, mức nền nhiệt được coi là nắng nóng cực đoan ghi nhận được ở 914 điểm trên toàn quốc, trong đó có nhiều điểm tại thủ đô Tokyo.
Vào chiều cùng ngày, nhiệt độ đo được tại Isesaki, thành phố cách thủ đô Tokyo 85 km về phía Tây Bắc là 40,2 độ C, phá vỡ kỷ lục về tháng 6 nóng nhất của Nhật Bản được thiết lập vào ngày 24/6/2011 là 39,8 độ C.
Nắng nóng đã khiến số người nhập viện vì sốc nhiệt gia tăng. Theo Sở cứu hỏa Tokyo, trong ngày 27 có 160 người và trong ngày 28 tính đến 15h đã có 80 người phải nhập viện do bị sốc nhiệt. Người dân được khuyến cáo sử dụng điều hòa nhiệt độ một cách hợp lý, thường xuyên bù nước và có thể bỏ khẩu trang nếu đảm bảo khoảng cách từ 2 mét khi giao tiếp.
Lượng dự trữ điện của Tokyo vào buổi tối trong ngày 28/6 dự kiến giảm xuống dưới 5%, gần với mức tối thiểu 3% để đảm bảo nguồn cung ổn định ở Tokyo và tám quận xung quanh. Công suất dự trữ dưới 3% đánh dấu nguy cơ thiếu điện và mất điện.
"Một số người cao tuổi đã tắt máy điều hòa không khí vì chúng tôi đang yêu cầu mọi người tiết kiệm năng lượng. Nhưng làm ơn, trong tiết trời nóng như thế này, đừng ngần ngại về việc làm mát", Bộ trưởng Công thương Koichi Hagiuda nói trong một cuộc họp báo.
Một nghiên cứu lớn được công bố trên tạp chí khoa học Environmental Research ngày 28/6 khẳng định các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu.
Hồi tuần trước, Trung Quốc đã chứng kiến lũ lụt trên diện rộng sau những trận mưa lớn trong khi Bangladesh cũng hứng chịu trận lụt lớn. Nhìn chung, các trận mưa lớn đang trở nên phổ biến và dữ dội hơn.
Nhằm giúp các quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) năm ngoái, Anh và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 27/6 đã thành lập Liên minh Hành động chuyển đổi về biến đổi khí hậu và sức khỏe (ATACH).
Bà Maria Neira, Giám đốc Bộ phận Biến đổi khí hậu, môi trường và sức khỏe của WHO, cho biết: "Liên minh mới này nhằm duy trì động lực và thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu và y tế ở cấp quốc gia, giúp các nước thu hẹp khoảng cách giữa cam kết và thực thi là ưu tiên hàng đầu".
Mộc Miên (Theo Japan Today)