+Aa-
    Zalo

    Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV diễn ra từ 20 đến 29/7 tại Hà Nội, tập trung vào công tác bầu các chức danh Nhà nước cấp cao nhiệm kỳ 2016-2021.

    Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV diễn ra từ 20 đến 29/7 tại Hà Nội, tập trung vào công tác bầu các chức danh Nhà nước cấp cao nhiệm kỳ 2016-2021.

    Sáng 20/7, phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV diễn ra trọng thể tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng… cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ban ngành Trung ương, đại diện các đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế, cùng toàn thể các đại biểu Quốc hội dự phiên khai mạc.

    Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phát biểu trước Quốc hội; đại diện Hội đồng bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; báo cáo xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV; Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

    Dưới đây là diễn biến phiên khai mạc:

    10h05': Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

    Báo cáo khẳng định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công là một kết quả có ý nghĩa chính trị-pháp lý to lớn của đất nước.

    Cử tri và nhân dân mong muốn các đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thực hiện tốt trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và phản ánh đầy đủ, trung thực tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân với các cơ quan Nhà nước; giám sát, đôn đốc các cơ quan nhà nước giải quyết các kiến nghị của nhân dân để trả lời cho nhân dân; phát huy trí tuệ, trách nhiệm để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp.

    Cử tri và nhân dân cả nước cũng bày tỏ ý kiến, kiến nghị về xây dựng Nhà nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật; về bảo vệ chủ quyền biển đảo; về quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; về an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng đào tạo cao đẳng, đại học và trên đại học; giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, giải quyết nhanh các bất cập trong khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm hiệu quả hơn…

    Hoan nghênh Chính phủ

    Về việc Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh che giấu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, làm công luận bất bình, bức xúc, cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo xác minh, kết luận và công bố công khai nguyên nhân hải sản chết hàng loạt và chỉ rõ Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã vi phạm pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường, vì vậy đã gây ra sự cố môi trường biển chưa từng có ở Việt Nam.

    Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương; giám sát Công ty Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết, đồng thời chỉ đạo rà soát việc thực thi các quy định pháp luật về cấp phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường, quản lý và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp.

    Cử tri và nhân dân cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường.

    Cần giải pháp lâu dài ứng phó biến đổi khí hậu

    Về ứng phó với biến đổi khí hậu, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có chính sách, giải pháp cấp bách hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống và sản xuất, thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời tập trung nghiên cứu, đưa ra các biện pháp căn bản, lâu dài để ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó, chú trọng việc tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là đối với ngành nông nghiệp.

    Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, chính quyền các cấp tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; làm rõ trách nhiệm và kiên quyết xử lý đối với người đứng đầu các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường…

    Trước những biến đổi khí hậu gây tác hại nghiêm trọng và có xu hướng không đảo ngược trong một thời gian dài như hạn hán trên diện rộng ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ, thiếu nước và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương sớm nghiên cứu, công bố và triển khai các giải pháp cơ bản, lâu dài, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân thực hiện các giải pháp trước mắt để giảm thiểu tác hại, ổn định đời sống và tiếp tục phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm của từng vùng, địa phương.

    Về vấn đề an toàn thực phẩm, cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ và chính quyền các cấp phải có các chương trình hành động đồng bộ, lâu dài, khả thi, phát huy sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân để tạo sự thay đổi căn bản trong nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội của các hộ, các doanh nghiệp sản xuất nông sản, chế biến và kinh doanh thực phẩm, của cán bộ, công chức; đồng thời hỗ trợ và khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, xử lý nghiêm khắc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, để thực phẩm không an toàn không còn là nỗi lo hằng ngày ở các gia đình Việt Nam.

    10h00': Trưởng tiểu ban Nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo (Hội đồng Bầu cử quốc gia) Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV.

    9h35’: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, thay mặt Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.

    Theo báo cáo, tổng số cử tri tham gia cuộc bầu cử đạt tỉ lệ 99,35\%. Sau khi kết thúc bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tiến hành công bố danh sách những người trung cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

    Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tiến hành xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp qua đó công nhận tư cách đại biểu đối với 494 đại biểu Quốc hội, 3.907 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 25.180 đại biểu HĐND cấp huyện, 292.305 đại biểu HĐND cấp xã.

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến với Quốc hội

    Kỳ vọng Quốc hội khóa XIV sẽ có nhiều đột phá

    9h15’: Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến với Quốc hội.

    Tổng Bí thư khẳng định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 - sự kiện trọng đại của đất nước, đã thắng lợi toàn diện, to lớn, thực sự là ngày hội của toàn dân.

    Chúc mừng Quốc hội khóa XIII đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, Tổng Bí thư khẳng định, những kết quả Quốc hội khóa XIII đã đạt được là tiền đề và bài học kinh nghiệm cho Quốc hội khóa XIV thực hiện tốt trọng trách của mình.

    Điểm qua tình hình quốc tế, khu vực và tình hình trong nước, Tổng Bí thư kiến nghị Quốc hội khóa XIV tập trung xây dựng pháp luật, cụ thể hóa Hiến pháp và đường lối, chủ trương của Đảng, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác giám sát của Quốc hội, nghiên cứu bổ sung, từng bước hoàn thiện pháp luật về giám sát, không giám sát dàn trải, tập trung vào những vấn đề dư luận bức xúc, cử tri quan tâm; tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn…

    Đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề liên quan đến kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhân sự…

    Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, tăng cường đối ngoại song phương, đa phương; chú trọng công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội…

    Tổng Bí thư cũng đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức phương thức hoạt động và chế độ làm việc của UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội, tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết công việc chung; tăng tính chuyên nghiệp; cá nhân ĐBQH cần gương mẫu, thường xuyên liên hệ, gắn bó mật thiết với cử tri…

    Cho biết cử tri cả nước kỳ vọng Quốc hội khóa mới tiếp tục có nhiều giải pháp đột phá, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng Quốc hội khóa XIV sẽ thực hiện thành công sứ mệnh của mình.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    Xứng đáng là người đại biểu nhân dân

    9h05': Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 22/5 đã được tổ chức đúng pháp luật, an toàn tiết kiệm, hơn 99\% số cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu để lựa chọn bầu ra 494 đại biểu Quốc hội là những người tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho ý chí và trí tuệ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc quan trọng của đất nước tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

    Đây là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trong tiến trình sinh hoạt dân chủ, thể hiện ý thức chính trị, trách nhiệm của công dân và vai trò của hệ thống chính trị đối với sự kiện trọng đại này, góp phần củng cố sự gắn bó, niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

    Chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ nỗ lực rèn luyện không ngừng, tu dưỡng đạo đức, trình độ, năng lực công tác, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện có hiệu quả quyền hạn, trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội, xứng đáng với danh hiệu Người đại biểu của Nhân dân.

    Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XIII đã có nhiều đổi mới cơ bản, hoàn thành tốt chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng. Thành công của Quốc hội khóa XIII là một trong những cơ sở tiền đề để Quốc hội khóa XIV và Quốc hội những khóa tiếp theo tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ Quốc hội khóa XIV bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phát triển không ổn định, thị trường tài chính, tiền tệ biến động khó lường; tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp… đang đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề bảo vệ và phát triển của đất nước ta trong tình hình mới.

    Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ những chuyển biến tích cực của kinh tế-xã hội, an ninh chính trị, an toàn xã hội, thì diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Tai nạn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường còn khá nghiêm trọng.

    Bối cảnh quốc tế và trong nước đặt ra những nhiệm vụ hết sức nặng nề cho Quốc hội khóa XIV, đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, mỗi đại biểu Quốc hội nhận thức rõ trách nhiệm trước đồng bào, cử tri cả nước để học tập, rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn và bản lĩnh để tích cực, chủ động và sáng tạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

    9h00': Quốc hội họp phiên khai mạc


    8h00': Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua Chương trình kỳ họp và trao đổi về một số vấn đề cần thiết khác.


    7h15': Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.


    Theo chương trình dự kiến, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc lúc 9h sáng ngày 20/7 sau khi các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu ý kiến. Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng trình bày Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội.

    Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.

    Sau khi các đoàn đại biểu Quốc hội bầu Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn và Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu, công bố thể lệ bỏ phiếu, từ ngày 22/7, Quốc hội sẽ tập trung tiến hành công tác bầu các chức danh Nhà nước cấp cao, cụ thể: Bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước (ngày 22/7); bầu Chủ tịch nước (chiều 25/7); bầu Thủ tướng Chính phủ (chiều 26/7); bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (sáng 27/7); phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ (sáng 28/7); phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách các Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng quốc phòng-an ninh (sáng 29/7).

    Theo quy định của Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ ngay sau khi được Quốc hội bầu.

    Tại kỳ họp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016 để Quốc hội thảo luận.

    Trước khi bế mạc kỳ họp vào sáng 29/7, Quốc hội sẽ tiến hành thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề; và Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.

    Hoàng Hạnh 
    Nguồn: baochinhphu.vn
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/toan-canh-phien-khai-mac-ky-hop-thu-nhat-quoc-hoi-khoa-xiv-a140260.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan