+Aa-
    Zalo

    Toàn cảnh chính phủ Syria sụp đổ nhanh chóng ngoài tưởng tượng: "Siêu bão" được tích tụ nhiều năm

    (ĐS&PL) - Những sự kiện đang diễn ra ở Syria không phải là ngẫu nhiên, đó là kết quả của những quá trình ăn sâu bén rễ đã diễn ra trong nhiều năm

    Sáng 8/12, Nhóm vũ trang Hayat Tahrir-al-Sham (HTS) và các lực lượng dân quân chống chính phủ Syria khác đã tiến vào thủ đô Damascus, giành quyền kiểm soát thủ đô của Syria và tuyên bố Damascus thất thủ.

    Lực lượng phiến quân tuyên bố Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chạy khỏi Damascus. Các trang web dữ liệu chuyến bay cũng cho thấy máy bay của Tổng thống Bashar Assad đã rời khỏi thủ đô.

    Trong khi đó, hãng tin TASS dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết, ông Bashar al-Assad được Bộ Ngoại giao Nga xác nhận đã từ chức trước đó, đang ở Moscow và được cấp tị nạn ở Nga.

    Sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, lực lượng đối lập Syria đã ban bố lệnh giới nghiêm tại thủ đô. Theo thông báo, lệnh giới nghiêm sẽ được áp đặt từ 16h hôm trước đến 5h sáng hôm sau (theo giờ địa phương).

    Lực lượng nổi dậy Syria tiến vào các thành phố mà không vấp phải bất cứ kháng cự nào từ quân đội chính phủ. Ảnh: CNN

    Lực lượng nổi dậy Syria tiến vào các thành phố mà không vấp phải bất cứ kháng cự nào từ quân đội chính phủ. Ảnh: CNN

    Ai đứng sau cuộc tấn công của quân nổi dậy?

    Cuộc tấn công này được tiến hành bởi nhiều nhóm vũ trang đối lập của Syria do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu, cùng sự hỗ trợ của các phe phái thân Thổ Nhĩ Kỳ.

    HTS - do Abu Mohammed al-Julani lãnh đạo - là lực lượng lớn nhất và có tổ chức nhất, đã cai trị tỉnh Idlib trong nhiều năm trước khi diễn ra chiến dịch này.

    Các nhóm khác tham gia bao gồm Mặt trận Giải phóng Quốc gia, Ahrar al-Sham, Jaish al-Izza, Phong trào Nour al-Din al-Zenki và các phe phái thân Thổ Nhĩ Kỳ thuộc nhóm Quân đội Quốc gia Syria.

    Tại sao chính phủ của Syria sụp đổ nhanh như vậy?

    Theo RT, những sự kiện đang diễn ra ở Syria không phải là ngẫu nhiên, đó là kết quả của những quá trình ăn sâu bén rễ đã diễn ra trong nhiều năm. Thảm kịch này có thể đã được định sẵn bởi sự hội tụ của những mâu thuẫn nội bộ, áp lực bên ngoài và những sai lầm lịch sử, cùng nhau tạo nên một "siêu bão" có khả năng lật đổ ngay cả những chế độ cố hữu nhất.

    Cuộc khủng hoảng Syria, bắt đầu như một sự bế tắc giữa chính phủ và một số nhóm đối lập, đã phát triển thành một cuộc xung đột kéo dài được thúc đẩy bởi một bức tranh ghép phức tạp của các lợi ích địa phương, khu vực và quốc tế.

    Nhiều năm chiến tranh không ngừng nghỉ và không muốn thỏa hiệp đã dẫn đến bất bình đẳng kinh tế ngày càng trầm trọng, tình trạng chảy máu chất xám của những người lao động có tay nghề, sự sụp đổ của các thể chế và cơ sở hạ tầng nhà nước, và sự phân mảnh và tham nhũng của giới tinh hoa chính trị. Xã hội, bị bào mòn vì thiếu triển vọng, trở nên chia rẽ sâu sắc, và sự bất mãn ngày càng tăng trong dân chúng chỉ đẩy nhanh sự suy yếu của chính quyền trung ương.

    Những ngôi nhà đổ nát tại Syria. Ảnh: Getty

    Những ngôi nhà đổ nát tại Syria. Ảnh: Getty

    Không dừng lại ở đó, Syria đã trở thành chiến trường cho các cuộc cạnh tranh địa chính trị, nơi các thế lực bên ngoài khai thác cuộc khủng hoảng để thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng họ. Từ các quốc gia phương Tây và Ả Rập ủng hộ phe đối lập cho đến sự tham gia trực tiếp của các tác nhân nước ngoài trên đất Syria, mỗi bên đều theo đuổi mục tiêu riêng của mình, làm sâu sắc thêm cuộc xung đột.

    Các bên tham gia khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Israel coi sự suy yếu của Syria là cơ hội để củng cố ảnh hưởng của riêng họ. Tuy nhiên, trong nhiều năm, các kế hoạch này đã không thành hiện thực do sự ủng hộ mạnh mẽ mà Syria nhận được từ Nga và Iran. Sự can thiệp của các chiến binh và các nhóm phiến quân đã làm tăng thêm sự hỗn loạn, biến cuộc đấu tranh giành quyền lực thành một cuộc chiến tranh vô luật pháp.

    Một bước ngoặt quan trọng đã xảy ra khi ông Assad mất đi sự ủng hộ của ngay cả những người đã sát cánh cùng ông trong nhiều năm. Những khó khăn về kinh tế, lệnh trừng phạt và cảm giác tuyệt vọng ngày càng tăng khiến nhiều người tin rằng sự thay đổi là điều tất yếu, ngay cả khi phải trả giá bằng sự hủy diệt.

    Sai lầm chiến lược của giới tinh hoa cầm quyền – đặt cược vào giải pháp quân sự cho cuộc xung đột trong khi phớt lờ đối thoại chính trị, cả trong nước và quốc tế – cuối cùng đã khiến ông Assad dễ bị tổn thương trước những kẻ thù quyết tâm và có tổ chức tốt.

    Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters

    Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters

    Trong những năm qua, ông Bashar Assad thấy mình ở trung tâm của những thách thức ngày càng gia tăng. Tham nhũng trong vòng tròn thân cận của ông, áp lực quốc tế và một cuộc chiến kéo dài đã làm kiệt quệ cả đất nước và cá nhân Assad. Một đòn giáng khác đến với cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư của vợ ông mà bà đã chiến đấu trong nhiều năm. Những hoàn cảnh này có thể đã ảnh hưởng đến ý chí cân nhắc thay đổi của ông.

    Các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa tin rằng, ông Assad đã sẵn sàng trao quyền lực cho phe đối lập, mặc dù không có bằng chứng chắc chắn nào ủng hộ tuyên bố này. Có lẽ sự mệt mỏi vì chiến tranh, những bi kịch cá nhân và nhận ra sự chuyển đổi tất yếu đã khiến ông cởi mở hơn với sự thỏa hiệp.

    Trong nhiều nămn qua, ông Assad đã phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ về quân sự, chính trị và ngoại giao từ các đồng minh chủ chốt là Nga và Iran. Nếu không có họ, chế độ của ông gần như chắc chắn đã sụp đổ sớm hơn nhiều trong cuộc chiến.

    Với sự giúp đỡ của họ, chế độ đã giành lại được lãnh thổ đã mất sau khi cuộc xung đột nổ ra vào năm 2011. Sự can thiệp của Nga vào năm 2015, bằng sức mạnh không quân tuyệt đối, đã thay đổi cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho Assad.

    Tuy nhiên, cuộc tấn công của phiến quân vào tháng trước diễn ra khi Nga vẫn đang bận bịu giải quyết cuộc chiến ở Ukraine. Các cuộc không kích lần này của họ đã không thể ngăn chặn được phiến quân càn quét khắp đất nước Syria.

    “Người Nga muốn giúp đỡ chế độ Syria nhiều hơn – nhưng nguồn lực quân sự của họ ở Syria đã giảm đi rất nhiều do cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine”, chuyên gia Trung Đông Wassim Nasr của trang tin FRANCE 24 nhận định.

    Nga vẫn đang giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh minh họa

     Nga vẫn đang giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh minh họa

    Điều gì xảy ra tiếp theo?

    Theo các nhà phân tích, Syria có nhiều cơ hội, nhưng cũng đối mặt không ít rủi ro sau khi phe chống chính phủ lật đổ chính quyền Assad.

    Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali cho biết, nội các của ông sẵn sàng chìa tay cho phe đối lập và bàn giao chức năng của mình cho chính phủ chuyển tiếp.

    "Đất nước này có thể là một quốc gia bình thường xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng và thế giới, nhưng vấn đề này tùy thuộc vào bất kỳ nhà lãnh đạo nào do người dân Syria lựa chọn", ông Ghazi al-Jalali nhấn mạnh.

    Lãnh đạo HTS cho biết, các tổ chức công sẽ vẫn nằm dưới sự giám sát của Thủ tướng Jalali cho đến khi chúng được bàn giao chính thức. 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/toan-canh-chinh-phu-syria-sup-o-nhanh-chong-ngoai-tuong-tuong-sieu-bao-uoc-tich-tu-nhieu-nam-a488254.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan