(ĐSPL) - Đến ngày thứ 8, giới chức Malaysia đã kết luận chiếc máy bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia bị không tặc bắt cóc.
Cùng nhìn lại những sự kiện quan trọng trong 8 ngày tìm kiếm chiếc Boeing 777 mất tích cùng 239 người trên tàu.
Ngày thứ nhất (8/3):
Chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur vào lúc 12h41 sáng (giờ địa phương) và dự định tới sân bay tại Bắc Kinh vào lúc 6h30 sáng. Tuy nhiên, chuyến bay đã mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu vào khoảng 2h40 cùng ngày.
Hành trình của máy bay Malaysia.
Trên máy bay có 227 hành khách với 14 quốc tịch khác nhau (trong đó có 2 trẻ sơ sinh) và 12 phi hành đoàn. Phi công lái chính là cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, người Malaysia và Fariq Ab.Hamid, 27 tuổi.
Cuối giờ chiều ngày 8/3, thông tin từ máy bay AN26 của Hải quân Việt Nam cho biết, vệt dầu loang dài khoảng 20 km được phát hiện tại khu vực biển tìm kiếm, có khả năng là của chiếc máy bay Boeing Malaysia gặp nạn.
Ngày thứ hai (9/3):
Khu vực tìm kiếm của không quân Việt Nam mở rộng hơn về phía đảo Thổ Chu. Singapore và Malaysia cũng điều chỉnh khu vực tìm kiếm, Mỹ cũng điều 1 máy bay ra hỗ trợ.
Người dân Malaysia cầu nguyện cho chiếc máy bay mất tích.
Đặc biệt, Interpol xác nhận có ít nhất 2 người sử dụng hộ chiếu giả đánh cắp có mặt trên chuyến bay mất tích; xuất hiện thông tin máy bay có thể quay đầu trở lại trước khi biến mất khỏi màn hình radar mà không rõ lý do.
Phân tích vết dầu loang tìm thấy ngoài khơi vào cho kết quả, đó không phải là dầu của máy bay MH370.
Tối ngày 9/3, máy bay Việt Nam đã phát hiện ra một mảnh vỡ gần đảo Thổ Chu, được cho là một phần cánh máy bay mất tích. Sau xác minh thì biết nó không liên quan tới vụ việc máy bay mất tích.
Ngày thứ ba (10/3):
Liên tiếp phát hiện các vật thể nghi vấn. Thủy phi cơ Việt Nam phát hiện một vật thể lạ màu cam, hình vuông, nghi là phao, nằm cách đảo Thổ Chu 96 hải lý.
Máy bay của Singapore cho biết nhìn thấy 1 vật giống máng trượt khẩn cấp của máy bay, nằm cách đảo Thổ Chu 140km. Phía Malaysia yêu cầu Việt Nam cử phương tiện gần nhất hỗ trợ.
Phát hiện nhiều vật thể lạ nghi của máy bay bị mất tích.
Tàu HQ 637 vớt được một vật thể là nắp cuộn cáp đã đóng rêu, cách tọa độ xác định ban đầu khoảng 10km.
Ngày thứ tư (11/3):
Máy bay Casa 8981 phát hiện tại tọa độ 7 độ 59'17"-103độ 103'44'05" một đốm màu trắng về phía đông nam đảo Thổ Chu, cách đảo Thổ Chu khoảng 80 hải lý.
Interpol xác định được danh tính người sử dụng hộ chiếu giả. Đó là công dân Iran, Pouria Nour Mohammad Mehrdad, 19 tuổi và Delavar Seyed Mohammadreza, 29 tuổi. Cả 2 đang đến Đức để tị nạn.
Hãng Reuters đưa tin, Radar quân sự của Malaysia cho thấy máy bay mất tích tại vùng eo biển Malacca.
Trung Quốc tăng cường tàu chiến tới tham gia tìm kiếm. Việt Nam mở rộng phạm vi tìm kiếm sang phía đông và phía tây Vịnh Thái Lan.
Ngày thứ năm (12/3):
Việt Nam vẫn tiến hành tìm kiếm bình thường theo kế hoạch vì phía Malaysia Malaysia chưa thông tin chính thức về việc có tín hiệu máy bay mất tích tại vùng eo biển Malacca.
Việt Nam tích cực tìm kiếm máy bay Boeing 777 mất tích.
Ngày thứ sáu (13/3):
Một vệ tinh Trung Quốc tìm thấy 3 đối tượng nổi tại vị trí nghi ngờ là máy bay Malaysia đã mất tích. Tuy nhiên, khi Malaysia cho máy bay đến để xác thực thông tin thì đã không phát hiện ra điều gì.
Malaysia lên tiếng về hình ảnh của vệ tinh Trung Quốc.
Lực lượng không quân Malaysia tìm kiếm tại khu vực Subang, Phuket và vùng biển Andaman nhưng cũng không có kết quả.
Ngày thứ bảy (14/3):
Khu vực tìm kiếm mở rộng ra Ấn Độ Dương. Chuyên gia Trung Quốc phát hiện một sự cố dưới đáy biển, khu vực biên giới biển giữa Malaysia và Việt Nam diễn ra vào 02:55:06 (giờ địa phương) ngày 8/3, và nghi là của máy bay mất tích.
Cuộc tìm kiếm có sự tham gia của 57 tàu, 48 máy bay đến từ 13 quốc gia.
Ngày thứ tám (15/3):
Phía Malaysia hủy lệnh tìm kiếm ở biển Đông và chuyển hướng sang Ấn Độ Dương, Việt Nam tuyên bố chính thức dừng tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.
Cảnh sát Malaysiabắt đầu điều tra phi công của chuyến bay mất tích sau khi Thủ tướng nước này khẳng định chiếc máy bay có thể bị cướp.
Kim Linh(tổng hợp)