Ngôi làng này 40 năm qua mới có một người đỗ đại học, nhưng do gia đình quá nghèo nên tờ giấy gọi nhập trường đã được cất dưới gầm giường.
Nước mắt của Phẩm
Vi Thị Phẩm đã khóc. Tôi không nghĩ rằng cô lại khóc. Ký ức bất chợt ùa về cái đêm trước khi Phẩm ra Hà Nội, sáng hôm sau đã là ngày đăng ký số báo danh dự kỳ thi đại học.
Nhìn đôi mắt cô dần chuyển sang màu đỏ, đầu hơi ngẩng lên nhằm làm chậm tốc độ rơi của những giọt nước và rồi cầm chiếc áo chống nắng thay khăn mùi xoa, gạt vội. Tôi thấy nhói.
Tôi không bao giờ biết được câu chuyện dưới ánh đèn dầu tù mù, gia đình đã nói những gì với cô. Chỉ biết rằng, cô đã khóc rất nhiều cả tối hôm đó chỉ để nhận được cái gật đầu đồng ý và số tiền 3.000.000 đồng cho đi xuống Thủ đô thi đại học từ bố mẹ mình. Chỉ biết rằng, chuyến đi thi đơn độc lúc 12h đêm đó là lần đầu tiên cô được lên một chiếc ô tô trong đời.
Nơi Phẩm sinh ra và lớn lên, nơi không có đường và điện, 40 năm nay mới có một người đỗ đại học. Và Phẩm là người duy nhất trong số đám bạn cùng tuổi học được đến cấp 3.
Nhưng hôm nay, Phẩm đang làm trong một khu công nghiệp ở Bắc Ninh. Trong căn phòng trọ 10m2 cách chỗ làm 15 phút đi bộ, cô nói về sự im lặng đáng sợ của bố mẹ khi cô hỏi họ "cho con đi học nhé?" sau khi có kết quả báo đỗ đại học. Trong căn phòng đó, cô nói về ước mơ được đi học và số tiền đang để dành cho việc học sau này khi nghỉ làm. Chẳng biết có đủ được không?
5.000 đồng là số tiền mỗi ngày Phẩm được nhận thêm cho công việc đang làm tại một khu công nghiệp, ngoài lương chính thì đó là mức hỗ trợ độc hại.
8 tiếng/ngày, công việc là đứng nhấc bảng mạch điện tử từ băng chuyền đặt lên robot tự động mạ thiếc. Nhấc đủ 500 lần, Phẩm đủ sản lượng một ngày. Hết giờ làm, cô loanh quanh trong khu nhà trọ giết thời gian. Cô ngại bước chân ra ngoài do sợ tệ nạn ở cái cộng đồng dân cư đa dạng thu nhỏ này. Nơi cô không người thân, không tivi và thậm chí là cả những chiếc điện thoại kết nối 3G.
Vi Thị Phẩm trong căn phòng trọ hiện tại của mình. |
Ngôi làng 40 năm mới có người đỗ đại học
Ngược về thời gian hơn một tuần trước đó, từ khi tình cờ biết được câu chuyện của Trưởng thôn Vi Công Luân, về Phẩm - cô gái duy nhất đỗ đại học của làng trong 40 năm qua, nhưng do gia đình không có tiền nên phải bỏ học đi làm, chúng tôi đã tự hứa phải tìm gặp bằng được nhân vật của mình.
Gia đình ông Vi Văn Thư (bố Phẩm), có 2 con gái và 1 con trai. Cô con gái cả đã đi lấy chồng, còn cậu út theo hết lớp 9 rồi bỏ học, ở nhà chăn trâu.
Mức thu nhập 1 năm chỉ khoảng 5 – 6 triệu và hoàn toàn từ nông nghiệp, ruộng đồng phụ thuộc vào thiên nhiên, cũng giống như biết bao gia đình khác tại chốn này, gia đình ông Thư vẫn đều đặn được nhận gạo cứu đói của nhà nước hàng tháng.
Thôn Đồng Lách, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), nơi không đường, không điện. Đây cũng là khu vực vùng núi đặc biệt khó khăn với 100\% đồng bào dân tộc Thái sinh sống có tỷ lệ hộ nghèo là 107/109 hộ. Vụ vừa rồi, mất trắng, trâu bò được thả ngoài đồng ăn dọn lúa, no nê.
“Hắn muốn đi học nhưng không có tiền, nhà mình như thế này thì tiền đâu ? Lấy tiền ở mô ?”, ông Thư nói trong khi vợ ông đang tìm tờ giấy gọi học đại học của cô con gái thứ hai. Tờ giấy được cất ngăn nắp trong một cái hộp sắt dưới gầm giường.
“Tôi vẫn biết là nên tạo cho con điều kiện đi học, cho đời con sau này nhưng không có tiền đóng tiền học. Học 1 năm thì được chứ 4 năm thì sao được ? Lấy tiền ở mô (đâu)? Thôi, chịu khó đi làm vậy”.
3.250.000 đồng là số tiền Phẩm phải đóng đầu năm để nhập học. Gia đình khó khăn nhưng thật tiếc là xã và thôn không biết được thông tin để có thể hỗ trợ cho vay kịp thời. Sau khi biết, quá thời gian nhập học thì đã muộn cho cô.
Tờ giấy gọi nhập học của Phẩm được cất dưới gầm giường, đây cũng là tờ giấy báo nhập học sau 40 năm mới xuất hiện ở Đồng Lách. |
Ông Vi Văn Thư - bố Phẩm |
Tương lai
Tháng 11 tới là tròn một năm Phẩm bắt đầu đi làm công nhân. Một năm qua, cô đã gửi về cho nhà được hơn 10.000.000 đồng, số tiền gấp đôi thu nhập của gia đình nơi quê nghèo. Nhưng, trong những cuộc điện thoại từ khu công nghiệp về nhà, cô vẫn luôn nói với bố mẹ rằng muốn đi học.
“Tháng 11 nếu không ký hợp đồng tiếp nữa thì em sẽ đi học. Hoặc em sẽ học lấy một cái nghề để sau này đỡ vất vả hơn. Nếu cứ tiếp tục thế này thì mãi cũng chỉ đi làm công nhân, không có tương lai”, Phẩm nói.
Cô cũng chia sẻ với chúng tôi ý định về việc sẽ đi học thêm một khóa tiếng Nhật để được trở thành phiên dịch viên, hoặc ước giá như thời gian có quay trở lại, cô sẽ đăng ký học sư phạm để không phải mất học phí, rồi sau khi ra trường quay về nơi cô sinh ra mang con chữ tới cho bọn trẻ trong thôn.
“Nếu giờ Phẩm quay lại đi học thì cô chú nghĩ sao ?”, lúc rời khỏi căn nhà của gia đình trong Đồng Lách, chúng tôi cố gượng hỏi lại cha mẹ cô như vậy, rằng nếu có điều kiện và nhà tài trợ, họ có muốn con mình đi học đại học không?
“Tôi cũng muốn cho đi học để sau này thấy được tương lai cho con. Nhưng tiền nong thì không có, quá eo hẹp”, chúng tôi nghe thấy tiếng bố Phẩm nói trước khi ra về và dường như không nhận được tín hiệu nào minh chứng cho niềm tin trong ông.
Niềm tin. Phải, có lẽ đó là một thứ xa xỉ ở thời điểm hiện tại.
Còn trước khi tạm biệt khu nhà trọ Phẩm ở, cô có kể về câu chuyện những hôm gió thổi xuống làng Lách của cô. Cơn gió mạnh quá, ánh đèn dầu chỉ chực tắt, Phẩm cầm đèn chui vào góc nhà ngồi học. Tốn dầu, thắp được 2 – 3 ngày lại phải xin tiền bố mẹ đi mua. Chúng tôi và cô cùng cười, nhưng có gì đó đắng đầu môi.
Ra khỏi con ngõ sâu đấy là đường vào khu công nghiệp nơi Phẩm làm. Rộng rãi và thênh thang. Nhưng còn câu chuyện phía trước cho Phẩm và những Phẩm khác nữa, tương lai sao chật chội quá.
Theo Người Đưa Tin
Xem thêm video:
[mecloud]Np0wLWoLwo[/mecloud]