Tỉnh Tiền Giang "tuyển dụng đặc biệt" 13 người có trình độ thạc sĩ về địa phương công tác từ 2014-2016 nhưng không có văn bản xin ý kiến của Bộ Nội vụ trước khi ban hành quyết định tuyển dụng và cũng như không thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch.
Theo tin trên Tuổi trẻ, 13 người trong diện “tuyển dụng đặc biệt” được tỉnh hỗ trợ 75 tháng lương cơ bản và 15% của hệ số lương để đảm bảo 100% lương trong thời gian tập sự một năm.
Trong đó, có ba người công tác tại Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, bốn người tại các cơ quan của UBND thành phố Mỹ Tho và ba người ở thị xã Cai Lậy. Ba người còn lại đang công tác tại huyện Gò Công Đông, Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Nội vụ.
Bà Nguyễn Thị Thủy (thạc sĩ Luật), một trong 13 người được tuyển dụng và phân công về công tác tại Văn phòng HĐND - UBND thành phố Mỹ Tho từ tháng 6-2016 cho biết, Sở Nội vụ đã làm việc với bà và 12 người khác về kết luận của Bộ Nội vụ và đưa ra ba phương án giải quyết.
Cụ thể, theo phương án thứ nhất, nếu người nào muốn thôi việc thì hoàn trả kinh phí hỗ trợ đã nhận.
Phương án thứ hai là nếu muốn tiếp tục công tác tại tỉnh thì đăng ký thi tuyển công chức.
Còn phương án ba là trong trường hợp thi rớt công chức thì thi tuyển, xét tuyển viên chức với điều kiện đơn vị sự nghiệp công lập nào đó có nhu cầu tuyển dụng.
Tuy nhiên nhiều người không đồng tình cả ba phương án nói trên.
Liên quan tới việc “tự” tuyển dụng cán bộ, tháng 8/2016, Tiền phong đưa tin, tỉnh Thanh Hóa tự ý tuyển dụng 3.700 cán bộ, nhân viên y tế.
Cụ thể, từ năm 2009 - 2015, ông Hoàng Sỹ Bình làm giám đốc Sở Y tế đã ban hành các quyết định, văn bản tuyển dụng sai trái, không đúng thẩm quyền.
Từ các văn bản sai trái này, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và ông Bình đã nhiều lần đồng ý để các đơn vị của ngành tuyển dụng nhiều lần, với số lượng lớn hơn 3.700 lao động hợp đồng không xác định thời hạn và có thời hạn mà không báo cáo chủ tịch UBND tỉnh và chưa được UBND tỉnh cho phép.
Sai sót chính là tỉnh không có văn bản xin ý kiến của Bộ Nội vụ trước khi ban hành quyết định tuyển dụng và cũng như không thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch. Ảnh minh họa |
Trong giai đoạn này, ngành y tế còn bổ nhiệm, luân chuyển trái quy định nhiều lãnh đạo cấp phòng không nằm trong quy hoạch, không làm quy trình bổ nhiệm, gây bức xúc cho đội ngũ cán bộ y tế ở địa phương…
Trong năm 2016, cũng tại Thanh Hóa, báo Dân trí phản ánh nguyên Chủ tịch huyện Yên Định Ngô Thị Hoa tự ý tuyển dụng công chức vô tội vạ.
Theo đó, trong 5 năm (2011-2015), Chủ tịch UBND huyện Yên Định đã ký quyết định chuyển ngạch từ viên chức sang công chức cho 8 cán bộ công tác tại UBND huyện Yên Định nhưng không báo cáo Sở Nội vụ và UBND tỉnh Thanh Hóa; không công khai trong việc tuyển dụng 14 công chức, đặc biệt đã thiếu công bằng, tùy tiện trong việc tuyển người có điểm thấp, loại người có điểm cao, gây bức xúc trong dư luận xã hội và trong nội bộ cơ quan UBND huyện.
Để hợp thức hóa cho việc chọn người thấp điểm mà không chọn người cao điểm, bà Hoa đã ký ban hành Quyết định số 550/2012/QĐ-UBND ngày 2/5/2012 “Quy định cá biệt về tuyển dụng công chức” trong đó tự ý đưa ra các tiêu chí ưu tiên cộng điểm đối với những người có thời gian hợp đồng mà không căn cứ vào bất kỳ quy định nào.
Trong thời gian làm Chủ tịch UBND huyện Yên Định, bà Ngô Thị Hoa còn tùy tiện trong việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan UBND huyện và các đơn vị sự nghiệp cấp huyện.
Qua kiểm tra, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện bà Hoa ký bổ nhiệm 22 vị trí cán bộ, công chức, viên chức không có trong danh sách quy hoạch của Huyện ủy; bổ nhiệm 28 trường hợp thiếu chứng chỉ bồi dững kiến thức quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên hoặc tương đương, 11 người thiếu chứng chỉ ngoại ngữ, 13 người thiếu chứng chỉ tin học văn phòng, 7 người thiếu chứng chỉ Trung cấp lý luận chính trị.
Vũ Đậu(T/h)