+Aa-
    Zalo

    Tình trạng khan hiếm xăng dầu: Người dân và doanh nghiệp liêu xiêu trước “hiện tượng lạ”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tình hình xăng dầu chưa bao giờ “nóng” như thời điểm hiện nay. Tại Hà Nội, nhiều cây xăng treo biển hết hàng, quây rào không bán với lý do hết hàng; có nơi thì bán theo kiểu “bao cấp” – đổ tối đa 50 nghìn đồng/xe máy. Có nhiều người dân xếp hàng chờ hàng tiếng đồng hồ, đến khi tới lượt thì nhận được thông báo “hết xăng”…

    Thiếu hụt xăng dầu, việc lưu thông, di chuyển của người dân khó một, thì những đơn vị kinh doanh vận tải cũng khó khăn gấp hai, ba lần.

    Hết xăng là hết việc

    Theo ghi nhận của PV Đời sống & Pháp luật, anh Lê Đình Hiền (26 tuổi) là tài xế của hãng Taxi 25 Thường Tín (Hà Nội) chia sẻ: “Giá xăng tăng cao trong khi giá cước taxi không tăng, đồng nghĩa với việc chúng tôi làm việc gần như không có lãi, không đủ để trang trải cho cuộc sống. Nếu các cây xăng chỉ bán theo số lượng nhất định hoặc trong trường hợp đóng cửa, không đủ xăng để chạy thì tôi cũng phải nghỉ theo”.

    tinh trang khan hiem xang dau nguoi dan va doanh nghiep lieu xieu truoc hien tuong la 1
    Sợ hết xăng, người dân ùn ùn đi đổ xăng trong đêm.

    Anh Hiền cho biết, lúc rảnh rỗi, mấy anh em lái taxi cũng ngồi nói chuyện với nhau về tình hình xăng dầu trong những ngày gần đây; xăng càng tăng thì công việc của anh em càng gặp nhiều khó khăn, đi làm sẽ không có công vì giá cước ở khu vực ngoại thành không tăng, nếu có tăng thì tăng không đáng kể.

    Nghĩ tới cảnh “thất nghiệp”, anh Hiền lo lắng vì bản thân lái xe taxi bao nhiêu năm nay, không có thêm nghề phụ; ruộng vườn ở nhà cũng chỉ có mùa vụ; nếu xin đi làm những công việc tay chân thì tiền công bèo bọt, không đủ để anh trang trải sinh hoạt gia đình, nuôi mẹ và vợ con.

    Làm trong lĩnh vực vận tải hành khách, anh Hiền cũng như nhiều anh em đồng nghiệp khác đều mong muốn nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ làm sao cho giá xăng ổn định, hợp lý để cân bằng với giá cước taxi; nếu như giá xăng tăng thì giá cước taxi cũng phải tăng theo, như thế sẽ phù hợp hơn và vẫn đảm bảo được cuộc sống cho anh em lái xe.

    Cùng quan điểm này, anh Nguyễn Ngọc Hải (40 tuổi) – tài xế Taxi 25 cho biết: Hầu hết những cây xăng ở huyện Thường Tín (Hà Nội) đóng cửa, treo biển hết xăng; anh Hải phải lái xe hơn chục cây số, lên tận cây xăng số 74 ở đường Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội mới đổ được xăng.

    Lúc này, anh Hải nghĩ trong trường hợp phải nghỉ lái xe taxi do hết xăng dầu thì anh sẽ tạm quay lại với công việc bốc gas, tuy có vất vả một chút nhưng dù sao vẫn còn có thu nhập để trang trải cho gia đình.

    Song với tinh thần lạc quan, anh Hải cho rằng việc khan hiếm xăng dầu sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Người tài xế tin tưởng Nhà nước sẽ sớm có phương án điều chỉnh, khắc phục kịp thời tình trạng này.

    “Còn khi được hỏi chúng tôi mong muốn gì thì tất nhiên là anh em làm nghề lái taxi luôn mong giá xăng càng rẻ thì càng tốt”, anh Hải cười hiền chia sẻ.

    tinh trang khan hiem xang dau nguoi dan va doanh nghiep lieu xieu truoc hien tuong la
    Nhiều nhà xe liêu xiêu trước tình trạng khan hiếm xăng dầu.

    Phản ánh tới PV Đời sống và Pháp luật, anh Dương Phương Thông (chủ nhà xe Chiến Thế tuyến Hà Nội – Bắc Ninh – TP.HCM) cho biết khoảng chục ngày gần đây, hàng loạt các cây xăng tại địa bàn Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh đều chỉ cho phép đổ tối đa 1 triệu đồng mỗi lần.

    “Chúng tôi gặp không ít khó khăn bởi “hiện tượng lạ” này. Với một chiếc xe khách 40 chỗ, nếu đổ 1 triệu đồng tiền dầu thì chỉ đủ đi quãng đường 100km, nôm na chỉ bằng 1/20 quãng đường của tuyến xe. Họ (nhân viên cây xăng – PV) nói mỗi xe chỉ được đổ 1 triệu đồng, nếu không đổ thì thôi…”, anh Thông nói.

    Để giải quyết tình trạng trên, chủ nhà xe Chiến Thế cho biết các lái xe buộc phải đổ “tạm” rồi tiếp tục tìm các cây xăng khác trên đường đi.

    “Chỉ có một số cây xăng quen thì mới được đổ nhiều. Tôi cho rằng Nhà nước cần vào cuộc và có biện pháp ngay lập tức bởi nếu cứ tiếp diễn thì sẽ gây trở ngại lớn cho doanh nghiệp vận tải như chúng tôi”, chủ nhà xe Chiến Thế kiến nghị.

    Cần mở rộng thêm quyền cho kinh tế tư nhân

    Đối với doanh nghiệp vận tải, xăng dầu được ví là “máu huyết” của ngành vận tải nên giá xăng tăng cao chắc chắn ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp. Giá xăng dầu tăng hoặc khan hiếm thì đều khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa phải tìm mọi cách để vừa hoạt động cầm cự, vừa theo dõi biến động nhằm đưa ra các giải pháp thích ứng kịp thời...

    tinh trang khan hiem xang dau nguoi dan va doanh nghiep lieu xieu truoc hien tuong la 2
    Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

    Tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp vận tải, trao đổi với PV, Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu quan điểm: Vấn đề “nóng” liên quan đến xăng dầu đã được Chính Phủ chỉ đạo rất quyết liệt, bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng phải có kế hoạch phân bổ lại lượng xăng dầu cho các doanh nghiệp sao cho đều để không để xảy ra tình trạng thiếu hụt.

    Theo ông Liên, mặc dù phía cơ quan Nhà nước đã có trách nhiệm và đã chỉ rõ các giải pháp cấp bách để đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các đơn vị vận tải cũng như cho người dân nhưng việc chuẩn bị này theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải vẫn còn chưa tốt, chưa đầy đủ, thậm chí vẫn còn chậm chạp. Thực tế qua báo chí phản ảnh, có những người dân chờ hàng tiếng đồng hồ để đổ xăng; hoặc có những cây xăng chỉ bán cho xe máy không quá 50 nghìn đồng.

    Có thể thấy, việc thiếu hụt xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến người dân và đặc biệt là vận tải hàng hóa, vận tải hành khách nên phía Hiệp hội Vận tải mong muốn cơ quan Nhà nước kịp thời khắc phục những tổn tại, thiếu sót, không để tình trạng này kéo dài, gây mất ổn định trong đời sống xã hội.

    Song nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, ông Bùi Danh Liên cho rằng, trước tình hình thế giới đang chiến tranh căng thẳng thì tình trạng thiếu hụt xăng dầu vẫn còn kéo dài nên buộc người dân, doanh nghiệp phải nhìn thấy trước những khó khăn và có phương án dự phòng. Về phía Nhà nước cần có phương án phù hợp để không ảnh hưởng tới việc đi lại, vận hành của người dân và doanh nghiệp.

    Trước tình trạng này, về phía Hiệp hội Vận tải đã đề nghị tăng tăng thêm nguồn tiếp nhận xăng từ nước ngoài về, hoặc thậm chí cho tư nhân hóa nhập xăng về từ nhiều nguồn khác nhau, nếu chỉ có một số đơn vị nhập xăng mà theo dự toán của Nhà nước sẽ không kịp để cung ứng.

    “Theo chúng tôi, lúc này cần phải xã hội hóa về mặt xăng dầu, cần thiết phải mở rộng ra chứ không phải như ý kiến của Bộ Thương mại như vừa rồi trước Quốc hội là rút bớt các đơn vị bán xăng dầu đi để đảm bảo cho việc quản lý. Theo tôi, kinh tế thị trường trường thiếu hụt tới đâu thì kinh tế tư nhân phát triển đến đó. Nếu như chỉ để một số doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ định thì sẽ có lúc trở tay không kịp như hiện nay. Vì vậy theo tôi, Nhà nước cũng cần phải mở rộng thêm một số quyền cho kinh tế tư nhân”, ông Bùi Danh Liên phát biểu.

    Nhóm PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-trang-khan-hiem-xang-dau-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-lieu-xieu-truoc-hien-tuong-la-a556493.html
    Sự kiện: giá xăng dầu
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan