Tình hình Syria mới nhất ngày 8/6: Bạo lực leo thang khiến 83 chiến binh thiệt mạng trong một ngày; Nga và Iran bị tố tìm kiếm “chiến lợi phẩm” chiến tranh ở Syria…
Bạo lực leo thang khiến 83 chiến binh thiệt mạng trong một ngày
Không kích, pháo kích khiến 83 chiến binh thiệt mạng trong một ngày. Ảnh: Getty |
Ít nhất 44 người ủng hộ lực lượng chính phủ Syria, 39 chiến binh nổi dậy và phiến quân đã thiệt mạng trong một ngày ở rìa Idlib, Đài Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết.
Idlib là khu vực sinh sống của khoảng 3 triệu người với gần một nửa trong số họ chạy trốn đến từ các vùng khác của đất nước. Idlib được coi là thành trì cuối cùng của các nhóm phiến quân, hiện do liên minh Hayat Tahrir al Sham (HTS) lãnh đạo. Ngoài Idlib, HTS còn chiếm đóng một phần các tỉnh lân cận như Latakia, Aleppo và Hama.
Idlib nằm trong thoả thuận vùng đệm do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết từ tháng 9/2018. Tuy nhiên, Damascus và Không quân Nga đã tăng cường bắn phá kể từ cuối tháng 4/2019 khiến hơn 300 dân thường thiệt mạng và khoảng 300.000 người phải di dời, theo SOHR.
Nga và Iran bị tố tìm kiếm “chiến lợi phẩm” chiến tranh ở Syria
Nga và Iran bị cáo buộc nhận được lợi ích trong cuộc xung đột Syria. Ảnh: Getty |
Giới quan sát cho rằng sau khi cuộc chiến Syria kết thúc, chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad vẫn sẽ tiếp tục nắm quyền. Sự hậu thuẫn của đồng minh Nga và Iran đã củng cố sức mạnh của Damascus bằng cách cung cấp lực lượng quân đội, vũ khí và huấn luyện trong suốt các giai đoạn quan trọng trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Moscow và Tehran đều tìm kiếm “chiến lợi phẩm” chiến tranh ở Syria.
Thật vậy, cả hai quốc gia đều tìm cách đạt được lợi ích chiến lược ở Syria bằng cách xây dựng căn cứ quân sự, bán vũ khí và tiếp cận lãnh thổ Syria để chuẩn bị hậu cần và phòng thủ tiền phương. Ngoài ra, có một số nguồn tin bí mật cho rằng Nga và Iran sẽ được ưu tiên nhận các hợp đồng có giá trị để tái thiết cơ sở hạ tầng và phục hồi ngành năng lượng của Syria sau chiến tranh.
Iran hỗ trợ cho Damascus chủ yếu thông qua Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và bằng cách mở rộng một mạng lưới các chiến binh, dân quân nước ngoài. Trong khi đó, Nga hỗ trợ bằng các hoạt động không kích, pháo kích để SAA đánh trả phiến quân, khủng bố. Chính phủ Syria bị cho là phụ thuộc khá nhiều vào Nga và Iran, cả về tài chính và quân sự.
Khi cuộc chiến đang đi dần đến hồi kết, cả Nga và Iran đều đang quyết liệt hơn trong nỗ lực củng cố quyền kiểm soát đối với tình hình Syria.
Mỹ tiếp tục cảnh báo đánh trả nếu phát hiện Damascus sử dụng vũ khí hoá học
Mỹ cảnh báo đáp trả nếu phát hiện Damascus sử dụng vũ khí hoá học. Ảnh: Getty |
Lầu Năm Góc tái khẳng định lời hứa sẽ đáp trả nếu phát hiện lực lượng chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công chống lại phiến quân ở Idlib.
Ông Michael Mulroy, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ tại khu vực Trung Đông cho biết trong một tuyên bố vào hôm 7/6 rằng Washington và các đồng minh sẽ phản ứng ngay lập tức khi phát hiện Damascus sử dụng vũ khí hoá học.
“Chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi tất cả các bên, bao gồm cả Nga và chính phủ Syria tuân thủ các cam kết của họ để tránh vi phạm quân sự quy mô lớn”, ông Mulroy nói. “Chỉ có sự xuống thang ở khu vực xung đột và cho phép tiếp cận nhân đạo mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng do bạo lực gây ra”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đã đưa ra quan ngại về các cuộc đụng độ với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào tháng 5/2019, nói rằng Washington muốn thoả thuận với Nga để "tiến lên con đường chính trị" nhằm giảm thiểu thương vong.
Hồi tháng 4/2017 và tháng 4/2018, Mỹ đã không kích vào một số mục tiêu ở Syria bị cho là cơ sở vũ khí hoá học của quân đội chính phủ.