Tình hình Syria mới nhất ngày 6/6: Tình trạng di dời và đói khát trong các trại tạm ở Idlib; các kiến trúc sư xem xét các biện pháp để tái thiết Syria…
Tình trạng di dời và đói khát trong các trại tạm ở Idlib
Người dân Syria sống trong các trại tạm với tình trạng thiếu thức ăn, nước uống. Ảnh minh hoạ: Getty |
Chỉ có một tổ chức viện trợ tiếp tục cung cấp thực phẩm trong tháng Ramadan, nhưng nó không đủ để nuôi sống gần 1.500 người. Đó chỉ là tình trạng tại một trong những trại tạm cho dân thường ở Idlib – thành trì cuối cùng của phiến quân Syria.
Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết hàng ngàn hécta hoa màu và đất nông nghiệp đã bị đốt cháy bởi các máy bay chiến đấu ở Tây Bắc Syria. Lực lượng quân đội chính phủ Syria (SAA) và phiến quân đều đổ lỗi cho nhau về sự hủy diệt này.
Kể từ cuối tháng 4/2019, SAA dưới sự hậu thuẫn của Không quân Nga đã tiến hành hàng loạt các cuộc không kích, pháo kích vào Idlib và các khu vực lân cận, hơn 200 người thiệt mạng và khoảng 300.000 người phải di dời. Dân thường Syria bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, đến sinh sống ở các trại tạm hoặc sống dưới những gốc cây… Họ cũng liên tục phải chịu đói, thiếu thốn nước sạch và các điều kiện y tế tối thiểu.
Các kiến trúc sư xem xét các biện pháp để tái thiết Syria
Sửa chữa, chắp nối các công trình dân dụng có thể là lựa chọn tối ưu để tái thiết Syria. Ảnh minh hoạ: Getty |
Quy mô phá hủy tại Syria là đáng kinh ngạc: Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng hơn 1/3 nhà ở của cả nước đã bị hư hại hoặc bị hủy hoại hoàn toàn khi các thành phố bị đánh bom, trúng đạn pháo trong cuộc nội chiến kéo dài 8 năm.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đồng minh Nga, Iran hiện đã chiếm lại 2/3 diện tích đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay 6,2 triệu người - tương đương với khoảng 1/3 dân số trước chiến tranh đã phải rời bỏ nhà cửa của họ đến các khu vực khác của Syria, làm tăng thêm áp lực đối với nguồn dự trữ nhà ở vốn đã cạn kiệt.
Một số người Syria đã bắt đầu nghĩ về biện pháp tái thiết từ đống đổ nát. Với việc các quốc gia phương Tây đang từ chối tài trợ, Nga và Iran thì đều bị siết chặt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, không rõ ai sẽ chi tiền và thực hiện công việc tái thiết trong tương lai gần.
Với thiệt hại quá lớn, Syria cũng sẽ cần có các giải pháp tái thiết ở tầm vĩ mô. Tuy nhiên, một số kiến trúc sư lập luận rằng việc chắp nối xây dựng lại với nhau phải là một phần để cộng đồng tự phục hồi. Công cuộc tái thiết vẫn sẽ thành công cho dù ở quy mô nhỏ hơn, phù hợp với tình hình của người Syria hiện nay.
Nền nông nghiệp của Syria là trung tâm của sự hồi sinh kinh tế sau chiến tranh
Nền nông nghiệp Syria bị tàn phá bởi chiến tranh và biến đổi khí hậu. Ảnh minh hoạ: Getty |
Từng là một trong những trụ cột của khu vực, chiến tranh và biến đổi khí hậu đã tàn phá ngành nông nghiệp của Syria. Khi hòa bình đến với Syria trong tương lai, một trong những nhiệm vụ đầu tiên sẽ là xây dựng lại nền nông nghiệp đất nước.
Chiến tranh đã tàn phá phần lớn những gì từng là một trong những hệ thống nông nghiệp năng suất cao nhất ở Trung Đông. Hệ thống thủy lợi, trạm bơm nước và các silo ngũ cốc đã bị phá hủy, trong khi những trang trại màu mỡ một thời đã bị bỏ hoang vì cuộc chiến.
Cùng với sự hủy diệt do chiến tranh gây ra, Syria cũng đang phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu. Trong 2 năm qua, một đợt hạn hán nghiêm trọng đã làm giảm đáng kể việc sản xuất ngũ cốc. Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) gần đây đã đến thăm Syria rồi đưa ra một báo cáo dài về tình trạng nông nghiệp của đất nước.
Cách đây không lâu, Syria có thể tự túc trong hầu hết các loại thực phẩm và là một trong những nhà xuất khẩu nông sản lớn nhất ở Trung Đông. Thịt cừu, gia súc và thịt gia cầm, cùng với bông, khoai tây, cà chua, đường, dầu ô liu, táo và cam đã được vận chuyển ra nước ngoài. Các quốc gia vùng Vịnh là một thị trường đặc biệt lớn cho các sản phẩm của Syria. Tuy nhiên, ngày nay, hàng trăm ngàn người đang phải sống trong tình trạng đói khát, duy trì cuộc sống thông qua viện trợ.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Aljazeera, Financial Time, Middle East Eye)