Tình hình Syria mới nhất ngày 4/5: Phiến quân IS bên bờ vực sụp đổ ở tỉnh Raqqa; Syria: Phe đối lập ngừng tham gia vòng hòa đàm mới ở Astana; IS tấn công trại tỵ nạn ở Sirya, hơn 30 người chết;...
Lãnh đạo Nga-Mỹ điện đàm tìm cách giải quyết vấn đề Syria
Đây là cuộc thảo luận đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ kể từ khi Mỹ tiến hành không kích tên lửa vào Syria, diễn ra ngay trước thềm cuộc đàm phán về hòa bình Syria diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan trong hai ngày 3 và 4/5.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Nga Putin. Ảnh: Reuters |
Tuyên bố của Nhà Trắng và Điện Kremlin cho biết, hai nhà lãnh đạo đã có các cuộc đối thoại tích cực đề cập nhiều vấn đề trong đó có tình hình trên bán đảo Triều Tiên và đối phó với IS trên khắp Trung Đông.
Theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường các cuộc đối thoại để tìm biện pháp thắt chặt lệnh ngừng bắn, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện một giải pháp thực sự tại Syria. Hai bên cũng thảo luận về cuộc gặp trực tiếp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg vào mùng 7-8/7 tới.
Đánh giá về kết quả cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhận định: “Tôi nghĩ đây là một cuộc điện đàm tích cực giữa hai nhà lãnh đạo Nga- Mỹ. Hai bên đã có nhiều trao đổi chi tiết về nhiều vấn đề và các cuộc thảo luận này sẽ là nền tảng cho những bước đi tiếp theo giữa hai bên trong thời gian tới”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump Trump trong chiến dịch tranh cử năm ngoái bày tỏ mong muốn thiết lập các khu vực an toàn cho người tị nạn Syria, do các nước Vùng Vịnh chi trả.
Ông Trump cũng mong muốn liên minh với Nga trong cuộc chiến chống IS- một mục tiêu lớn mà chính quyền Mỹ đặt ra kể từ khi ông Trump nhậm chức vào 20/1 vừa qua.
Tuy nhiên, mối quan hệ song phương căng thẳng sau khi chính quyền của Tổng thống Trump ra lệnh tấn công tên lửa vào căn cứ quân sự tại Syria để trả đũa vụ tấn công vũ khí hóa học mà Mỹ cho rằng do Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện.
Vì vậy, cuộc điện đàm trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ được cho là sẽ giúp giảm căng thẳng giữa hai bên thời gian qua, tạo tiền đề tích cực cho vòng đàm phán mới về cuộc khủng hoảng Syria diễn ra ngày 3/5 tại thủ đô Astana (Kazakhstan).
Hiện cũng có nhiều hy vọng cho vòng đàm phán lần này. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura thông báo lần đầu tiên tham dự cuộc đối thoại. Phát biểu khi vừa đặt chân đến thủ đô Astana, ông Staffan de Mistura cho biết: “Chúng tôi sẽ có cuộc gặp các bên, trong đó có cả các đoàn đại biểu và quan sát viên để chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc đối thoại vào ngày mai”.
Quyết định cử đại diện của Mỹ tham gia đối thoại mặc dù với tư cách là một quan sát viên cũng cho thấy Mỹ đang nhìn nhận các cuộc đối thoại tại Astana một cách nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, Nga và Mỹ vẫn chưa thống nhất về lợi ích trong việc thiết lập khu vực vùng đệm để bảo vệ dân thường bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến Syria.
Tại vòng đàm phán lần này, đặc phái viên Nga về Syria có kế hoạch đề xuất Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động như một lực lượng đệm giữa chính phủ và lực lượng đối lập tại một số khu vực ở Syria. Chính phủ Syria hiện cũng đang rất thận trọng đối với kế hoạch này, coi đây là bước đi đầu tiên hướng đến việc đất nước bị chia rẽ.
Phiến quân IS bên bờ vực sụp đổ ở tỉnh Raqqa
Phiến quân IS bên bờ vực sụp đổ ở Raqqa trước những đợt tấn công dồn dập của lực lượng người Kurd. Ảnh: Fars News Agency. |
Hãng Fars (Iran) đưa tin ngày 2/5, các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tiếp tục tấn công dữ dội vào thành trì của phiến quân IS ở thành phố al-Tabaqa trong tỉnh Raqqa và đánh bật các chiến binh IS ra khỏi nhiều căn cứ gần thành phố Raqqa, nơi được coi là “thủ phủ” của nhóm khủng bố này ở Syria.
Lực lượng người Kurd đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết khu công nghiệp phía bắc ở al-Tabaqa và có thể tiến vào trung tâm thành phố này trong vài ngày tới.
“Chỉ 10% diện tích thành phố al-Tabaqa hiện bị nhóm IS chiếm đóng”, Aldul Qader Hafideli, một chỉ huy chiến trường của SDF, nói.
Theo nhận định của Al Masdar News, một khi khu công nghiệp al-Tabaqa rơi vào tay SDF, phiến quân IS có thể sẽ rút khỏi thành phố này để bảo toàn tính mạng.
“Việc để mất al-Tabaqa sẽ là một đòn giáng mạnh đối với nhóm khủng bố IS bởi thành phố này vốn là một trong những thành trì cuối cùng của bọn chúng trên tuyến đường cao tốc Raqqa-Aleppo”, nguồn tin cho hay.
Được biết, trong các cuộc giao tranh ác liệt ở thành phố al-Tabaqa ngày 1/5, lực lượng SDF đã tiêu diệt 48 chiến binh IS, đồng thời giành lại quyền kiểm soát 3 quận là Bu Issa, Hassou và al-Salam.
“Lực lượng SDF cũng tịch thu một lượng lớn vũ khí, đạn dược, nhiều tên lửa Grad và các trang thiết bị quân sự khác của nhóm khủng bố IS”, báo cáo của SDF tiết lộ.
Sau khi tái chiếm al-Tabaqa, các chiến binh người Kurd sẽ tìm cách tiến đánh “thủ phủ tự xưng” Raqqa của nhóm IS.
Syria: Phe đối lập ngừng tham gia vòng hòa đàm mới ở Astana
Ngày 3/5, phe đối lập Syria đã ngừng tham gia vòng hòa đàm mới nhất do Nga hậu thuẫn ở Kazakhstan để phản đối tình trạng ném bom tiếp diễn tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Một nguồn tin thuộc lực lượng đối lập Syria đang tham gia hòa đàm ở thủ đô Astana của Kazakhstan cho biết, "phái đoàn của lực lượng đối lập sẽ ngừng tham gia cuộc gặp vì (tiếp tục) xảy ra các vụ oanh kích bạo lực nhằm vào dân thường. Việc đình chỉ này sẽ kéo dài cho tới khi ngừng hoạt động pháo kích trên khắp lãnh thổ Syria."
Trước đó, ngày 2/5, một phái đoàn của phe đối lập Syria đã đến thủ đô Astana của Kazakhstan để tham gia cuộc đàm phán do Nga làm trung gian nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng ở quốc gia Trung Đông này.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Kazakhstan cho biết phái đoàn trên do thủ lĩnh nhóm Jaish al-Islam, ông Mohammad Alloush dẫn đầu, đã đến Astana để tham gia vòng đàm phán thứ tư với Chính phủ Syria và các cường quốc chủ chốt, dự kiến diễn ra ngày 3-4/5 tới.
Một cố vấn của phe đối lập chính Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC), ông Yehya Aridi cho biết nhóm này vẫn sẽ tham gia vòng đàm phán tới với thành phần gần như trong các vòng trước.
Phiến quân cắn xé nhau ở Ghouta, quân đội Syria "ngư ông đắc lợi"
Phiến quân cắn xé nhau ở Ghouta, quân đội Syria "ngư ông đắc lợi" tại Damascus. |
Các vụ đụng độ khốc liệt nổ ra sau khi phiến quân Jeish al-Islam tấn công các vị trí của Faylaq al-Rahman ở thành phố Zmelka khiến nhiều tay súng của cả hai bên chết thảm. Báo cáo nói rằng cuộc đụng độ xảy ra khi Faylaq al-Rahman đang cố lấy lại các vị trí bị mất tại Arbin từ Jeish al-Islam.
Nguồn tin địa phương cho hay Tahrir al-Sham Hay'at đã kiểm soát hai thành phố của Jisrin và Haza từ Jeish al-Islam sau khi đụng độ với các thành viên của nhóm đối thủ. Các vụ đụng độ tiếp tục giữa Jeish al-Islam và Tahrir al-Sham Hay'at ở al-Ash'ari, al-Aftaris, al-Mohammadiyeh và Arbin.
Nhóm Jeish al-Islam đã tấn công các vị trí của một nhóm khủng bố đối nghịch, giành quyền kiểm soát con đường duy nhất tới quận al-Qaboun và đưa ra một tối hậu thư cho các thành viên trong gia đình của phiến quân Tahrir al-Sham ở al-Ash'ari rời khỏi khu vực trong 24 giờ.
Trong khi đó, phát ngôn viên của nhóm Faylaq al-Rahman Wa'el Alwan xác nhận rằng các phong trào của phiến quân bị gián đoạn khi đường đến al-Qaboun đã bị cắt sau khi Jeish al-Islam kiểm soát đường nối giữa Đông Ghouta và al-Qaboun.
Trong khi phiến quân khủng bố cắn xé nhau ở Đông Ghouta thì quân đội Syria tiếp tục tiến công giải phóng các vùng lãnh thổ còn lại ở Damascus.
Lực lượng quân đội Syria đã điều các đơn vị pháo binh và tên lửa tấn công vị trí của phiến quân Mặt trận Al-Nusra (còn gọi là Fatah al-Sham Front) ở quận al-Qaboun, và thành trì của Jeish al-Islam ở thị trấn Douma. Trong khi đó, Không quân Syria đã ném bom các vị trí Mặt trận Al-Nusra trong al-Qaboun nhiều lần để yểm trợ cho quân đội mặt đất tấn công.
Các nguồn tin quân sự xác nhận rằng các tay súng Mặt trận Al-Nusra và Jeish al-Islam bị thương nặng trong các vụ tấn công.
IS tấn công trại tỵ nạn ở Syria, hơn 30 người chết
Bác sĩ Syria đang cố gắng hết sức để cứu mạng sống của các nạn nhân trong vụ tấn công |
Quân phiến loạn khủng bố IS hôm 3/5 đã tấn công một trại tỵ nạn ở Syria, làm chết hơn 30 người, New York Times dẫn nguồn tin Lực lượng Quân đội Nhân dân Syria (S.D.F) và một tổ chức giám sát nhân quyền quốc tế.
Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất gần đây trong khu vực. Tỉnh Hasaka ở phía Đông Bắc Syria, tổ chức khủng bố IS điên cuồng tấn công mục tiêu dân thường vì chúng đang chịu thất bại nặng nề và áp lực tại Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria).
Vụ tấn công xảy ra gần trại tỵ nạn Al Hol, địa phương có số dân gần 17.000 người, hầu hết là người tỵ nạn Iraq nhưng cũng bao gồm người Syria di tản đến đây, theo Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC). IRC cho biết trong số người chết và bị thương có nhiều trẻ em.
Vụ tấn công bắt đầu khi một phần tử IS xả súng vào một trạm kiểm soát an ninh trước đây được kiểm soát bởi S.D.F, một nhóm chiến binh chủ yếu là người Kurd đang hợp tác với Mỹ chống các tổ chức khủng bố.
New York đưa tin, bọn khủng bố cũng tấn công dân thường trong một trại tạm trú dành cho những người di tản.
IS cũng sử dụng các phần tử đánh bom tấn công S.D.F ở gần thị trấn Shadadeh.
Thêm cố vấn quân sự Nga thiệt mạng tại Syria
Cố vấn quân sự Nga Alexei Buchelnikov thiệt mạng trong một cuộc tấn công của phiến quân. Buchelnikov là thành viên của nhóm huấn luyện nhân sự cho các đơn vị pháo binh Syria", Sputnik dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/5 cho biết.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga nói đơn vị pháo binh Syria bị các phiến quân bắn tỉa tấn công trong lúc họ đang huấn luyện. Buchelnikov bị thương chí mạng trong cuộc đấu súng.
Buchelnikov sẽ được truy tặng phần thưởng cấp nhà nước, người phát ngôn cho biết thêm.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trước trung tá Buchelnikov, đã có 30 quân nhân Nga thiệt mạng ở Syria kể từ tháng 9/2015, khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự tại quốc gia Trung Đông này theo đề nghị từ Damascus.
(Tổng hợp)