Tình hình Syria mới nhất ngày 11/5: Quốc hội Mỹ cảnh báo không nên rút quân; Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu lực lượng Damascus tạm dừng tấn công ở Tây Bắc đất nước…
Quốc hội Mỹ cảnh báo không nên rút quân
Quốc hội Mỹ có thể sẽ xem xét lại kế hoạch rút quân khỏi Syria. Ảnh: Europe News |
Hội đồng Syria được uỷ quyền nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng chính phủ Tổng thống Donald Trump nên ngừng kế hoạch rút quân khỏi Syria. Cụ thể, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự dưng (IS) tại đó đang tự phục hồi và đối thủ Iran cũng liên tục mở rộng ảnh hưởng.
Những phát hiện quan trọng của Hội đồng được đưa ra trong một báo cáo tạm thời trước Quốc hội Mỹ đã đi ngược với mong muốn rút quân của Tổng thống Trump, đồng thời mâu thuẫn với tuyên bố đánh bại IS của Nhà Trắng. Hội đồng cho rằng việc rút quân sẽ làm suy yếu niềm tin của các đồng minh vào cam kết của Mỹ với Syria, lưu ý rằng số lượng lớn khủng bố, phiến quân và gia đình họ đang bị giam giữ hiện nay có thể trở thành nguồn lực cho sự hồi sinh của các nhóm cực đoan trong tương lai.
Ngoài ra, báo cáo tạm còn khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran là không đủ để buộc Tehran từ bỏ sự hiện diện quân sự ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu lực lượng Damascus tạm dừng tấn công ở Tây Bắc Syria
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar. Ảnh: Getty |
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết lực lượng chính phủ Syria cần phải dừng các cuộc tấn công ở Tây Bắc Syria, hãng tin Anadolu đưa tin hôm 10/5.
Quân đội Syria, được hỗ trợ bởi sức mạnh của không quân Nga đã tiến hành hàng loạt các cuộc không kích, pháo kích và tấn công trên bộ nhằm vào sườn phía Nam của một khu vực nổi dậy tại Idlib cũng như các tỉnh lân cận ở phía Tây Bắc. Damascus được cho là đã tái chiếm thành công thị trấn Qalaat al-Madiq nhưng đồng thời cũng bị chỉ trích vì đã phá huỷ 13 bệnh viện cùng cơ sở y tế.
Những cuộc tấn công của lực lượng chính phủ Syria và đồng minh Nga diễn ra tại khu vực mà trước đó, Ankara và Moscow đã ký thoả thuận ngừng bắn. Idlib là thành trì cuối cùng của các nhóm phiến quân và khủng bố ở Syria. Tuy nhiên, đó cũng là nơi sinh sống của gần 3 triệu người, làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng nhân đạo nếu trận chiến cuối cùng xảy ra.
Iran gửi dầu đến Syria trong bối cảnh khủng hoảng nhiên liệu
Người dân Syria vật lộn với cuộc khủng hoảng nhiên liệu nghiêm trọng. Ảnh: Getty |
Syria đã nhận được nguồn cung cấp dầu nước ngoài đầu tiên trong 6 tháng qua vào tuần trước, với sự xuất hiện của hai lô hàng trong đó có một lô từ Iran. Dầu được giao trong hai tàu chở dầu, một do Iran gửi, còn lại do một doanh nhân giấu tên, nguồn tin cho biết.
Syria đã bị thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng từ mùa Đông 2018 đến nay. Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad đã phải thực hiện biện pháp chia khẩu phần xăng và gas nấu ăn cho người dân. Trong bài phát biểu hồi tháng 2/2019, ông Assad nhận định cuộc khủng hoảng là một phần của kế hoạch của Mỹ nhằm lật đổ chính phủ Syria hợp pháp.
Iran là một trong những đồng minh thân cận nhất của Damascus trong suốt cuộc xung đột Syria.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Politico, Alarabiya)