Tình hình Syria mới nhất ngày 9/5: Không kích, pháo kích vào Idlib khiến 200.000 người phải di dời, Liên Hợp Quốc chuẩn bị họp bàn về chiến trường miền Bắc Syria…
Không kích, pháo kích vào Idlib khiến 200.000 người phải di dời
Nga và quân chính phủ Syria tăng cường không kích, pháo kích vào Idlib. Ảnh: Getty |
Các cuộc không kích và pháo kích của lực lượng quân đội chính phủ Syria (SAA) và đồng minh Nga nhằm vào khu vực phía Tây Bắc Syria đã khiến 200.000 người phải di dời và phá hủy 12 bệnh viện. Một số nhà phân tích cho rằng động thái đó được cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ nhằm cố thủ các vùng ảnh hưởng của họ khi cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 8.
Những vụ bắn phá ở tỉnh Idlib đã bắt đầu từ 2 tuần trước và ngày càng trở nên ác liệt hơn. Các nhân viên cứu hộ phải mô tả đó là một thảm họa nhân đạo chưa từng có. Bạo lực cũng làm dấy lên lo ngại về một trận chiến cuối cùng tàn khốc, diễn ra ở tỉnh đông đúc nhất của Syria - phần cuối cùng của đất nước nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ.
Các nhà ngoại giao cho rằng, Nga và Syria đang tìm kiếm chỗ đứng vững chắc ở Idlib, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường kiểm soát khu vực phía Đông.
Liên Hợp Quốc chuẩn bị họp bàn về chiến trường miền Bắc Syria
Bạo lực leo thang ở Idlib, LHQ lo ngại về vấn đề khủng hoảng nhân đạo. Ảnh: Getty |
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ họp vào ngày mai (10/5) để thảo luận về sự leo thang chiến tranh tại “chảo lửa” Idlib của Syria - nơi hàng loạt bệnh viện và trường học bị tấn công trong những ngày qua.
Theo đó, Bỉ, Đức và Kuwait - 3 thành viên hội đồng không thường trực đã yêu cầu cuộc họp kín vào hôm qua (8/5) sau khi Nga và chính phủ Syria đẩy mạnh bắn phá vào Idlib. Ba quốc gia đang dẫn đầu các nỗ lực của hội đồng để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria. Hiện nay có khoảng 3 triệu người sống ở Idlib dưới sự kiểm soát của các nhóm chiến binh.
Các thành viên Hội đồng Bảo an sẽ tham dự một cuộc họp ngắn, lắng nghe ý kiến của những thành viên tổ chức nhân đạo liên quan đến tình trạng gia tăng bạo lực nghiêm trọng ở Idlib.
Các cường quốc phương Tây lo ngại rằng chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn sẽ tiến hành một cuộc tấn công toàn diện bất chấp việc đã đạt được thỏa thuận với phiến quân ở Idlib. Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres cũng kêu gọi các bên tham chiến bảo vệ dân thường và tái cam kết ngừng bắn đã được thoả thuận vào tháng 9/2018.
Biểu tình chống lại người Kurd ở Deir Az Zor
SDF vấp phải sự phản đối của người dân ở Deir Az Zor. Ảnh: Getty |
Các cuộc biểu tình chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của người Kurd ở tỉnh Deir Az Zor đang lan rộng khi người Ả Rập Syria phàn nàn về sự phân biệt đối xử và ép buộc. Những cuộc biểu tình bắt đầu ở một số thị trấn và làng mạc từ Busayrah đến Shuhail đã chuyển sang cả khu vực phía Đông sông Euphrates - nơi có hầu hết các mỏ dầu của Syria.
Người biểu tình bày tỏ sự bức xúc về việc thiếu các dịch vụ cơ bản và phân biệt đối xử với họ trong chính quyền địa phương do các quan chức người Kurd điều hành. Theo họ, việc buộc các thanh niên tham gia Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo và số phận của hàng ngàn người bị giam cầm trong nhà tù của họ là những vấn đề nghiêm trọng.
SDF dưới sự hậu thuẫn của Mỹ đang kiểm soát khoảng 1/4 diện tích Syria. Tuy nhiên, sau khi Mỹ tuyên bố rút quân, SDF rơi vào tình thế khó khăn hơn rất nhiều, bị buộc phải đàm phán với chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad. Từ đầu năm 2019 đến nay, hai bên vẫn chưa đạt được thoả thuận chính thức nào.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Guardian, Alarabiya, Aljazeera)