Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 29/11: "Tín hiệu xấu" ở Đông Bắc Syria?; Cộng đồng quốc tế kêu gọi kiềm chế sau vụ nhà khoa học Iran bị sát hại;...
"Tín hiệu xấu" ở Đông Bắc Syria?
Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị hoạt động quân sự ở Đông Bắc Syria? Ảnh minh họa |
Mới đây, tờ al-Monitor đăng tải bài phân tích nhan đề: "Is Turkey gearing up for military move against Syrian Kurds?" (tạm dịch:Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị hành động quân sự nhằm vào người Kurd ở Syria?) của tác giả Fehim Tastekin.
Theo đó, các diễn biến mới đây ở khu vực Ain Issa gần tuyến cao tốc chiến lược M-4 phía bắc Tỉnh al-Raqqa, đông bắc Syria làm dấy lên nghi ngờ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự mới nhằm kiềm chế người Kurd Syria.
Xe cơ giới, vũ khí hạng nặng, radar và thiết bị trinh sát từ xa của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) đã được triển khai tại các khu vực lân cận chiến tuyến nơi bên kia là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo.
Theo các nguồn tin của người Kurd, TAF và các phiến quân thuộc Quân đội Quốc gia Syria (SNA) đã thiết lập các chốt quân sự tại làng Saida, phía bắc Ain Issa, cũng như xung quanh Tell Tamer và Zirkan.
Vào đầu tháng 11/2020, tổ chức SOHR có trụ sở tại Anh cho biết rằng các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đóng quân tại Kaffifa, Ain Rummana, Tina và Al-Rabea, tất cả các vị trí này đều gần đường cao tốc M-4.
Mervan Rojava, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Người Kurd (YPG), trụ cột quân sự của SDF bình luận với al-Monitor rằng TAF đã thiết lập một tháp canh với camera giám sát và lính bắn tỉa tại Saida, một ngôi làng bỏ hoang ở phía bắc của M-4.
Ông Rojava nhớ lại rằng khẩu M4 đã trở thành một chiến tuyến ngăn cách giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và SDF sau khi Ankara tiến chiếm khu vực từ Tell Abyad đến Ras al-Ain trong Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình tháng 10/2019:
"Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập công sự và đào chiến hào tại các vị trí chỉ cách đường cao tốc vài trăm mét".
Sau Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình, khu vực Silo (hầm chứa ngũ cốc) ở làng Shergirak gần Ain Issa đã trở thành căn cứ địa lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng lân cận của M4. Một khu trại khác nằm gần làng Misherfa, không xa Tell Tamer.
Theo nhà báo người Kurd Nazim Dastan, Thổ Nhĩ Kỳ đang củng cố cả các cứ điểm cũng như hệ thống phòng thủ tại các địa điểm mới.
Các giao thông hào được cho là đang được đào gần Medrut, không xa Tell Abyad, Zirkan và các làng Hoshan và Khalidiya dọc theo đường M4.
Đề cập đến Saida, một "vùng đệm" giữa hai bên, ông Dastan cho biết: "Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp người Nga cách đây một thời gian, đề nghị thiết lập một căn cứ quân sự tại Saida.
Phản ứng của người Nga về vấn đề này được cho là tiêu cực và tiếp theo sau đó là một cuộc tấn công dữ dội của lực lượng Thổ, mà SDF đã đẩy lùi. Sau đó, họ bắt đầu đào chiến hào, đường hầm và dựng một tháp canh. Hiện họ đang sử dụng vị trí này để theo dõi M-4 và Ain Issa".
Theo Rojava, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng thời tăng cường pháo kích vào các ngôi làng xung quanh Ain Issa và Tell Abyad. Khu vực lân cận Shergirak đã trở thành "cơn ác mộng thực sự" đối với người dân địa phương.
Vị chỉ huy YPG cho biết thêm rằng các đoàn xe dân sự di chuyển trên M-4 đang bị tấn công, mặc dù chúng được cho là được người Nga bảo vệ theo thỏa thuận giữa họ với người Thổ.
Ông cho biết "cái gọi là con đường nay đã trở thành một thứ gì đó bao gồm cướp bóc, bắt cóc và đe dọa" bởi các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Cộng đồng quốc tế kêu gọi kiềm chế sau vụ nhà khoa học Iran bị sát hại
Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: AP |
Ngày 28/11, Liên hợp quốc đã kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, sau khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông liên quan vụ việc nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh của Iran bị ám sát.
Một người phát ngôn của Liên hợp quốc nhấn mạnh: "Chúng tôi hối thúc các bên kiềm chế và tránh bất cứ hành động nào có thể dẫn tới căng thẳng gia tăng trong khu vực. Chúng tôi cũng lên án mọi hành động ám sát hay sát hại mà không qua xét xử."
Bộ Ngoại giao Đức cũng hối thúc tất cả các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng có thể ảnh hưởng tới đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Theo cơ quan này, điều quan trọng là duy trì cơ hội đàm phán nhằm giải quyết tranh cãi thông qua thương lượng.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Syria gọi vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân Iran là một “hành động khủng bố”, đồng thời cảnh báo vụ việc có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án vụ "ám sát tàn ác" nhằm vào nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, kêu gọi đưa những kẻ liên quan đến vụ tấn công ra trước công lý.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hối thúc tất cả các bên hành động với sự kiềm chế tối đa. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Qatar cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.
Xe bọc thép Thổ Nhĩ Kỳ bị tàn phá
Video: Loạt xe bọc thép Thổ Nhĩ Kỳ bị tàn phá. Nguồn: Smart News
Những bức ảnh mới được một nhóm đối lập Syria công bố trên trang web cho thấy, một số xe bọc thép do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho các nhóm phiến quân tham gia cuộc giao tranh ở phía nam tỉnh Idlib hồi đầu năm nay đã bị quân đội Syria tiêu diệt.
Theo những bức ảnh được hãng tin Smart công bố, các phương tiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ bị quân đội Syria phá hủy nằm tại thị trấn Kansafra thuộc vùng Jabal Al-Zawiya thuộc tỉnh Idlib.
Cụ thể, cuộc giao tranh quy mô lớn giữa quân đội Syria với các tay súng phiến quân ở vùng Jabal Al-Zawiya hồi đầu năm nay khi quân chính phủ cố giành lại phần lãnh thổ rộng lớn từ tay quân nổi dậy ở tỉnh Idlib và Aleppo.
Hoa Vũ (T/h)