Quân đội Mỹ bị trả đũa sau vụ không kích biên giới Iraq-Syria
Quân đội Mỹ tại Syria đã bị tấn công bằng đạn pháo ngày 28/6 (giờ địa phương), một động thái rõ ràng nhằm trả đũa cho các cuộc không kích mới đây của Mỹ nhằm vào lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở biên giới Syria và Iraq.
Đại tá Wayne Marotto, một phát ngôn viên của quân đội Mỹ, đã thông tin thêm rằng không có thương vong nào được ghi nhận trong vụ tấn công ở khu vực phía đông Syria này, tuy nhiên, không nói rõ ai là người chịu trách nhiệm cho vụ việc.
Theo một số nguồn tin, nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn đã bắn một loạt đạn pháo vào khu vực gần mỏ dầu al Omar, hiện được quản lý bởi Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn.
Vụ việc này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng và giới hạn hỏa lực của quân đội Mỹ trong việc kiềm chế lực lượng dân quân liên kết với Iran, bị Washington quy trách nhiệm cho một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày càng tinh vi nhằm vào nhân viên và cơ sở của Mỹ ở Iraq.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh không kích vào các cơ sở được cho là do các nhóm dân quân Iran hậu thuẫn tại biên giới Iraq, Syria. Mục tiêu nhắm đến là các cơ sở hoạt động và lưu trữ vũ khí tại 2 địa điểm ở Syria và một địa điểm ở Iraq.
Đây là lần thứ hai ông Biden ra lệnh tấn công trả đũa nhắm vào lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn kể từ khi lên nắm quyền. Các cuộc không kích của Mỹ đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của lực lượng dân quân nhằm vào nhân viên và cơ sở của Mỹ ở Iraq.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Nhà Trắng đã lên tiếng biện minh cho cuộc không kích của Mỹ ở biên giới Iraq-Syria là nhằm “giảm bớt nguy cơ xung đột”.
Phát biểu tại Rome, Italia, Ngoại trưởng Mỹ cho biết “Washington đã thực hiện hành động cần thiết, thích hợp, có chủ ý nhằm hạn chế nguy cơ leo thang, nhưng cũng để gửi một thông điệp răn đe rõ ràng và rõ ràng”.
Các nhóm dân quân Iraq liên kết với Iran trong một tuyên bố mới đây nêu tên 4 thành viên của nhóm Kataib Sayyed al-Shuhada mà họ cho là đã thiệt mạng trong cuộc tấn công ở biên giới Syria-Iraq, cùng với đó là lời thề sẽ đáp trả Mỹ. Tuy vậy, đến nay chưa có nhóm nào được xác định là đứng đằng sau vụ nã pháo vào quân Mỹ.
Chính phủ Iraq, vốn rất cảnh giác với việc bị lôi kéo vào một cuộc xung đột Mỹ-Iran, đã lên án các cuộc tấn công của Mỹ trên lãnh thổ của mình và cho biết họ sẽ “nghiên cứu tất cả các lựa chọn pháp lý” để ngăn chặn hành động này có thể lặp lại. Syria gọi các cuộc không kích là “sự vi phạm rõ ràng đối với sự tôn nghiêm của các vùng đất của Syria và Iraq”.
Nga điều máy bay chiến đấu tới Syria "giám sát" tàu Anh
Nga đã đến những chiếc chiến đấu cơ đến Syria để "giám sát" tàu HMS Queen Elizabeth của Anh khi con tàu được triển khai các hoạt động tuần tra ngoài khơi ở bờ biển của quốc gia Trung Đông này.
Điều này diễn ra sau khi Moscow tuyên bố đã bắn cảnh cáo và thả bom gần tàu HMS ở vùng biển ngoài khơi Crimea. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh cho biết không có phát súng nào được bắn hay quả bom nào được thả.
Ba máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 của Nga mang tên lửa Kh-22 có biệt danh là "sát thủ hàng không mẫu hạm", có khả năng hạ gục các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ.
Hai máy bay chiến đấu Nga, MiG-31K được trang bị tên lửa chống hạm Kinzhal cũng đã đến căn cứ không quân Khmeimim của Syria hôm thứ Sáu.
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận lực lượng này sẽ "giám sát" HMS Queen Elizabeth và các tàu liên quan, The Sunday Times đưa tin.
Tuy nhiên, bộ Quốc phòng Anh (MoD) cũng đã triển khai máy bay radar tầm xa để bảo vệ tàu sân bay 60.000 tấn.
Các máy bay cảnh báo sớm trên không RAF AWACS có tên định danh là Nato 30 và Nato 31, được phóng từ RAF Waddington vào tuần trước nhằm tạo ra một "vòng thép" bảo vệ xung quanh con tàu, theo The Sunday Express.
Người phát ngôn của bộ Quốc phòng Anh cho biết: "Nhóm tàu sân bay tấn công của Vương quốc Anh hiện đang thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố từ Đông Địa Trung Hải dưới sự ủy nhiệm lâu dài của Chiến dịch Shader và hỗ trợ Chiến dịch từ Mỹ".
Hoa Vũ (T/h)