Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 16/10: Nga tiêu diệt hàng chục tay súng thánh chiến ở Idlib; Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường siêu pháo tới Syria đối phó Nga;...
Nga tiêu diệt hàng chục tay súng thánh chiến ở Idlib
Không quân Nga tiêu diệt hơn 30 tay súng thánh chiến ở phía Tây Idlib. Ảnh minh họa |
Al Masdar News ngày 14/10 đưa tin, Không quân Nga đã mở cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào các căn cứ của nhóm phiến quân thánh chiến, trong đó có lực lượng Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP), ở vùng Jisr Al-Shughour.
Cuộc tấn công của lực lượng Không quân Nga được cho là đã phá hủy một căn cứ huấn luyện của nhóm khủng bố trong khu vực.
Trong một báo cáo vào ngày 14/10, cuộc oanh kích dữ dội đã tiêu diệt hàng chục tay súng thánh chiến của lực lượng Đảng Hồi giáo Turkestan.
"Hơn 30 chiến binh TIP đã bỏ mạng trong cuộc tấn công nhắm vào các địa điểm chiến lược ở khu vực Jisr Al-Shughour ở phía Tây Idlib", Sputnik đưa tin.
"Máy bay do thám Nga đã phát hiện sự dịch chuyển lớn các phương tiện và chiến binh đang cố tiếp cận một trong những căn cứ gần thị trấn Al-Hamama ở khu vực Jisr Al-Shughour", phóng viên Sputnik dẫn nguồn tin cho hay.
Nguồn tin cho biết thêm, các cuộc không kích đã phá hủy hoàn toàn căn cứ của nhóm khủng bố, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tay súng.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường siêu pháo tới Syria đối phó Nga
Siêu pháo tự hành T-155 Fırtına. Ảnh: Military |
Hình ảnh được công bố hôm 14/10 cho thấy, đoàn xe quân sự hạng nặng của Thổ Nhĩ Kỳ chở theo hàng chục chiếc xe tăng M60 Sabra MK II, siêu pháo tự hành T-155 Fırtına và hệ thống phòng không ATILGAN tiến vào vị trí gần thị trấn Maratah ở vùng nông thôn phía tây nam Idlib, nơi quân Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Quân đội Quốc gia Syria (SNA) đang hiện diện.
Cùng với việc chuyển thêm nhiều vũ khí đến Idlib, Ankara tuyên bố rằng sẽ bắn hạ bất kỳ chiếc máy bay nào gây nguy hiểm cho quân Thổ và lực lượng được hậu thuẫn tại Idlib.
Một chỉ huy của SNA cũng cho biết, quyết định dồn vũ khí lần này của Thổ Nhĩ Kỳ là biện pháp phòng vệ cần thiết trong tình hình hiện nay.
"Lực lượng Nga thường tổ chức tấn công quy mô lớn vào mùa đông. Vì vậy tăng cường lực lượng và vũ khí mạnh rất cần thiết với chúng tôi vào thời điểm này. Chúng tôi cùng lực lượng Thổ đang tiến hành những biện pháp phòng ngừa cần thiết", chỉ huy của SNA nói.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột tăng viện sang Syria là biện pháp phòng bị trong trường hợp liên minh Nga-Syria tấn công vào nhóm vũ trang do nước này hậu thuẫn.
Với khả năng bắn tầm xa và chính xác, siêu pháo tự hành T-155 được coi là một trong những vũ khí đáng sợ nhất hiện nay tại Syria.
Ước tính đã có khoảng 3.000 phương tiện chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào Syria, vì vậy cần thiết điều pháo tự hành T-155 để phản pháo mỗi khi bị liên minh Nga-Syria tấn công là điều cần thiết.
Với pháo T-155 trong tay, hy vọng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể lật ngược thế cờ nếu đối đầu với Syria tiếp tục xảy ra.
Israel thừa nhận tấn công Syria
Israel thừa nhận tấn công nhiều vị trí hoạt động của quân đội Syria. Ảnh minh họa |
Hôm 14/10, quân đội Israel đã cho công khai thông tin về một “sứ mệnh bí mật” nhằm vào các vị trí hoạt động của quân đội Syria gần cao nguyên tranh chấp Golan hồi tháng Chín.
Theo phát ngôn viên quân đội Israel Avichay Adraee, vào đêm 21/9, “các lực lượng vũ trang Israel đã tấn công và phá hủy 2 vị trí chiến lược của quân đội Syria trong vùng chia cắt ở phía đông hàng rào an ninh tại phía bắc cao nguyên Golan”.
Cũng theo ông Adraee, “quân đội Syria thường sử dụng khu vực trên để thực hiện trinh sát và giám sát an ninh định kỳ”.
Israel còn cho công bố đoạn video về hoạt động di chuyển của quân đội Israel, sau đó tấn công vào các vị trí của quân chính phủ Syria nằm gần cao nguyên Golan.
Phát ngôn viên quân đội Israel nhấn mạnh rằng, chiến dịch bí mật hồi tháng Chín là động thái đáp trả sau khi quân đội Syria bị cáo buộc vi phạm thỏa thuận trong vùng chia tách vốn cấm các hoạt động đóng quân trong khu vực này.
Thỏa thuận mà ông Adraee nhắc tới từng được Israel và Syria ký kết vào cuối tháng 5/1974 với sự chứng kiến của các đại diện từ Liên Hợp Quốc (LHQ), Liên Xô cũ và Mỹ.
Theo thỏa thuận, Israel và Syria cam kết dừng bắn và dừng mọi hoạt động quân sự chiểu theo Nghị quyết 338 được Hội đồng Bảo an LHQ ban hành ngày 22/10/1973. Liên Hợp Quốc từng nhiều lần lên án hành động Israel chiếm đóng trên cao nguyên Golan. Bởi trong Nghị quyết 242, LHQ đã kêu gọi Israel rút quân khỏi cao nguyên Golan. Nghị quyết 497 của LHQ cũng đã công nhận cao nguyên Golan là phần lãnh thổ của Syria.
Hoa Vũ (T/h)