(ĐSPL) - Xung quanh vụ Tỉnh đoàn Quảng Ngãi bị nghi "ăn chặn" tiền bán dưa của nông dân, còn nhiều vấn đề cần làm rõ.
Vì sao đang từ 3.500 đồng/kg lại được tăng lên 5.000 đồng/kg?
Liên quan đến bài viết “Họ đã ăn trên lưng nông dân 2.000 đồng/kg dưa” ra ngày 6/5 trên Báo mạng Hà Nội Mới, ngày 7/5, trao đổi trên báo Đà Nẵng, anh Đặng Minh Thảo- Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho biết: Bài viết cho rằng Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi làm đầu mối giúp một cá nhân từ thiện ở Hà Nội thu mua dưa Hắc Mỹ Nhân giúp bà con xã Tịnh Hiệp với giá 5.000 đồng/kg nhưng chỉ giao trả cho người dân với giá 3.000 đồng/kg là không chính xác.
[mecloud]GxlV6ijpZE[/mecloud]
Video: Có hay không việc tỉnh đoàn Quảng Ngãi 'ăn chênh' tiền bán dưa hấu của dân?
Theo anh Thảo, sau khi nhận được thông tin từ Bí thư Đoàn xã Tịnh Hiệp đề nghị có 10 tấn dưa Hắc Mỹ Nhân cần bán, giá thương lái mua là 3.500 đ/kg, Tỉnh Đoàn thống nhất nâng giá dưa thành 5.000 đ/kg để người dân đảm bảo có lãi, tiếp tục ổn định cuộc sống. Sau đó, liên hệ và thống nhất với đầu mối ở Hà Nội thu mua 10 tấn dưa với giá 5.000 đ/kg (chưa tính tiền chuyên chở).
Chương trình bán dưa hỗ trợ cho bà con nông dân nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi). |
Đến ngày 6/5, người bán dưa phản hồi dưa non, không ngọt. Tỉnh Đoàn làm việc lại với Đoàn xã để trao đổi với bà con thống nhất giảm 1 tấn hao hụt, dưa non, chỉ tính tiền 9 tấn (xe 10 tấn). Số tiền thu được sau khi đầu mối Hà Nội chuyển về sẽ được chuyển trả cho bà con nông dân (hiện nay số tiền này vẫn chưa được chuyển trả cho bà con). Giá dưa hấu bán tại Hà Nội do các đầu mối quyết định khi cộng tiền chuyên chở, bốc vác, Tỉnh Đoàn không tham gia chỉ làm đầu mối bán giúp dưa cho bà con nông dân.
Tại buổi gặp gỡ trao đổi giữa lãnh đạo Tỉnh đoàn với chính quyền địa phương và bà con nhân dân xã Tịnh Hiệp, ông Bùi Tuấn (42 tuổi), ở thôn Xuân Mỹ- chủ nhân 10 tấn dưa bày tỏ: Khi thương lái cho biết giá mua là 3.500 đồng/kg, tôi không đồng ý. Bởi lẽ, với 10 tấn dưa này, nếu bán cho thương lái thì họ chỉ lựa mua được 7 tấn là cùng. Vì vậy tôi đã gọi điện đến cán bộ xã đoàn Tịnh Hiệp nhờ bán giúp. Tại đây dù ban đầu anh Trương Cao Tuyến, Bí thư xã đoàn cho biết sẽ giúp bán 3.500 đồng/kg, nhưng tôi đồng ý vì họ mua "xô".
Sau đó, anh Tuyến cho biết có nơi đồng ý mua 5000 đồng/kg, tôi rất phấn khởi và cảm ơn Tỉnh đoàn rất nhiều. "Bà con nông dân chúng tôi làm rất vất vả, thế nhưng lại bị thương lái ép giá, chính vì vậy, được Tỉnh đoàn hỗ trợ đầu ra cây dưa, bản thân tôi cũng như bà con rất biết ơn"- ông Tuấn chia sẻ.
Tờ giấy xác nhận vội vã, đối phó với dư luận?
Tuy nhiên, ngày 9/5, báo Hà Nội tiếp tục phản ánh về sự chưa minh bạch, chưa hết trách nhiệm với cộng đồng của cuộc "giải cứu" này. Theo đó, một tờ giấy xác nhận mua bán dưa được lập và đóng dấu tươi rói của UBND xã Tịnh Hiệp ghi rõ ngày 7/5/2015, với nội dung như sau: “Tôi tên là Trương Cao Tuyến, chức vụ Bí thư xã đoàn Tịnh Hiệp, nay tôi viết giấy này xác nhận với các cơ quan đơn vị, ngày 3/5/2015 tôi có mua 10 tấn dưa Hắc mỹ nhân của nông dân Bùi Tuấn, thôn Xuân Mỹ, xã Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi dể chuyển ra đầu mối Hà Nội tiêu thụ giúp hộ ông Bùi Tuấn với giá 5.000 đồng/kg”. Ngoài chữ ký của Bí thư đoàn xã, còn có chữ ký của Chủ tịch UBND xã Võ Tấn Hồng và chữ ký của ông Bùi Tuấn.
Người dân hồ hởi mua dưa với tâm niệm “một trái dưa, một tấm lòng”. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi). |
Em gái ông Tuấn cho biết, lúc bán dưa cho Tỉnh đoàn, gia đình và bên mua thỏa thuận là 3.500 đồng/kg. Còn vì sao bây giờ lại có giá 5.000 đồng/kg thì chỉ anh Tuấn biết, gia đình không biết (?). Chồng bà Thủy và bố, mẹ đẻ anh Tuấn cùng thừa nhận là lúc chất dưa ra xe, hai bên thỏa thuận giá là 3.500đồng/kg.
Ông Tuấn cho hay, đã thỏa thuận bán cho Tỉnh đoàn 5.000đ/kg, phần rơm lót dưa mình chịu, mất mấy triệu đồng. Hôm qua, ông Tuấn vừa ra xã ký xác nhận bán dưa 5.000/kg đồng. Xác nhận vậy thôi, nhưng chưa nhận được tiền.
Từ đó, PV đặt câu hỏi sao khi mua dưa, Tỉnh đoàn và hộ nông dân không ký kết, xác nhận giá, chất lượng dưa... mà phải đợi đến khi báo chí phản ánh, mới vội vàng triệu tập nông dân ký xác nhận?
Như vậy, tờ giấy “xác nhận” giữa xã đoàn và ông Tuấn được làm ra vội vã, nhằm đối phó với dư luận, để hợp thức hóa, khỏa lấp khoản chênh khi nói mua của dân một giá, nhưng lại bán cho các đầu mối một giá của Tỉnh đoàn. Và cái giá 5.000 đồng/kg chỉ có được từ ngày 7/5, chứ không phải có từ lúc Tỉnh đoàn mua dưa và thỏa thuận với người dân.
PV báo Hà Nội mới còn cho biết, hiện còn có trong tay một số văn bản giao nhận tiền được lập một cách vội vã, để xác nhận các hộ bán dưa đã nhận tiền của BCH Tỉnh đoàn Quảng Ngãi mà không có ngày tháng và rất nhiều chữ ký trùng lặp do… cùng một người ký.
LINH SAN(Tổng hợp)