(ĐSPL) - Ngày 17/7/1945, nhóm tình báo Đội Hươu của Mỹ do Thiếu tá A.K. Thomas dẫn đầu đã nhảy dù xuống một khu rừng cách Hà Nội 200km để giúp huấn luyện Việt Minh chiến đấu chống lại phát xít Nhật, giành độc lập dân tộc.
Ngay từ năm 1943, OSS (Cơ quan tình báo của Mỹ trong Chiến tranh thế giới lần 2) đã tuyển mộ các binh sĩ cho “một nhiệm vụ tình nguyện ở Đông Dương”. Những người tham gia khi đó phải trải qua chuỗi những thử thách tâm lý, chương trình huấn luyện khắc nghiệt của OSS. Bao gồm huấn luyện kỹ năng sống sót trong đó có cách giết và ăn thịt dê, học cách mò bắt và ăn bào ngư và các bài học judo.
|
Nhóm đặc vụ OSS của Mỹ chụp ảnh cùng Bác Hồ và tướng Giáp tháng 8/1945. |
Henry A.Prunier là một trong số 6 người gia nhập Deer Team (Đội Huơu) và được chỉ định gửi đến Việt Nam trong vòng 2 tháng. Trong vai trò là thông dịch viên, nói được tiếng Pháp và tiếng Việt Nam, Prunier có lẽ là một trong những người được chuyện trò nhiều nhất với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp.
Henry Prunier đã qua đời vào ngày 17/3/2013 ở độ tuổi 91. Ông sống những ngày cuối cùng một cách thanh bình ở Worcester cùng gia đình và truyền thông Mỹ khi đó cũng không còn nhắc lại nhiều về sứ mệnh đặc biệt của Prunier ở Việt Nam.
Tham gia Đội Hươu, đến Tân Trào
Tại Côn Minh (Trung Quốc), Đội Hươu được thành lập vào tháng 5, tháng 6 năm 1945, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc OSS Archimedes Patti. Đội trưởng là Thiếu tá Allison Thomas, trước đó từng là công tố viên ở bang Michigan trước khi làm việc với tình báo Anh trong thời chiến. "Không ai trong nhóm biết nhiệm vụ đến Tân Trào là gì. Chúng tôi chỉ được lệnh gặp gỡ "ông Hồ" và huấn luyện cho lực lượng này chống phát xít Nhật", ông Prunier từng chia sẻ.
Sau này Prunier mới biết rằng nhiệm vụ được hình thành khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp trung úy Charles Fenn, người muốn xây dựng một quan hệ hợp tác để giải cứu các phi công của Đồng minh, đồng thời gửi báo cáo tình báo và thời tiết cho Đồng minh. Fenn và OSS muốn được cung cấp thông tin tình báo về các động thái và vũ khí của quân đội Nhật. Họ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thuận để đổi lấy sự hỗ trợ của Mỹ cho các lực lượng yêu nước ở Việt Nam.
Tuy OSS không biết rõ Hồ Chí Minh là ai, nhưng họ đồng ý huấn luyện một đơn vị nhỏ. "Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp lực lượng du kích quấy rối quân Nhật. Chúng tôi đã cùng họ phá hủy đường ray tàu hỏa, các cơ sở viễn thông. Nhưng không đối đầu trực tiếp với quân Nhật vì chúng tôi không đủ hỏa lực", Prunier từng kể lại.
|
Nhóm Đội Hươu trong bức ảnh chụp cùng Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
OSS ban đầu định để cho Đội Hươu hành quân bằng đường bộ dài 483km tới Tân Trào. Nhưng người Trung Quốc cảnh báo OSS rằng quân Nhật đang chờ sẵn ở biên giới để ngăn chặn mọi lực lượng của phía Đồng minh. Vì vậy, thay vì đi bộ, từng thành viên của Đội được vận chuyển bằng máy bay.
Sáng ngày 16/7/1945, sáu thành viên Đội Hươu lên một chiếc máy bay C-47, nhảy dù xuống Tân Trào. Tới mặt đất, trong khi đang thu xếp dù, họ nhìn thấy vài chục người tiến đến, không rõ là người Trung Quốc hay Việt Nam. Đa số là các thiếu niên, ngoại trừ một người thấp hơn, mặc áo vải lanh màu trắng, đi giày đen, đội mũ phớt cũng màu đen, được mọi người gọi là "anh Văn". Phải sau này nhóm đặc vụ mới được biết tên của ông là Võ Nguyên Giáp.
Huấn luyện đội quân Việt Minh
Được dẫn tới làng Tân Trào, nhóm được đón tiếp với một biểu ngữ bằng tiếng Anh có nội dung “Chào mừng những người bạn Mỹ”. Theo Prunier, địa điểm huấn luyện có kích thước không lớn hơn 183x274m.
Khi Prunier và cả nhóm gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu, người mà họ chỉ biết qua cái tên “Hồ”, họ thấy ông gầy guộc "chỉ toàn da với xương". Tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thông thạo tiếng Pháp nhưng chỉ trò chuyện với các đặc vụ OSS của Mỹ bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Thậm chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị thay thế hai sỹ quan người Pháp đi cùng bằng sỹ quan người Mỹ do không còn tin tưởng Pháp.
Khi Đội Hươu bắt đầu huấn luyện đội quân Việt Minh vốn chỉ mới được thành lập, những vũ khí duy nhất mà họ có khi ấy là súng hỏa mai nòng ngắn và một số ít súng thu được của Pháp. "Họ không được vũ trang tốt và thiếu khả năng sử dụng vũ khí", Prunier nói. OSS thả xuống những thùng chứa súng trường M-1, bazooka, súng cối 60 mm, và súng máy loại nhẹ, vừa đủ để trang bị cho 80 người. "Người Việt háo hức và học được cách tháo lắp súng M-1 sau ít giờ đồng hồ", Prunier từng kể lại.
|
Nhóm Đội Hươu huấn luyện Việt Minh sử dụng súng trường M-1. |
Tổng thời gian nhóm OSS dành để huấn luyện người Việt chỉ kéo dài ít tuần trong tháng 7 và tháng 8. Nhóm đã cung cấp cho tướng Giáp những kỹ năng chiến trận cơ bản, nhưng "những điều họ học được về chiến tranh du kích là sau này, vì chúng tôi không có đủ thời gian để hướng dẫn", Prunier từng kể lại.
Ngoài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhóm còn huấn luyện cho ít nhất hai chỉ huy quân sự cấp cao khác, trong đó có tướng Đàm Quang Trung, người từng khiến quân Pháp và sau này là quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam phải đau đầu. "Đây là một nhóm được tuyển mộ một cách kỹ lưỡng từ nhiều nơi của Việt Nam", Prunier nói. "Họ hoàn toàn không phải là một đám đông nông dân ô hợp".
Thời điểm mà Chính phủ lâm thời họp tại Tân Trào cũng là lúc mà các đặc vụ OSS cảm thấy đã đến lúc họ phải rời đi. Ngày 19/8, trên đường đến Hà Nội, đơn vị của tướng Giáp cùng nhóm Đội Hươu gặp một đồn bốt của Nhật tại Thái Nguyên và họ quyết định tấn công.
Theo Prunier, nhóm đặc vụ Mỹ được lệnh qua radio từ Archimedes Patti rằng không được tham gia vào sự việc này, không được nhận tù binh, và phải án binh bất động. Nhưng Thiếu tá Thomas không nghe theo chỉ đạo mà trực tiếp tham gia vào trận đánh.
Sau trận chiến ở Thái Nguyên, nhóm OSS được cấp vài người dẫn đường, còn tướng Giáp rời đi cùng đa số những người lính khác. Đội Hươu đi tiếp 64km nữa đến Hà Nội, tới nơi vào ngày 9/9. Trong khi Bác Hồ đã đến Hà Nội từ trước để tuyên bố Việt Nam độc lập vào ngày 2/9, trùng với ngày Nhật Bản chính thức đầu hàng Mỹ tại chiếc bàn trên chiến hạm Missouri.
Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, "một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy mươi năm nay...". Những tư liệu nói trên đã minh chứng cho lời nói của Bác Hồ, đồng thời phần nào xác nhận người Mỹ và người Việt từng đứng cùng một chiến tuyến chống chủ nghĩa phát xít.
Trước khi rời khỏi Hà Nội vào ngày 16/9, Prunier có gặp Bác Hồ và tướng Giáp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng ông Prunier một tấm thảm lụa như một món quà tạm biệt và để cảm ơn những gì mà các đặc vụ OSS đã giúp đỡ Việt Minh đánh đuổi phát xít Nhật.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-bao-my-tung-giup-viet-minh-ra-sao-a48828.html