(ĐSPL) – "2/9 là ngày Quốc khánh, cũng là ngày vui của toàn dân tộc, nên các đồng chí trong Bộ Chính trị, các học trò cũng như đồng sự của Bác Hồ đã không thông báo ngày Bác mất trùng với ngày vui này".
Lý giải về việc tại sao không thông báo đúng ngày Bác Hồ mất ngay từ đầu, mà phải đến hơn 20 năm sau mới chính thức công bố lại, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết: “Theo tôi biết thì chính xác Bác Hồ mất vào hồi 9h47 ngày 2/9/1969, thế nhưng lúc đó các đồng chí trong Bộ Chính trị, các học trò và đồng sự của Bác đều quan niệm ngày 2/9 là ngày Quốc khánh, là ngày vui của dân tộc, của đất nước nên đã quyết định không công bố ngày Bác mất trùng vào ngày vui này”.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng rưng rưng nghẹn ngào khi kể lại thời điểm đón nhận tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. |
“Thế nhưng sau này khi nhìn nhận lại thì thấy rằng, lịch sử thì nhất định phảỉ trung thực nên Bộ Chính trị và Trung ương đã công bố lại ngày Bác mất là ngày 2/9” – PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết thêm.
Về việc công bố thông tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhớ lại: “Đối với thông tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời thì không thể công bố ngay mà phải công bố từ từ để nhân dân cả nước không cảm thấy quá đột ngột. Bác Hồ mất ngày 2/9 nhưng đến ngày 3/9 mới chỉ có thông báo về sức khỏe của Bác”.
“Tôi nhớ khi ấy chưa có truyền hình, chỉ có báo Nhân dân và kênh Thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam đăng thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Mặt trận về tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó chỉ thông báo một câu rất ngắn gọn với nội dung: “Trong thời gian gần đây, sức khỏe của Hồ Chủ tịch không được tốt. Hiện nay Đảng và Nhà nước cùng các thầy thuốc đang tập trung chăm sóc sức khỏe cho Người”” – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhớ lại.
Chia sẻ cảm xúc của mình lúc đón nhận thông tin đau buồn khi Bác mất, ông Nguyễn Trọng Phúc bùi ngùi: “Lúc đó anh em chúng tôi chưa biết tin Bác mất, chỉ nghe thông báo tình hình sức khỏe mà đã cảm thấy lo lắng vô cùng, vì nghĩ bụng rằng chắc sức khỏe của Bác nguy kịch lắm rồi nên mới có thông báo như vậy. Bác Hồ đối với chúng tôi và nhân dân cả nước khi ấy thiêng liêng lắm, thông tin Bác qua đời khiến tất cả đau đớn khôn nguôi. Và cho đến sáng 4/9 năm ấy mới chính thức có thông cáo đặc biệt về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời. Lúc nhận tin, tôi và các đồng chí khác cứ ôm mặt khóc, dù chưa tổ chức lễ tang nhưng nhân dân cả nước cũng đều khóc trước nỗi đau mất đi Người cha già của dân tộc”.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng khi ấy bật khóc khi nhận được tin Bác Hồ mất. Ảnh tư liệu. |
Những hình ảnh đau thương của ngày ấy có lẽ được khắc họa đúng nhất trong những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu (bài thơ Bác ơi):
“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…”
“Có lẽ thiên nhiên và lòng người đều khi ấy hòa làm một. Những ngày đầu tháng 9 năm ấy luôn u ám, kể từ hôm thông báo ngày Bác mất đến hôm đi viếng Bác ở Quảng trường Ba Đình trời cứ mưa tầm tã suốt, nhưng đúng đến ngày 9/9/1969 là ngày truy điệu Bác ở quảng trường Ba Đình thì trời lại nắng. Đó là những thời khắc vô cùng thiêng liêng mà không ai có thể quên” – PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc xúc động kể lại.
Ông cho biết, để nhớ mãi về ngày ấy, ông vẫn còn giữ tấm băng tang đeo trong đám tang Bác Hồ mất từ hồi ấy đến giờ, và mới đây mới trao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Nhớ lại hình ảnh xúc động nhất khi ấy, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng rưng rưng nước mắt kể: “Có lẽ tôi không bao giờ quên thời khắc khi đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng đọc điếu văn trong lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đồng chí Lê Duẩn vừa cất lời: “Hồ Chủ Tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa”. Thế là tất cả đều khóc, không riêng gì người dân ở Quảng trường Ba Đình khóc mà tất cả những người theo dõi qua sóng phát thanh đều òa khóc”.
“Khi kết thúc bài điếu văn đó, các vị lãnh đạo từ lễ đài đi xuống chỗ các cháu thiếu nhi đứng ở hàng trên của Quảng trường Ba Đình trong lễ truy điệu Bác, thì thấy các cháu thiếu nhi lúc đó cứ ôm mặt khóc, có cháu ngồi sụp xuống khóc, có cháu ôm lấy bác Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng và nói 1 câu đầy đau xót, đó là “Bác ơi, thế là từ nay chúng cháu không được gặp Bác Hồ nữa rồi”. Vinh dự của thiếu nhi Hà Nội và nhiều người Hà Nội khi ấy là được gặp Bác Hồ, tình cảm mà họ dành cho Bác cũng vô cùng thiêng liêng, nên việc Bác ra đi là một nỗi mất mát vô cùng to lớn” – PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nghẹn ngào chia sẻ.
Những hình ảnh đẹp về Bác sẽ mãi được ghi dấu trong lòng những người con của dân tộc Việt Nam. |
Tất cả nỗi đau thương, mất mát khi ấy của toàn dân tộc cũng được khắc họa đậm nét trong những vần thơ đầy cảm xúc của nhà thơ Tố Hữu (bài thơ Theo chân Bác):
“Tháng năm ơi có thể nào quên
Hàng bóng cờ tang thắt dải đen
Rủ giữa lòng đau ta nhớ mãi
Cuộc đời như ngọn lửa đầu tiên…”
Thế nhưng, nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, sự đau thương ấy không làm dân tộc ta suy yếu đi, mà trái lại nó khơi dậy mạnh mẽ tình yêu đất nước và con người, làm cho dân tộc này xích lại gần nhau, đoàn kết với nhau hơn để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.