Donetsk bị pháo kích sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực
Trong một bài đăng trên Telegram hôm 6/1, Trung tâm Kiểm soát và Phối hợp chung (JCCC), một nhóm giám sát theo dõi các cuộc tấn công vào vùng Donbass (đã sáp nhập Nga) cho biết lực lượng Ukraine đã bắn sáu quả đạn 155mm nhằm vào quận Petrovsky, phía Tây thành phố Donetsk. Không có thương vong nào được báo cáo.
Các cuộc tấn công được tiến hành chưa đầy một phút sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, theo JCCC, đồng thời cho biết thêm rằng nửa giờ sau, một cuộc tấn công khác đã được thực hiện nhằm vào cùng khu vực với bốn viên đạn 155mm.
Ngày 6/1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết bất chấp sự tuân thủ của quân đội nước này với thoả thuận ngừng bắn, "chính quyền Kiev vẫn tiếp tục các cuộc tấn công bằng pháo nhằm vào các khu định cư và vị trí của quân đội Nga”.
Các lực lượng Nga đã “trấn áp một số vị trí pháo binh của Ukraine tham gia cuộc pháo kích dọc theo chiến tuyến”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh ngừng bắn trước đêm Giáng sinh của Chính thống giáo sau lời kêu gọi của Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga. Điện Kremlin cho biết mục tiêu của lệnh ngừng bắn là để những người theo đạo Cơ đốc chính thống “có cơ hội tham dự các buổi lễ vào ngày Giáng sinh”. Lệnh này có hiệu lực từ trưa 6/1 đến nửa đêm 7/1 (36 tiếng).
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine đã bác bỏ đề nghị ngừng bắn. Alexey Danilov, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine gọi sáng kiến này là “dối trá”.
Quan điểm này được nhắc lại bởi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông cho rằng lời đề nghị này là một “mưu kế quân sự”.
Mỹ tiếp tục viện trợ hơn 3 tỷ USD cho Ukraine
Hôm 6/1, Mỹ công bố gói viện trợ hơn 3 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có trang bị tên lửa phòng không mới. “Hôm nay, Mỹ sẽ thể hiện cam kết lâu dài với Ukraine bằng việc công bố khoản hỗ trợ quân sự mới trị giá hơn 3 tỷ USD cho Kiev", người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói.
Gói viện trợ gồm xe chiến đấu bộ binh Bradley, pháo tự hành, xe chống phục kích bằng mìn (MRAPS) và các phương tiện chở quân cũng như tên lửa đất đối không.
Ngoài ra, gói viện trợ mới gồm 4.000 tên lửa Zuni để sử dụng cho các khí tài trên không và tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow.
RIM-7 Sea Sparrow là hệ thống phòng không bổ sung cho Ukraine, được cho sẽ giúp nước này hạn chế cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga. Hệ thống này do tập đoàn Raytheon Technologies và General Dynamics sản xuất.
Trong khi đó, xe chiến đấu bọc thép Bradley được Mỹ sử dụng thường xuyên để chở quân đi khắp các chiến trường từ giữa những năm 1980. Quân đội Mỹ có hàng nghìn xe Bradleys, dự kiến chuyển cho cho Kiev 50 xe loại này.
Hôm 21/12, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine. Việc cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot nằm trong gói viện trợ 1,85 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine. Theo đó, Mỹ sẽ chi 1 tỷ USD để cung cấp cho Ukraine "năng lực phòng không và tấn công chính xác được mở rộng" và 850 triệu USD hỗ trợ an ninh.
Quyết định triển khai hệ thống tên lửa Patriot của chính quyền Tổng thống Joe Biden được đưa ra bất chấp những lời cánh báo từ Nga. Moskva cho rằng việc Washington cung cấp dàn tên lửa đất đối không tiên tiến như vậy sẽ là bước đi mang tính khiêu khích.
Hôm 25/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích việc Mỹ cung cấp tên lửa phòng không Patriot cho Kiev, cho rằng động thái này là nỗ lực nhằm kéo dài cuộc xung đột. Ông tuyên bố Moskva sẽ phá hủy các hệ thống phòng không Patriot nếu Mỹ cung cấp chúng cho Ukraine.
Minh Hạnh (T/h)