Quan chức Ukraine nói phải giành lại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bằng vũ lực
Theo Bloomberg ngày 4/1, ông Petro Kotin, Chủ tịch công ty điện hạt nhân Energoatom của Ukraine, tỏ ra nghi ngờ về lời kêu gọi của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng chính quyền Ukraine và Nga cần thiết lập vành đai an ninh xung quanh nhà máy Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine. Sáu lò phản ứng ở nhà máy này đã nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng Nga trong tuần đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt. Từ đó, các lò phản ứng bị tấn công bằng pháo và tên lửa, làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng khẩn cấp hạt nhân.
Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối ngày 3/1, ông Kotin nhận định về nỗ lực của IAEA nhằm thiết lập vùng đệm an ninh: “Chúng tôi nghĩ điều đó là không thực tế. Đã tới năm mới và khu vực này vẫn chưa được thiết lập”.
Thay vào đó, ông Kotin nói rằng kịch bản có nhiều khả năng xảy ra là nhà máy này trở lại dưới quyền kiểm soát của quân đội Ukraine. Ông nói: “Hy vọng tốt nhất của chúng tôi nằm ở các lực lượng vũ trang Ukraine… Nếu lực lượng của Kiev có thể chọc thủng phòng tuyến của quân Nga và chiếm được thành phố phía Nam Melitopol, cách nhà máy hơn 100 km về phía Nam, thì lựa chọn duy nhất là quân Nga phải rời khỏi nhà máy”.
Các bình luận trên cho thấy rằng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vẫn là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tháng trước, Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã lạc quan rằng các bên đang tiến gần thỏa thuận thiết lập khu vực an ninh.
Trước đó, vào tháng 10, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga Rosatom đã tuyên bố toàn quyền sở hữu Zaporizhzhia vào tháng 10. Chủ tịch hội đồng giám sát nhà máy, ông Sergei Kiriyenko, đã đến thăm nhà máy vào cuối tháng trước.
Nỗ lực của chính phủ Ukraine nhằm thuyết phục các quốc gia khác cắt đứt quan hệ với ngành nguyên tử Nga đã giành được sự ủng hộ của Holtec International - nhà cung cấp hạt nhân của Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Ukraine.
Giám đốc điều hành Holtec Kris Singh đã viết trong một bức thư rằng việc Nga chiếm đóng Zaporizhzhia không chỉ có nguy cơ gây ra sự cố hạt nhân mà còn có nguy cơ khiến năng lượng nguyên tử không còn là một nguồn năng lượng sạch trên toàn cầu.
Ukraine sẵn sàng tiếp nhận hệ thống tên lửa Patriot
Theo Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, công tác chuẩn bị cho việc chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không Patriot từ Mỹ đã được hoàn tất.
“Chúng tôi đang mong đợi hệ thống phòng không Patriot sẽ được triển khai càng sớm càng tốt. Công tác chuẩn bị cho việc bàn giao các hệ thống này đã sẵn sàng", ông Dmytro Kuleba nói, song không đề cập thời gian cụ thể.
Hôm 21/12, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine. Việc cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot nằm trong gói viện trợ 1,85 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine. Theo đó, Mỹ sẽ chi 1 tỷ USD để cung cấp cho Ukraine "năng lực phòng không và tấn công chính xác được mở rộng" và 850 triệu USD hỗ trợ an ninh.
“Chúng tôi đánh giá cao động thái này của Mỹ", ông Kuleba nói, đồng thời cho biết thêm rằng Tổng thống Zelensky và giới chức ngoại giao Ukraine đang “làm việc tích cực” để nhận thêm nhiều vũ khí mới từ đồng minh và đối tác.
Thời gian chính xác để Mỹ cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine vẫn chưa rõ. Việc vận hành công nghệ này cần hàng chục nhân viên được đào tạo, trong khi Kiev vẫn chưa đáp ứng được điều này. Quá trình đào tạo để vận hành hệ thống Patriot thường mất vài tháng.
Moskva cho rằng việc Washington cung cấp dàn tên lửa đất đối không tiên tiến như vậy sẽ là bước đi mang tính khiêu khích, đồng thời tuyên bố hệ thống này sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga.
Hôm 25/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích việc Mỹ cung cấp tên lửa phòng không Patriot cho Kiev, cho rằng động thái này là nỗ lực nhằm kéo dài cuộc xung đột. Ông tuyên bố Moscow sẽ phá hủy các hệ thống phòng không Patriot nếu Mỹ cung cấp chúng cho Ukraine.
Minh Hạnh (T/h)