Theo thông tin mới nhất từ hãng thông tấn TASS, ngày 3/9, ông Apty Alaudinov - chỉ huy trưởng đơn vị đặc nhiệm Akhmat kiêm phó tư lệnh Quân đoàn 2 thuộc lực lượng dân quân Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR) cho biết: "Hiện giờ chúng tôi có thể khẳng định rằng 60-70% thiết bị phương Tây gửi cho Ukraine đã bị phá hủy".
Theo vị chỉ huy này, một lượng lớn thiết bị của phương Tây đã trúng mìn của Nga hoặc bị các lực lượng Nga tập kích. Ông nhấn mạnh, kết quả này "có thể nhìn thấy rõ ràng trên chiến trường".
"Tiểu đoàn tấn công Aidar, hay Azov dành nhiều năm để sẵn sàng chống lại quân đội Nga, nhưng giờ họ cũng không còn nữa. Giờ đây xuất hiện các đơn vị tập hợp binh sĩ từ nhiều đơn vị khác. Việc họ dễ dàng đầu hàng cho thấy họ đã mất nhuệ khí", ông Alaudinov nói.
Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, cả Moscow và Kiev đều thường xuyên đưa ra những số liệu về tổn thất của đối phương. Song, hai quốc gia này chưa từng lên tiếng xác nhận về nhận về thiệt hại của chính mình.
Nga cho rằng mặc dù liên tục nhận được viện trợ từ phương Tây nhưng Ukraine đang chịu tổn thất lớn, đặc biệt là đối với các thiết bị được các đồng minh cung cấp trong cuộc phản công bắt đầu từ tháng 6 vừa qua.
Hệ thống phòng thủ kiên cố gồm nhiều lớp của Nga, đặc biệt là các bãi mìn và công sự dày đặc, kìm hãm đà phản công của Ukraine. Lực lượng thiết giáp Ukraine, kể cả những xe tăng hiện đại như Leopard hay xe chiến đấu bộ binh Bradley, bị phá hủy khi tìm cách vượt qua các bãi mìn dưới làn hỏa lực của Nga do không được yểm trợ trên không.
Ukraine chật vật đối phó UAV Lancet của Nga
Việc đối phó với máy bay không người lái (UAV) “cảm tử” của Nga không phải việc dễ dàng, Lancet có khả năng bay thấp để tránh radar, tính cơ động cao, mức độ phát nhiệt thấp và đường bay khó xác định, vì thế rất khó bị các hệ thống phòng không thông thường phát hiện hoặc đánh chặn.
Trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng phương tiện và vũ khí phòng không, Ukraine khó có thể trang bị hệ thống phòng không để tiêu diệt UAV tại tất cả các vị trị chiến tuyến quan trọng.
Đối với trường hợp này, Ukraine chỉ có thể áp dụng biện pháp truyền thống là triển khai thiết bị tác chiến điện tử. Lancet được cho là sử dụng một kênh liên lạc không dây kết nối với trạm điều khiển ở một tần số nhất định, mặc dù điều này giúp nó hạn chế tiếng ồn khi hoạt động nhưng dải tần đó vẫn có thể bị gây nhiễu.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự và một số phương tiện truyền thông phương Tây, việc vô hiệu hóa UAV Lancet bằng thiết bị tác chiến điện tử cũng chưa phải là biện pháp tối ưu. Kiev chỉ có thể đối phó hiệu quả với UAV này khi chúng ở chế độ bay tự động.
Một khi Lancet nhận lệnh tấn công và được điều khiển bởi người vận hành thì gần như không thể chống lại nó. Ngay cả khi bị mất kiểm soát do kênh liên lạc bị gây nhiễu, UAV Lancet vẫn tiếp tục di chuyển theo quỹ đạo đã được cài đặt trước. Trong trường hợp bị gây nhiễu cực mạnh, UAV có thể tự động ngắt liên lạc với kíp vận hành.
Quân đội Ukraine nhận định cách duy nhất để chống lại máy bay không người lái Lancet là gây nhiễu từ xa, song không phải đơn vị nào cũng được trang bị khí tài tác chiến điện tử đủ mạnh để làm điều này. Thông thường, binh sĩ Ukraine chỉ có thể phát hiện ra UAV này khi chúng đến gần, nhưng khi đó họ hầu như không còn thời gian để thực hiện các biện pháp tự vệ.
Phương Uyên (T/h)