Ukraine “phù phép” vũ khí 76 tuổi thành pháo tự hành
VnExpress dẫn nguồn tin từ Forbes cho biết, chiến sự Nga - Ukraine được ví như cuộc đối đầu giữa các lực lượng pháo binh, thậm chí là "cuộc chiến đạn pháo". Bên nào có nguồn cung đạn pháo ổn định cho các khẩu pháo cỡ nòng lớn nhất sẽ giành được lợi thế trước khi xe tăng chủ lực hoặc thiết giáp xung trận.
Nhu cầu sử dụng đạn pháo 155 mm theo chuẩn NATO của Ukraine hiện vượt quá khả năng đáp ứng của phương Tây. Đây được coi là một trong những lý do khiến Lữ đoàn Phòng vệ Lãnh thổ số 241 phải chế tạo pháo tự hành 100 mm bằng cách lắp KS-19 - vũ khí phòng không 76 năm tuổi lên xe tải để tận dụng nguồn đạn sẵn có.
Pháo phòng không KS-19 được Liên Xô phát triển từ những năm 1940 và biên chế năm 1947, sử dụng đạn cỡ 100 mm. Trong thời đại của tên lửa phòng không hiện nay, các khẩu pháo phòng không này đã trở nên lỗi thời và gần như không còn được sử dụng trên chiến trường, khiến lượng đạn tồn dư rất lớn.
Dù vậy, KS-19 được nhận định là "mẫu pháo cũ nhưng không tồi". Khi sử dụng để tấn công mục tiêu mặt đất, pháo có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 21 km, có khả năng khai hỏa với tốc độ 15 phát/phút.
Việc biến KS-19 thành pháo tự hành cho phép Lữ đoàn 241 tận dụng kho đạn cũ, tránh cạnh tranh nguồn cung với các lữ đoàn khác đang cần đạn cho pháo 155 mm. Điều này cũng giải quyết nhược điểm về khả năng cơ động kém của mẫu pháo này. KS-19 vốn là pháo kéo, trình triển khai trận địa, khai hỏa rồi thu hồi có thể kéo dài vài phút, nguy cơ khiến kíp xạ thủ bị đối phương phản pháo.
"KS-19 có khả năng tấn công hiệu quả thiết giáp hạng nhẹ và các mục tiêu mặt đất khác", Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ năm 1969 đưa ra nhận định về mẫu pháo này.
Quân đội Ukraine kế thừa một lượng pháo KS-19 đáng kể từ thời Liên Xô, chúng được niêm cất trong kho tới khi xung đột giữa nước này với Nga bùng phát hồi tháng 2/2022. Ukraine ban đầu dường như chỉ sử dụng KS-19 để huấn luyện xạ thủ, trước khi lực lượng quân khí tìm cách lắp mẫu pháo này lên xe tải.
Hiện chưa rõ quân đội Ukraine sẽ biến bao nhiêu khẩu KS-19 thành pháo tự hành. Lữ đoàn 241 có thể đang vận hành ít nhất hai tổ hợp KS-19 tự hành.
Ukraine điều loạt UAV cùng xuồng cảm tử tấn công Crimea
"4 xuồng không không người lái của hải quân Ukraine đã được phát hiện ở phía tây Biển Đen hướng tới bán đảo Crimea", báo Dân trí dẫn thông báo hôm 22/1 của Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Quân đội Nga tuyên bố phá hủy toàn bộ 4 xuồng không người lái của Ukraine.
Trong một thông báo khác, Bộ Quốc phòng Nga cho biết "3 máy bay không người lái của Ukraine đã bị các đơn vị phòng không đang làm nhiệm vụ của Nga phá hủy ở Crimea". "Nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga (kiểm soát) đã bị ngăn chặn", Bộ này nhấn mạnh.
Trước đó, quân đội Nga hôm 17/11 phát hiện nhóm xuồng Ukraine tiến về bán đảo Crimea, bao gồm một xuồng có thủy thủ đoàn và nhiều xuồng cảm tử không người lái.
Xuồng cao tốc Ukraine bị phá hủy được quân đội Nga xác định thuộc dòng Willard Sea Force do Mỹ sản xuất. Vào thời điểm đó, xuồng đang chở nhóm binh sĩ đổ bộ Ukraine. Lực lượng Nga phát hiện nhóm xuồng này trong lúc tuần tra ở phía tây nam Biển Đen và đã lập tức tiêu diệt bằng vũ khí trang bị trên máy bay.
Những tháng gần đây, Ukraine đã gia tăng các cuộc tấn công vào bán đảo Crimea, nhắm mục tiêu vào Hạm đội Biển Đen của Nga. Bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Bằng cách tấn công vào Hạm đội Biển Đen của Nga cũng như căn cứ ở Crimea, Ukraine được cho là muốn làm suy giảm năng lực tác chiến của hải quân Nga.
Giới quan sát nhận định, với ý nghĩa chiến lược này, Crimea có thể coi là yếu tố định đoạt xung đột Nga - Ukraine. Chiến dịch phản công kéo dài hơn 3 tháng qua của Ukraine được cho là nhằm cắt đứt hành lang đất liền nối giữa bán đảo Crimea với miền Nam Ukraine và miền Tây Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khẳng định trong bài phát biểu năm ngoái về quyết tâm giành lại Crimea rằng: "Bắt đầu ở Crimea, kết thúc cũng sẽ ở Crimea." Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên lo ngại xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát.
Phương Uyên ( T/h)