Hãng tin RT dẫn thông tin mới nhất từ Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói trong một cuộc họp cấp bộ trưởng hôm 21/11 rằng, Ukraine đã mất hơn 13.700 binh sĩ và khoảng 1.800 xe tăng cùng các vũ khí hạng nặng khác trong tháng 11.
Ông Shoigu nhấn mạnh lực lượng Nga đã tích cực ngăn chặn các nỗ lực của Ukraine nhằm chọc thủng tuyến phòng thủ của họ và tiếp tục làm giảm năng lực quân sự đối phương. Nhiều binh lính Ukraine đã đầu hàng hàng loạt sau khi nhận ra sự vô ích của chiến dịch phản công.
Chiến dịch phản công nhằm giành lại lãnh thổ của quân đội Ukraine sắp bước sang tháng thứ 6 mà chưa mang lại bất kỳ đột phá lớn nào trên các mặt trận. Bộ trưởng Shoigu hôm 30/10 cho biết, Kiev đã chịu tương vong lên đến hơn 90.000 quân, mất khoảng 600 xe tăng và 1.900 xe bọc thép trong giai đoạn này.
Nhằm nanh chóng bù đắp những tổn thất nặng nề trên, Ukraine đang tích cực huy động thêm nhân lực đồng thời tìm thêm nguồn viện trợ. Tuy nhiên, tướng Valery Zaluzhny - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine mới đây thừa nhận rằng rằng việc huấn luyện và tuyển quân đang trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với quân đội nước này.
Sự hỗ trợ của các quốc gia phương Tây dành cho Kiev được cho là đang có nguy cơ bị dao động do tình hình chiến sự tiếp tục kéo dài và chiến sự Israel – Hamas nổ ra tháng tháng trước đã chuyển hướng sự chú ý của họ khỏi cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine.
Ngày 20/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bất ngờ đến thăm thủ đô Kiev và gặp mặt Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tại đây, ông đã công bố gói hỗ trợ quân sự mới nhất của Washington dành cho Kiev. Gói viện trợ trị giá khoảng 100 triệu USD bao gồm vũ khí chống tăng và tên lửa dành cho hệ thống phòng không.
Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng thời khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc đấu tranh vì tự do của Ukraine. "Tôi vừa đến Kiev để gặp các nhà lãnh đạo Ukraine. Hôm nay tôi đến đây để đưa ra một thông điệp quan trọng rằng Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine trong cuộc đấu tranh vì tự do của họ trước Nga, cả hiện tại và trong tương lai", ông Austin chia sẻ trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).
Lầu Năm Góc đầu tháng này từng cảnh báo rằng họ sắp dùng hết ngân sách được Quốc hội cho phép chi cho Ukraine. Trong khi đó, ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật một dự luật chi tiêu tạm thời mà không bao gồm các khoản viên trợ dành cho Israel và Ukraine.
Dự luật chi tiêu trên do tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đề xuất nhằm ngăn chính phủ đóng cửa sau 23h59 ngày 17/11 (theo giờ địa phương). Bloomberg dẫn thông tin từ một số quan chức Mỹ cho biết, việc phê chuẩn ngân sách cho các khoản viện trợ mới của Mỹ dành cho Ukraine có nguy cơ bị sẽ trì hoãn đến giữa tháng 12 hoặc có thể lâu hơn sang năm 2024.
Phương Uyên(Theo RT)