Ukraine không có nguy cơ bị tấn công từ Belarus
Ngày 14/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thảo luận với các chỉ huy quân đội Ukraine về bảo vệ những nhà máy điện hạt nhân của nước này và khu vực biên giới phía bắc giáp với Belarus. Giám đốc cơ quan tình báo quân đội Ukraine (GUR) Kyrylo Budanov cho hay, ông Zelensky trong cuộc họp đã khẳng định Ukraine "không có nguy cơ bị tấn công từ phía Belarus".
Nhận định của Tổng thống Zelensky được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Belarus thông báo sẽ có thêm các đơn vị quân chính quy Nga và Wagner tới nước này. Cơ quan này ngày 14/7 cho biết một số thành viên Wagner đã tham gia huấn luyện quân nhân Belarus.
Ngoài ra tại cuộc họp trên, các lãnh đạo và chỉ huy quân đội Ukraine cũng thảo luận về tình hình trên tiền tuyến, viện trợ quốc phòng mới sau hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva, đợt phản công đang diễn ra và nỗ lực cải thiện chuỗi cung ứng hậu cần của quân đội.
Ukraine hiện đang củng cố phòng tuyến ở khu vực biên giới phía Bắc giáp với Belarus và Nga. Giới chức nước này khuyến cáo dân thường tại vùng biên giới chuyển tới những nơi an toàn hơn để sinh sống.
Trước đó, Tư lệnh liên quân Ukraine Serhii Naiev cũng cho biết Kiev sẽ tiếp tục "thiết lập các rào cản kỹ thuật dọc theo biên giới, đào hào chống tăng và cài mìn trong khu vực". Ông khẳng định mục tiêu của quân đội Ukraine là làm cho vùng biên giới "trở thành khu vực không thể vượt qua".
Mỹ có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine ngay lập tức
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Kossuth sau khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh NATO hồi đầu tuần, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng Mỹ có thể dừng cuộc chiến Nga - Ukraine ngay lập tức nếu Washington mong muốn.
Theo ông Orban nhận định nền kinh tế Ukraine đã bị tàn phá về chiến sự, trong khi Kiev đang phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ phương Tây. Vì vậy, nếu Mỹ dừng việc hỗ trợ, cuộc chiến cũng sẽ dừng lại.
"Nếu người Mỹ muốn, hòa bình sẽ đến vào sáng hôm sau. Câu hỏi là tại sao Mỹ chưa muốn làm như vậy. Chúng tôi chưa nhận được câu trả lời cho câu hỏi trên tại hội nghị thượng đỉnh NATO", thủ tướng Hungary cho hay.
Trong hội nghị thượng đỉnh hồi đầu tuần, NATO chưa đưa ra được một lộ trình cụ thể kết nạp Ukraine vào liên minh do quốc gia này vẫn đang trong xung đột. Ông Orban cảnh báo nếu NATO chấp nhận Ukraine làm thành viên trong tình hình hiện tại, điều đó có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh thế giới.
Thủ tướng Orban cũng cáo buộc Ukraine đang gây sức ép lên phương Tây để nhận viện trợ, nhưng nhấn mạnh ông không chỉ trích các hành động kêu gọi từ Tổng thống Volodymyr Zelensky vì lãnh đạo Ukraine đang hành động vì sự tồn vong của người dân.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó đã lên tiếng bày tỏ đồng tình với ý kiến của ông Orban rằng Mỹ có thể chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine vì chính Washington đã khởi xướng việc cấp vũ khí cho Kiev.
Hungary là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và NATO nhưng theo đuổi đường lối trung lập trong xung đột Nga - Ukraine. Nước này từ chối hỗ trợ vũ khí hoặc thiết bị quân sự cho Ukraine sau khi chiến sự bùng nổ hồi tháng 2/2022.
Hồi tháng 5, Thủ tướng Orban từng nói rằng không bên nào có thể giành chiến thắng trên chiến trường trong cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột này.
Phương Uyên(T/h)