RT dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay, Moscow không thể phớt lờ khả năng hạt nhân của máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ thiết kế, có thể được các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn với Lenta.ru hôm 12/7, ông Lavrov cảnh báo rằng việc tiếp tục cung cấp vũ khí tinh vi hơn cho Ukraine, “Mỹ và các nước đồng minh trong NATO tạo ra nguy cơ đối đầu vũ trang trực tiếp với Nga và điều này có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc”.
Theo Ngoại trưởng Nga, kế hoạch cung cấp F-16 cho Ukraine là một ví dụ khác về động thái leo thang của phương Tây, đồng thời là “một diễn biến vô cùng nguy hiểm”. Nga đã thông báo đến các cường quốc hạt nhân gồm Mỹ, Anh và Pháp rằng Moscow “không thể phớt lời khả năng mang vũ khí hạt nhân của những máy bay này”.
Ông Lavrov nói thêm, không có đảm bảo nào của phương Tây sẽ giúp ích trong vấn đề này. Trong bối cảnh giao tranh, quân đội Nga sẽ không điều tra xem liệu có bất kỳ máy bay phản lực nào được trang bị để mang vũ khí hạt nhân hay không.
“Việc xuất hiện các loại vũ khí như vậy trong lực lượng vũ trang Ukraine sẽ bị chúng tôi coi là mối đe dọa từ phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân”, Ngoại trưởng Nga chia sẻ.
Trong diễn biến liên quan, tại cuộc phỏng vấn bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius (Litva) hôm 12/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan tiết lộ sẽ có việc chuyển gia máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, có khả năng là từ các nước châu Âu có nguồn cung F-16 dư thừa.
Trước đó một ngày, Đan Mạch thông báo tháng 8/2023, một liên minh gồm Hà Lan, Bỉ, Canada, Luxembourg, Na Uy, Bồ Đào Nha, Romania, Anh và Thụy Điển sẽ bắt đầu huấn luyện các phi công Ukraine điều khiển loại máy bay do Mỹ thiết kế.
Hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nói rằng những chiếc F-16 đầu tiên do người Ukraine điều khiển có thể bay trên bầu trời vào cuối quý I/2024.
Theo RT, Ukraine đã thúc giục các nước phương Tây viện trợ F-16 thế hệ thứ 4 suốt nhiều tháng. Kiev cho rằng phương tiện này đóng vai trò quan trọng trong việc yểm trợ trên không cho quân đội Ukraine, bảo vệ không phận Ukraine trong bối cảnh chiến dịch tên lửa quy mô lớn của Nga nhắm vào các cơ sở quân sự, cơ sở hạ tầng năng lượng.
XEM THÊM: Tàu hộ tống tên lửa mới nhất gia nhập Hải quân Nga
Ban đầu, Mỹ và các đồng minh bác bỏ khả năng chuyển giao F-16 và cho biết đây không phải là loại khí tài mà Ukraine cần. Tuy nhiên, quan điểm của các nước này đã thay đổi theo thời gian.
Hồi tháng 6/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định chắc chắn những chiếc F-16 sẽ “bốc cháy” một khi được chuyển đến Ukraine, giống như những gì đã xảy ra với xe tăng và các loại vũ khí khác do phương Tây cung cấp.
Đinh Kim (Theo RT)