Ukraine muốn NATO bỏ hạn chế vũ khí viện trợ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo NATO, đặc biệt là Mỹ dỡ bỏ mọi hạn chế liên quan tới việc cho phép Kiev tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây. "'Nếu chúng ta muốn giành chiến thắng, nếu chúng ta muốn chiếm ưu thế, nếu chúng ta muốn cứu và bảo vệ mình, chúng ta cần dỡ bỏ mọi giới hạn", ông nói.
Trước đó, các đồng minh chủ chốt như Mỹ và Đức đã nới lỏng các điều kiện đối với việc Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga hồi tháng 5 nhằm đáp trả cuộc tấn công của Moscow vào Kharkov, thành phố thứ hai Ukraine.
"Cách duy nhất để tấn công những mục tiêu quân sự, bệ phóng tên lửa hoặc sân bay đang tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine là tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga, bởi vì tiền tuyến và đường biên giới ít nhiều đều giống nhau", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Tuy nhiên, phương Tây vẫn giữ một số giới hạn về tầm tấn công và hoàn cảnh mà Kiev có thể tấn công. Ví dụ, Mỹ chỉ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do họ viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga, sát biên giới Ukraine.
Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần này, các đồng minh của NATO đã đưa ra gói viện trợ mới cho Ukraine, bao gồm cam kết bổ sung thêm hệ thống tên lửa Patriot. Ông Zelensky cho biết ông hy vọng hệ thống phòng không này, bao gồm cả hệ thống Patriot mới của Mỹ, được chuyển giao "càng sớm càng tốt".
Tuy vậy, giới lãnh đạo NATO một lần nữa đã làm ông Zelensky thất vọng khi từ chối đưa ra lời mời rõ ràng để Ukraine tham gia liên minh của họ. Dù vậy, các nhà lãnh đạo gọi con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine là "không thể đảo ngược". Họ cũng cam kết sẽ hỗ trợ quân sự cho Kiev ít nhất 40 tỷ euro trong năm tới.
Ukraine tính tuyển 15.000 tù nhân vào lực lượng vũ trang
Ukraine vừa ban hành luật động viên mới nhằm bổ sung quân nhân cho lực lượng vũ trang vốn bị thiếu hụt quân số sau hơn hai năm xảy ra xung đột với Nga. Luật này yêu cầu tất cả công dân Ukraine đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự phải trình diện tại văn phòng nghĩa vụ quân sự trong vòng 60 ngày kể từ ngày luật có hiệu lực.
Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Denys Maliuska cho biết, đợt tuyển quân ban đầu dự kiến tuyển khoảng 5.000 người và trong điều kiện tốt nhất, con số này có thể tăng gấp ba. Theo ông Denys Maliuska, khoảng 2.872 tù nhân Ukraine đã được thả, trong khi tổng số người nộp đơn tham gia nghĩa vụ quân sự là 5.196 người. Trong đó, có 368 người bị từ chối vì lý do sức khỏe. Nhóm tù nhân đầu tiên được thả đang trải qua khóa huấn luyện quân sự và dự kiến sẽ triển khai vào cuối mùa hè.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký ban hành sắc lệnh thiết quân luật và sắc lệnh tổng động viên vào tháng 2/2022. Thiết quân luật và tổng động viên đã được gia hạn nhiều lần kể từ đó. Theo sắc lệnh này, nam giới từ 18 đến 60 tuổi bị cấm rời khỏi Ukraine.
Hồi đầu tháng 4, Quốc hội Ukraine cũng thông qua dự luật về động viên nhập ngũ, với nội dung chính là siết chặt quy định động viên, xác định rõ đối tượng nhập ngũ. Cụ thể, dự luật giảm độ tuổi động viên nhập ngũ từ 27 xuống 25 tuổi. Người thuộc diện tàn tật sau ngày 24/2/2022 (trừ binh sỹ) sẽ phải kiểm tra y tế lại để đánh giá mức độ thích hợp phục vụ trong quân đội.
Nhân viên một số nhà máy bị loại khỏi diện được xét hoãn nhập ngũ. Dự luật cũng loại bỏ quy định cho giải ngũ đối với binh sỹ sau 36 tháng phục vụ trong quân đội, bao gồm 18 tháng ở tiền tuyến. Hiện không rõ số lượng binh sĩ Ukraine là bao nhiêu. Song có thông tin cho rằng có khoảng 1 triệu quân nhân.