Pháp cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine
Phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva hôm 11/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ông đã "ra quyết định tăng cường cung cấp vũ khí và thiết bị cho Ukraine nhằm cho phép họ tấn công sâu (vào lãnh thổ của đối phương)".
Theo đó, vũ khí được Pháp chuyển giao cho Ukraine là tên lửa hành trình tầm xa SCALP - tương tự như Storm Shadow mà Anh đã chuyển giao. Tên lửa hành trình tầm xa SCALP/Storm Shadow là vũ khí do Anh và Pháp cùng phát triển, có tầm bắn 250km - tầm xa nhất trong số các loại vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine cho đến nay.
Ngoài ra, ông Macron cũng tiết lộ thêm rằng Pháp sẽ tiếp tục tuân thủ chính sách hỗ trợ Ukraine để giúp Kiev "bảo vệ lãnh thổ".
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo, việc Pháp cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine là một "sai lầm". Kiev có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả vì Moscow sẽ có biện pháp đáp trả.
"Những quyết định này không ảnh hưởng đến tiến trình của các hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraine), mà chỉ có thể làm xấu đi số phận của chính quyền Ukraine", ông Peskov nói thêm.
Trước đó, Anh cũng xác nhận đã chuyển tên lửa tầm xa Storm Shadow cho Ukraine với kỳ vọng loại tên lửa hành trình uy lực nhất thế giới hiện nay có thể thay đổi "cuộc chơi".
Việc Anh và Pháp quyết định chuyển tên lửa tầm xa đến Ukraine không chỉ giúp nước này tăng cường năng lực quân sự trong cuộc chiến với Nga mà còn đã phá vỡ tâm lý chần chừ của phương Tây về việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev.
Đến nay, nhiều quốc gia NATO vẫn bày tỏ lo ngại việc đưa khí tài tầm xa tới Ukraine có thể gây ra rủi ro khiến xung đột giữa các bên thêm lao thang và lan rộng vượt tầm kiểm soát.
Tổng thống Biden cảnh báo hậu quả nếu NATO kết nạp sớm Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong hội nghị thượng đỉnh tại ở Vilnius dẫn đến cuộc chiến của liên minh với Nga.
Tuyên bố trên được Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đưa ra tại cuộc họp báo hôm 11/7 vừa qua.
“Ngày 12/7, cuộc họp đầu tiên của Hội đồng NATO-Ukraine sẽ diễn ra. Các đồng minh sẽ thống nhất về một gói biện pháp mới nhằm tăng cường hỗ trợ Ukraine. Các nhu cầu dài hạn của Ukraine sẽ được xem xét và các kế hoạch đảm bảo khả năng tương tác của Ukraine với NATO được mở rộng”, hãng tin TASS dẫn lời ông Sullivan cho biết.
Theo quan chức cấp cao Mỹ, các đồng minh cũng sẽ thảo luận về con đường trở thành thành viên NATO trong tương lai của Ukraine.
“Như Tổng thống Biden đã chỉ ra, việc kết nạp Ukraine vào liên minh tại hội nghị ở Vilnius sẽ dẫn đến một cuộc chiến giữa NATO và Nga. Tuy nhiên, các đồng minh đang gửi đi những tín hiệu tích cực về con đường trở thành thành viên của Ukraine tại liên minh trong tương lai”, ông Sullivan nói thêm.
Theo đó, ông Biden sẽ thảo luận về cam kết lâu dài của Washington và các đồng minh với Kiev trong cuộc gặp sắp tời với nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky tại Litva.
Trong khi đó, theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius, các đồng minh không thảo luận về lời mời chính thức gia nhập liên minh tới Ukraine, nhưng đang tổ chức các cuộc tham vấn về những quyết định nào sẽ giúp Kiev tiến gần hơn đến việc gia nhập liên minh.
Phương Uyên(T/h)