Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 26/7/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 26/7/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Vụ chi 12 tỷ xây 67 chuồng bò ở Nghệ An: Nghi vấn mua bò "thiếu cân" cấp cho người dân
Người dân nhận bò giống. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật |
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở và tiến hành tạm giữ ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Công ty Văn Sơn (trụ sở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Ông Sơn bị điều tra liên quan đến sai phạm về kinh tế khi thực hiện một số gói thầu của một số hạng mục trong Đề án phát triển Kinh tế, xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An (bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương) giai đoạn 2016-2025.
Thực hiện gói thầu này, công ty đã mua 280 con bò sau nhiều lần lấy ý kiến của người dân, xã và ban ngành địa phương. Bò giống được lấy từ 2 nơi là huyện Quỳnh Lưu và huyện Đô Lương. Giá bò giống công ty mua vào là 15 triệu đồng/con. Bò giống được cấp thành 3 đợt. Đợt 1 cấp vào ngày 18/4 (80 con); đợt 2 cấp vào ngày 22/5 (80 con); đợt 3 cấp vào ngày 28/6 có 120 con.
Việc cấp bò giống khiến bà con dân tộc Ơ Đu rất vui mừng và phấn khởi vì sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở Văng Môn giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững và toàn diện cho người Ơ Đu tại đây. Tuy nhiên, thời điểm người dân hồ hởi nhận bò giống thì cũng là lúc phát hiện có nhiều việc điểm khác thường.
Chỉ vào 4 con bò mới được nhận, anh Lô Văn Linh, trú bản Văng Môn, xã Nga My cho biết trên Người Đưa Tin Pháp luật, theo đề án thì bò có giá 15 triệu đồng/con, trọng lượng tiêu chuẩn phải 130kg. Tuy nhiên, 4 con bò nhà anh Lo Văn Linh nhận về thì có 1 con đủ trọng lượng, còn 3 con còn lại chỉ khoảng 100kg.
Còn ông Lo Văn Cường, già làng ở bản Văng Môn cho biết: “Qua quan sát thì toàn bộ số bò được cấp cho bản Văng Môn đều được lấy từ các địa phương miền xuôi, với trọng lượng bằng mắt thường có thể khẳng định là chưa đạt hoặc lớn hơn 130kg theo thẩm định dự toán của cơ quan chức năng. Giá bò cũng chẳng đến 15 triệu/con như cán bộ nói”.
Cũng theo vị già làng này, nguyện vọng người dân là cấp trên cấp bò giống cho các hộ gia đình phải cân đối giữa tỷ lệ bò đực/cái để duy trì bò sinh sản, nhân phối giống. Việc này người dân đã đăng ký, sau đó ban quản lý bản Văng Môn đã tổng hợp lại danh sách gửi cho Ban Dân tộc. Nhưng thực tế là trong số 160 con bò được cấp qua 2 đợt (tính đến 25/6/2020) thì tất cả đều chỉ là bò cái. Không những vậy, sau khi nhận bò một thời gian thì xuất hiện dịch bệnh viêm phổi.
Đáng chú ý tại hạng mục hỗ trợ phát triển sản xuất ở gói hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài được phân khai kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng. Đặc biệt, có 10 chuồng loại 2 hơn 2,36 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc một chuồng bò tương ứng gần 236 triệu đồng.
Về việc này, ông Đặng Xuân Quyền - Trưởng phòng Quản lý Xây dựng Công trình, Sở NN&PTNT Nghệ An khẳng định: “Tôi khẳng định giá xây dựng đó là chúng tôi thẩm định theo đơn giá của Nhà nước quy định. Khung giá này được liên sở Xây dựng và sở Tài chính Nghệ An ban hành nên không thể sai được”.
Ngoài ra, vị Trưởng phòng cũng giải thích thêm, dự án này không lãng phí bởi vì đây là xây dựng mô hình mẫu, mà mô hình mẫu là phải theo tiêu chuẩn định mức của chăn nuôi bò. Vì đây là miền núi cộng với đơn giá của Nhà nước nên ra số tiền như vậy.
Nghi vấn mua bò “thiếu cân” cấp cho người dân được xây 67 chuồng bò giá hơn 12 tỷ - Ảnh 1
Cơ quan công an khám nhà ông Lê Văn Sơn.
Trước đó, báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, cuối chiều và đêm 23/7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã thực hiện khám xét nơi làm việc và nơi ở của ông Nguyễn Tâm Long (quyền Trưởng phòng Chính sách dân tộc, Ban dân tộc tỉnh Nghệ An).
Trước đó, chiều tối 21/7, cấp dưới của ông Long là Kim Văn Bốn (38 tuổi, cán bộ phòng Chính sách, Ban dân tộc tỉnh Nghệ An) đã bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội Tham ô tài sản.
Bị can Bốn bị bắt do đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện hành vi lập khống hồ sơ để rút tiền từ chương trình hỗ trợ Đề án phát triển Kinh tế, xã hội dân tộc Ơ Đu (tại bản Văng Môn, xã Nga Mi, huyện Tương Dương, Nghệ An).
Cơ quan điều tra đã xác định được số tiền mà Bốn chiếm đoạt được lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo hồ sơ, quá trình thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tại bản Văng Môn, xã Nga Mi (huyện Tương Dương), ông Bốn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lập khống hồ sơ một số hạng mục để rút tiền của đề án. Số tiền ông Bốn bị cáo buộc chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 90% và 10% ngân sách đối ứng địa phương).
Đề án được thực hiện tại hai bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh), thuộc huyện Tương Dương. Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu; bảo tồn, phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán...
Bản Đửa (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) không có người dân tộc Ơ Đu sinh sống, song cán bộ Ban dân tộc vẫn lập danh sách 45 hộ với 231 nhân khẩu.
Tháng 9/2019, vụ việc được phát hiện, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định loại 231 nhân khẩu này khỏi danh sách hỗ trợ.
Tính tới tháng 7 này, đề án đã được cấp hơn 28 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển nhiều hạng mục tại bản Văng Môn. Trong số này có xây dựng 67 chuồng bò với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.
Vụ "nhân bản" 600 phiếu siêu âm tim của nhân viên hàng không: Bộ Y tế vào cuộc
Ngày 25/7, cục Quản lý Khám chữa bệnh, bộ Y tế đã có công văn gửi cục Hàng không Việt Nam, sở Y tế Vĩnh Phúc đề nghị xử lý thông tin báo chí phản ánh về việc "nhân bản" phiếu siêu âm tim cho hơn 600 phi công, tiếp viên hàng không, ghi nơi thực hiện tại Trung tâm Y tế Hàng không.
Sau khi nghiên cứu về việc này, cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị cục Hàng không Việt Nam và Giám đốc sở Y tế Vĩnh Phúc khẩn trương xác minh thông tin nêu trên; kiểm tra toàn bộ sự việc liên quan và sai phạm (nếu có); công khai thông tin về kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan truyền thông được biết.
Đồng thời, cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị cục Hàng không Việt Nam và Giám đốc sở Y tế Vĩnh Phúc khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động khám sức khỏe nói chung, khám sức khỏe của phi công, tiếp viên hàng không nói riêng tại Trung tâm Y tế Hàng không.
Nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật và hướng dẫn liên quan đến công tác cấp giấy khám sức khỏe, giám định sức khỏe.
Và báo cáo về cục Quản lý Khám, chữa bệnh, bộ Y tế trước ngày 31/7/2020 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo bộ Y tế.
Cũng liên quan đến nghi vấn nhân bản 600 phiếu siêu âm tim, ngày 24/7, bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản chỉ đạo thành lập ngay đoàn kiểm tra của Bộ, tiến hành kiểm tra chuyên ngành đột xuất đối với Trung tâm Y tế hàng không, nhằm xác minh, làm rõ các sai phạm (nếu có) để xử lý.
Trước đó, theo VOV, tháng 3/2020, cục hàng không Việt Nam phát hiện phiếu siêu âm tim của 154 phi công và 470 tiếp viên hàng không có chỉ số giống nhau.
Ông Lê Minh Tuấn (bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh của bệnh viên Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc), người có chữ ký trong các phiếu siêu âm, cho biết tất cả chữ ký này không phải của mình.
Ngay sau đó, cục Hàng không yêu cầu Trung tâm Y tế Hàng không thực hiện siêu âm lại cho 624 nhân viên hàng không. Đồng thời, xác định các nguyên nhân sai phạm và có biện pháp phòng ngừa.
Cục Hàng không sau đó đã yêu cầu Trung tâm Y tế Hàng không tạm thời dừng việc giám định sức khoẻ nhân viên hàng không từ ngày 1/4/2020.
Tạm thời đình chỉ công tác giám định sức khoẻ nhân viên hàng không đối với 2 bác sĩ Lê Minh Tuấn và Nguyễn Tuấn Anh (bác sĩ chuẩn đoán hình ảnh của Trung tâm Y tế Hàng không); Tiến hành rà soát và khắc phục các sai phạm và báo cáo cục hàng không Việt Nam kết quả khắc phục sai phạm trước khi cơ quan này xem xét để cho phép tiếp tục công tác giám định sức khoẻ.
Ngày 14/4/2020, Trung tâm Y tế Hàng không đã báo cáo cục Hàng không Việt Nam các biện pháp xử lý và công tác khắc phục.
đơn vị này đã cho siêu âm lại 438/624 nhân viên hàng không. Số còn lại là người nước ngoài, do dịch Covid-19 nên về nước chưa thực hiện được.
Về trách nhiệm, Trung tâm Y tế Hàng không thống nhất kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Tuấn Anh (bác sĩ chẩn đoán hình ảnh), vì vi phạm quy chế chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ngày 22/4/2020, Đoàn công tác của Cục Hàng không Việt Nam đã tiến hành đánh giá sự việc nói trên của Trung tâm Y tế Hàng không.
Theo đó, Trung tâm Y tế Hàng không đã cơ bản khắc phục các sai phạm, đồng thời Đoàn công tác yêu cầu đơn vị này tiếp tục thực hiện siêu âm lại cho các phi công, tiếp viên sau khi hết giãn cách xã hội và khi các phi công, tiếp viên trở lại Việt Nam làm việc (đối với phi công, tiếp viên là người nước ngoài).
Ngày 28/4/2020 cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản chấp thuận cho Trung tâm Y tế Hàng không được thực hiện công tác giám định sức khoẻ.
Bắc Giang ra công văn khẩn yêu cầu người từ Đà Nẵng về tự cách ly 14 ngày
Bắc Giang yêu cầu người dân mới từ Đà Nẵng về tự cách ly. Ảnh minh họa: Dân Trí |
Ngày 25/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bắc Giang đã có văn bản hoả tốc về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, văn bản do ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc sở Y tế tỉnh Bắc Giang gửi các cơ quan, ban ngành… trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 Bắc Giang yêu cầu người dân, các cán bộ, công chức trong các ban ngành, cơ quan… tạm dừng di chuyển đến thành phố Đà Nẵng với mục đích tham quan, du lịch, công tác và những công việc không cần thiết khác.
Đối với những người đang ở thành phố Đà Nẵng phải có các biện pháp tự bảo vệ, phòng chống lây nhiễm Covid-19.
Đối với những người từ Đà Nẵng trở về địa phương trong thời gian từ ngày 18/7 trở lại sẽ phải thực hiện khai báo y tế, tự cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nhà.
Khi có triệu chứng bất thường như sốt, ho, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế khám và lấy xét nghiệm theo quy định về phòng, chống dịch.
Chủ động theo dõi sát thông tin diễn biến tình hình dịch để có biện pháp phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Trước đó, cùng ngày, báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết về trường hợp mắc bệnh tại Đà Nẵng (bệnh nhân số 416).
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thực hiện xét nghiệm chuyên sâu, có kết quả khẳng định dương tính với SARS-COV-2 vào sáng 25/7.
Hà Nội yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng dịch Covid-19
UBND Hà Nội vừa có văn bản số 3284/UBND-KGVX gửi các đơn vị trực thuộc, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, về việc thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 như đã đề ra.
UBND Hà Nội nhận định diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài.
Do đó, các đơn vị cần tiếp tục đề cao cảnh giác, không để phạm sai lầm, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn.
Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, trước hết là sẵn sàng truy vết, xét nghiệm nhanh, rửa tay, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đông người.
Thành phố sẽ giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong việc tiếp nhận các trường hợp nhập cảnh, thực hiện việc cách ly y tế theo quy định.
UBND Hà Nội giao sở Y tế Hà Nội tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch, kiên định 5 nguyên tắc: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch. Thực hiện xét nghiệm với các đối tượng nhập cảnh.
Ngành y tế phải luôn trong tình trạng báo động để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thế xảy ra; đảm bảo việc duy trì năng lực và sẵn sàng đáp ứng của hệ thống y tế với các tình huống mới của dịch bệnh.
Các Sở, ngành liên quan khác được giao sẵn sàng tạo điều kiện để thúc đẩy thông thương hàng hóa, sản xuất, có kế hoạch đón khách du lịch quốc tế trở lại khi điều kiện cho phép… để đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Đối với nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao, học sinh và sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam nhập cảnh vào TP, Hà Nội sẽ kịp thời giải quyết các vấn đề thủ tục. Sở Du lịch được giao phối hợp sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã bố trí thêm cơ sở lưu trú để cách ly các trường hợp nói trên, đồng thời có kế hoạch sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trở lại khi điều kiện cho phép và có chỉ đạo từ Trung ương.
Hà Nội giao các sở, ngành nghiên cứu, báo cáo Chủ tịch UBND TP về việc thành lập Ban Chỉ đạo TP về phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19, thay vì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.
Bạch Hiền (t/h)