Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 2/2/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 2/2/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Tăng giá khẩu trang, hiệu thuốc có thể bị rút giấy phép ngay lập tức
Người dân cầm tiền trên tay chen lấn, xô đẩy nhau để mua khẩu trang y tế. Ảnh: Dân Việt |
Sáng 1/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, cả nước có 38 đơn vị sản xuất khẩu trang 3 lớp với năng lực sản xuất 1.245.000 chiếc/ngày; 2 đơn vị sản xuất khẩu trang N95 đạt năng xuất 32.000 chiếc/ngày. Năng xuất sản xuất của các đơn vị có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.
Theo đó, bộ Công Thương phối hợp bộ Y tế theo dõi tình hình thị trường cung cầu trong nước về khẩu trang, nước sát trùng, nước súc miệng; đôn đốc tăng cường sản xuất khẩu trang y tế, ưu tiên thị trường trong nước, quyết liệt xử lý nghiêm tình trạng chống găm hàng, đầu cơ, thu lợi bất chính.
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang gặp một số khó khăn bởi nguyên liệu sản xuất khẩu trang chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, đại diện bộ Công Thương đề nghị bộ Tài chính, Tổng Cục hải quan, Chi cục hải quan các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho các lô hàng sản xuất vật phẩm chống dịch, trước mắt là nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nhập khẩu từ các nước khác như Malaysia.
Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định: “Người dân có thể sử dụng các loại khẩu trang khác nhau để phòng chống dịch, bệnh nCoV. Khẩu trang y tế ưu tiên khi làm việc tại các cơ sở y tế, ưu tiên những chỗ đông người như nhà ga, sân bay… Do đó, người dân có thể sử dụng khẩu trang vải, giặt thường xuyên bằng xà phòng, phơi khô đều có thể sử dụng được”.
Thứ trưởng bộ Y tế khuyến nghị, người dân có làm sạch tay bằng nước, xà phòng thông thường vẫn đảm bảo an toàn. “Những trường hợp tiếp xúc với các vật lạ, đặc biệt, người dân nên rửa tay bằng các dung dịch rửa tay, kháng khuẩn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Liên quan đến tình hình sản xuất khẩu trang và trang thiết bị bảo hộ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị giữ nguyên giá bán khẩu trang và các trang thiết bị y tế khác.
“Bất cứ hiệu thuốc, siêu thị tăng giá khẩu trang, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh, đây là quyền hạn của ngành Y tế. Nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá, không cần thanh tra kiểm tra, đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức. Đây là vấn đề kỷ cương, đạo đức, cần thực hiện nghiêm túc”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông không nhận bưu kiện, chuyển bưu kiện chứa khẩu trang, nước sát trùng, thuốc sát trùng… ra nước ngoài.
Phó Thủ tướng đề nghị, bộ Công Thương chỉ đạo, xử lý thật nghiêm các trường hợp cố tình trục lợi từ dịch nCoV, đảm bảo sức khoẻ người dân được đảm bảo, không để lây lan trong cộng đồng.
Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá chiều 31/1, Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn cho biết khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 thì mặt hàng này phải niêm yết giá.
“Không niêm yết cũng bị xử phạt, còn niêm yết mà tăng giá bán thì sẽ phạt nặng hơn từ 10- 15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng. Nghị định 109 quy định Thanh tra tài chính, quản lý thị trường thực hiện kiểm tra, xử phạt”, ông Tuấn nói.
Phối hợp cùng Campuchia truy tìm nghi phạm vụ nổ súng 5 người tử vong ở Củ Chi
Sáng ngày 1/2, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, Bộ đội biên phòng Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng chức năng phía Campuchia truy tìm đối tượng Lê Quốc Tuấn, kẻ đã nổ súng trên địa bàn huyện Củ Chi, TP.HCM khiến 5 người tử vong.
Theo Thiếu tướng Phương, thắt chặt an ninh truy bắt dọc tuyến biên giới với các tỉnh giáp ranh với TP.HCM đã được triển khai từ ngày đầu khi đối tượng Lê Quốc Tuấn gây án.
Lực lượng Biên phòng các tỉnh thành, như: Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Đắc Nông... đã có nhận định đánh giá, truyền thông tin hình ảnh nhận dạng từ lệnh truy nã của Công an TPHCM. Các đồn, trạm biên phòng đã tăng cường quân số, tăng tuần tra để truy bắt nghi can. Riêng Tây Ninh có 15 đồn, 16 trạm đều tăng cường quân ra biên giới để truy tìm.
Ngoài ra, bộ Tư lệnh biên phòng Việt Nam đã phối hợp với Công an quốc gia; bộ Tư lệnh hiến binh quân đội Hoàng gia Campuchia triển khai thêm lực lượng, siết chặt an ninh, trật tự dọc tuyến biên giới 2 nước để phối hợp truy tìm hung thủ.
Liên quan đến sự việc, trước đó, ngày 30/1, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quyết định truy nã đối với Lê Quốc Tuấn về tội giết người; cướp tài sản; tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Đặc điểm nhận dạng của Lê Quốc Tuấn là cao 1,66m, nặng 69kg, da hơi ngăm đen, tóc đen hớt cao, sẹo chấm cách 2cm trên trước đầu mày trái, sống mũi cao, giọng miền Nam. Vũ khí đối tượng dùng gây án là súng AK dạng báng xếp.
Đặc điểm vật chứng cần truy tìm: Xe gắn máy hiệu Nouvo V màu đỏ đen, biển kiểm soát 59Y2-301.98; xe gắn máy hiệu Wave màu xanh, biển kiểm soát 59X2-595.12.
Đây là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, có vũ khí và rất manh động, không loại trừ khả năng đối tượng sẽ đến các địa phương khác để ẩn náu.
Thanh Hóa: Triệu tập người phụ nữ phao tin giả "phun thuốc ngừa dịch cúm corona trên bầu trời toàn quốc"
Đối tượng Tr. tại cơ quan chức năng. Ảnh: Pháp luật TP.HCM |
Ngày 1/2, Công an TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã làm việc với Hà Thị Việt Tr. (25 tuổi, phường Nam Ngạn, TP.Thanh Hóa) để làm rõ hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh virus corona trên trang Facebook cá nhân.
Cụ thể, ngày 31/1, Tr. đã đăng tải lên trang mạng xã hội cá nhân với nội dung: “Đêm nay nhà nước mình phun thuốc ngừa dịch cúm corona trên bầu trời toàn quốc nên mọi người hãy chia sẻ cho nhau. Không nên ra đường trong cung giờ từ 4-7 giờ 30 sáng mai 1/2/2020 nếu có việc phải ra đường thì nên đeo khẩu trang”.
Ngay sau khi đăng tải, nội dung thông tin trên này đã thu hút nhiều người quan tâm với hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ.
Nắm bắt được thông tin, Công an TP.Thanh Hóa phối hợp với phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an Thanh Hóa) vào cuộc xác minh, làm rõ và xác định chính Tr. đã đăng tải thông tin sai sự thật trên.
Tại cơ quan điều tra, Hà Thị Việt Tr. đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật của mình, đồng thời gỡ bỏ bài viết trên Facebook và cam kết không tái phạm.
Công an TP.Thanh Hóa đã lập biên bản vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, bộ Y tế nhận được rất nhiều tin nhắn của người dân về việc "Hà Nội có phun thuốc trên bầu trời buổi tối không", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị xử lý nghiêm các tin đồn thất thiệt kiểu này và đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp thu gom, đầu cơ, tăng giá trang thiết bị y tế như khẩu trang y tế.
Về việc Hà Nội triển khai phun thuốc khử trùng tại các trường học, Thứ trưởng bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành cũng nên phun thuốc khử trùng ở các trường học, cơ quan...
Thừa Thiên Huế: Nam thanh niên chiếm đoạt 2,6 tỷ đồng từ ví điện tử
Sáng ngày 31/1, phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị này hiện đang bắt giữ đối tượng Võ Anh Tuấn (SN 1996, trú tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) để điều tra hành vi thu thập, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền từ các ví điện tử.
Tại thời điểm Tuấn bị bắt giữ, công an thu giữ được 2 thiết bị số kích hoạt sim điện thoại, 3 bộ phát 3G; 2.011 sim điện thoại cùng nhiều thẻ ngân hàng.
Theo Cơ quan chức năng, Tuấn từ Quảng Bình vào TP Huế và thuê phòng tại chung cư sinh viên Thanh Lịch (số 160 Thái Phiên, phường Thuận Lộc).
Từ tháng 4/2018, Tuấn đã mua số lượng lớn sim rác điện thoại di động. Sau đó, Tuấn lên Facebook đăng tin tuyển người cần tiền mà chỉ cần làm việc qua mạng tại nhà.
Tiếp đó, Tuấn tìm mua số lượng lớn sim điện thoại sau đó đăng tìm trên các diễn đàn Facebook những người có nhu cầu cần tiền rồi thuê hoặc hướng dẫn người đó dùng CMND và số điện thoại do Tuấn cung cấp để mở tài khoản Internet banking tại các ngân hàng.
Sau đó, những thông tin tài khoản này được đưa cho Tuấn cùng mã OTP kích hoạt; mỗi trường hợp Tuấn trả 90.000 đồng/khách hàng, số tài khoản do Tuấn quản lý và sử dụng.
Cùng lúc này Tuấn thuê người quen làm việc tại một trường cấp 3 Quảng Bình lập danh sách các học sinh trong trường, hướng dẫn các em điền vào biểu mẫu ngân hàng và ủy quyền cho Tuấn mở tài khoản tại một số Chi nhánh ngân hàng Quảng Bình như Vietcombank, BIDV, Abbank.
Để tạo tài khoản ngân hàng số lượng lớn nhưng không cần phải đến ngân hàng làm thủ tục, Tuấn đã cùng với một cán bộ ngân hàng sử dụng thông tin cá nhân trên để kê khai, đăng ký.
Tuấn chi khoảng 195.000đ/ví điện tử và được hưởng lợi từ 350 đến 700.000 đồng/ví, tùy thuộc vào chương trình khuyến mãi trong từng thời điểm của các ví điện tử.
Quá trình điều tra xác định, từ tháng 4/2018 đến nay, Võ Anh Tuấn đã mua 2.011 sim đăng ký không chính chủ để tạo gmail và thu thập 1.792 thông tin tài khoản ngân hàng tương ứng với 1.791 sim điện thoại, mỗi tài khoản ngân hàng có thể kích hoạt được 3 ví điện tử Momo, Airpay, Zalopay và thu lợi bất chính trên 2,6 tỷ đồng.
Tại thời điểm bị bắt giữ, lực lượng Công an còn thu giữ được 2 thiết bị số kích hoạt sim điện thoại, 3 bộ phát 3G; 2.011 sim điện thoại cùng nhiều thẻ ngân hàng của Tuấn.
Hành vi của đối tượng Võ Anh Tuấn đã vi phạm vào Điều 2, Nghị định 49 năm 2017 của Chính Phủ về bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được đăng nhập sẵn thông tin, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước và có dấu hiệu thu thập, tàng trữ, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng vi phạm quy định tại Khoản 3, điều 291 Bộ luật hình sự.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bạch Hiền (t/h)