Hà Nội ghi nhận 19 ca mắc COVID-19 tại 7 quận huyện
Cụ thể, sáng ngày 20/7, sở Y tế Hà Nội cho biết, vừa ghi nhận thêm 9 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 gồm:
Trường hợp 1: Bệnh nhân V.T.H.N., nữ, sinh năm 1997, địa chỉ tại Láng Thượng, Đống Đa. Bệnh nhân làm việc tại nhà thuốc 95 Láng Hạ. Ngày 19/7, bệnh nhân xuất hiện đau họng, đi test nhanh có kết quả dương tính, kết quả xét nghiệm PCR cùng ngày khẳng định bệnh nhân dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Trường hợp 2: Bệnh nhân H.T.N.A., nữ, sinh năm 1997, địa chỉ tại Trung Liệt, Đống Đa. Bệnh nhân làm việc tại nhà thuốc 95 Láng Hạ. Ngày 18/7, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, ho, ngứa họng, chảy mũi. Ngày 19/7, kết quả xét nghiệm PCR khẳng định bệnh nhân dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Trường hợp 3: Bệnh nhân N.T.O., nữ, sinh năm 1979, địa chỉ tại Hạ Đình, Thanh Xuân. Bệnh nhân làm việc tại nhà thuốc 95 Láng Hạ. Ngày 19/7, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, rát họng, đau mỏi người, test nhanh dương tính, kết quả xét nghiệm PCR cùng ngày khẳng định bệnh nhân dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Trường hợp 4: Bệnh nhân N.T.L., nữ, sinh năm 1994, địa chỉ tại Bùi Thị Xuân, Hai Bà trưng. Bệnh nhân là người bán cơm gần nhà BN48651, bệnh nhân được lấy mẫu trong khu vực phong tỏa, ngày 19/7 có kết quả dương tính (CDC thực hiện).
Trường hợp 5: Bệnh nhân V.V.T., nam, sinh năm 1982, địa chỉ tại Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng. Bệnh nhân ở cùng tòa nhà với BN51220, được lấy mẫu trong khu vực phong tỏa, ngày 19/7 có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Trường hợp 6: Bệnh nhân N.H.L., nam, sinh năm 2013, địa chỉ tại Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng. Bệnh nhân là F1 (con) của BN55948. Ngày 18/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt. Ngày 19/7, bệnh nhân được lấy mẫu và có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Trường hợp 7-8-9: Bệnh nhân C.T.T., nữ, sinh năm 1992, địa chỉ tại An Thượng, Hoài Đức; bệnh nhân M.V.T., nam, sinh năm 1995, địa chỉ tại Hà Cầu; bệnh nhân N.T.H., nữ, sinh năm 1989, địa chỉ tại Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân. Cả 3 bệnh nhân là F1 (đồng nghiệp) của BN55953. Ngày 19/7, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Trường hợp 10: Bệnh nhân N.V.H., nam, sinh năm 1976, địa chỉ tại Sơn Đồng, Hoài Đức. Bệnh nhân là F1 của BN53858. Ngày 19/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Trường hợp 11-12: Bệnh nhân C.M.K., nam, sinh năm 2009 và bệnh nhân C.T.P.L., nữ, sinh năm 2017, có địa chỉ tại Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng. 2 bệnh nhân là F1 (con) của BN55947. Ngày 19/7, bệnh nhân có biểu hiện sốt, xét nghiệm cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Trường hợp 13: Bệnh nhân T.Đ.Q., nam, sinh năm 1999, địa chỉ tại Bạch Mai, Hai Bà Trưng. Bệnh nhân là con (F1) của BN55931. Ngày 19/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Trường hợp 14: Bệnh nhân V.T.M.T., nữ, sinh năm 1957, địa chỉ tại Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng. Bệnh nhân là F1 của BN51016. Ngày 19/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Trường hợp 15-16-17: Bệnh nhân N.Đ.D., nam, sinh năm 1991, địa chỉ tại Ngã Tư Sở, Đống Đa; bệnh nhân L.C.P., nam, sinh năm 1986, địa chỉ tại Phúc La, Hà Đông; bệnh nhân N.H.H.T., nữ, địa chỉ tại Trung Văn, Nam Từ Liêm. Cả 3 bệnh nhân là F1 (đồng nghiệp) của BN42319, được cách ly từ ngày 16/7. Ngày 19/7 các bệnh nhân có triệu chứng được lấy mẫu cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Trường hợp 18: Bệnh nhân T.T.H.M., nữ, sinh năm 1987, địa chỉ tại Trung Liệt, Đống Đa. Bệnh nhân là F1 (đồng nghiệp) của BN48656, được cách ly từ ngày 17/7. Ngày 19/7, bệnh nhân có triệu chứng, xét nghiệm cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Trường hợp 19: Bệnh nhân V.G.H., nam, sinh năm 2014, địa chỉ tại Yên Sở, Hoàng Mai. Bệnh nhân là F1 của BN55951. Ngày 19/7, bệnh nhân được xác định là F1 đồng thời đang có triệu chứng, xét nghiệm có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Hà Nội: Bắt giữ "trùm ma túy" Dũng "Cà Chua"
Mới đây, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) vừa triệt phá ổ nhóm ma túy tại nhà đối tượng Đỗ Tiến Dũng (SN 1978, biệt danh Dũng "Cà Chua") ở Yên Phúc, Phúc La, Hà Đông.
Ngoài ra Đỗ Tiến Dũng, Công an quận Hà Đông cũng tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Tuấn (SN 1984, trú tại Văn Quán, Hà Đông), Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1987, trú tại Quang Trung, Hà Đông) để điều tra hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy; tạm giữ Nguyễn Ngọc Ly (SN 1993, trú tại Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) để điều tra hành vi mua bán trái phép chất ma túy; tạm giữ Trần Đình Đông (SN 1987, trú tại Nguyễn Trãi, Hà Đông) để điều tra hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Công an xác định, Dũng "Cà Chua" liên quan đến nhiều hoạt động hình sự phức tạp, và thường xuyên tụ tập với các đối tượng nhân thân bất minh. Một trong những tụ điểm Dũng quây tụ đám bạn xã hội bất hảo, chính là nơi ở của gã.
Đỗ Tiến Dũng từng có 2 tiền án tội cố ý gây thương tích và tội Giết người; Trần Đình Đông có 1 tiền án tội Cố ý gây thương tích và 1 tiền sự về hành vi Tàng trữ trái phép chất ma túy; Nguyễn Thị Thu Trang có 1 tiền án về Tội mua bán trái phép chất ma túy.
Kết quả điều tra ban đầu, vào khoảng 9h45 ngày 14/7, Tổ công tác của Công an quận Hà Đông phối hợp với Công an phường Phúc La kiểm tra hành chính số nhà 12A ngõ 9A Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông.
Tại đây, công an phát hiện 4 đối tượng có biểu hiện sử dụng trái phép chất ma túy gồm: Đỗ Tiến Dũng, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Ngọc Ly, Trần Đình Đông.
Tang vật thu giữ 2 bộ tẩu hút tự tạo có dính Methamphetamine, 1 khẩu súng tự chế.
Các đối tượng khai nhận, rạng sáng ngày 14/7, đã tụ tập tại nhà Dũng để sử dụng trái phép chất ma túy do Ly chuẩn bị. Sau đó, Đông gọi điện cho Nguyễn Thị Thu Trang mang ma túy đến sử dụng cùng.
Tiến hành khám xét khẩn cấp ngôi nhà, Công an quận Hà Đông thu giữ 4 túi nilon chứa 25,357 Methamphetamine, 2 khẩu súng dạng bút, 25 viên đạn.
Tiếp tục khám xét khẩn cấp nơi ở của Trần Đình Đông tại Hà Trì 2, phường Hà Cầu, Công an quận Hà Đông thu giữ 1 cân điện tử có dính Methamphetamine, 6 túi nilon chứa 18,229 gam Methamphetamine, 1 túi nilon chứa 0,175 gam Ketamine, 1 túi nilon chứa 21 viên nén có 2,082 gam Methamphetamine, 1 khẩu súng bắn đạn ghém thuộc loại vũ khí quân dụng, 11 viên đạn ghém, 1 khẩu súng ổ quay, 46 viên đạn vỏ kim loại.
Hiện Công an quận Hà Đông đang tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định.
Thêm 3 triệu liều vaccine Moderna phòng COVID-19 sắp về Việt Nam
Tối 19/7, GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết trong tuần này Việt Nam sẽ nhận thêm 3 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Moderna. Đây là lô vắc-xin do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua cơ chế Covax.
Cũng trong tối 19/7, bộ Y tế cho biết Pfizer đã đồng ý tăng số lượng vaccine COVID-19 cung cấp cho Việt Nam trong Quý 3 từ 3 triệu lên 3,5 triệu liều và đồng ý bán thêm thêm 20 triệu liều trong năm 2021, nâng tổng số liều vaccine Pfizer dự kiến bán cho Việt Nam là 51 triệu liều, tăng 20 triệu liều so với kế hoạch.
Đến nay Việt Nam đã nhận hơn 10,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có tới 7,1 triệu liều là AstraZeneca; vaccine Moderna 2 triệu liều, Pfizer 194.200 liều...
Tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng 4.283.906 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó, số người đã được tiêm 1 mũi là 3.977.431 người, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 306.475 người.
Từ nay đến tháng 4/2022, Việt Nam sẽ triển khai Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với khoảng 150 triệu liều vaccine được tiêm cho 70% dân số (khoảng 75 triệu người).
GS.TS Đặng Đức Anh cũng cho biết thêm, trong quý 3 năm nay sẽ có khoảng hơn 26 triệu liều vaccine, quý IV là khoảng 65,5 triệu liều về Việt Nam.
Tổng cộng 2 quý là khoảng hơn 91,5 triệu liều, trong đó có khoảng 20 triệu liều vaccine Pfizer dành cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Bộ Y tế cho biết thêm, Việt Nam đã đạt được thoả thuận chuyển giao công nghệ vaccine của Mỹ và Nga cũng như thoả thuận hỗ trợ các đơn vị trong nước đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng và đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, khoa học, khách quan.
Diễn biến mới nhất vụ Phó Chủ tịch phường nói bánh mì là "không phải thiết yếu" ở Nha Trang
Tối 19/7, ông Trần Văn Đông, Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã phân công chủ tịch phường phụ trách tổ kiểm soát dịch COVID-19 thay ông Trần Lê Hữu Thọ.
Ông Thọ là Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, người nhận nhiều chỉ trích từ dư luận khi thu xe và giấy tờ của nam công nhân ra đường mua bánh mì trong thời gian giãn cách.
Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Hòa nói đây là sự việc rất đáng tiếc vì xảy ra trong giai đoạn dịch đang căng thẳng.
“Phường đã thống nhất cử Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thị Hà phụ trách nhiệm vụ của anh Thọ. Tạm thời anh Thọ phụ trách các chốt phong tỏa, cách ly trên địa bàn, không được đi ra đường kiểm tra như mọi hôm nữa”, ông Đông nói.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Hòa, ông Thọ là người xông xáo và luôn hết lòng vì công việc. “Có thể vì quá nóng vội trong việc xử lý vi phạm nên đã có những hành động và lời nói gây phản cảm như clip lan truyền trên mạng xã hội", ông Đông nói và cho biết khi vụ việc xảy ra, phường đã yêu cầu anh Thọ làm tường trình và nghiêm khắc kiểm điểm bản thân.
Để xảy ra sự việc như vừa qua, theo ông Đông, một phần vì chưa có cơ quan nào của tỉnh hay TP Nha Trang ra hướng dẫn về hàng hóa, thực phẩm thiết yếu khi giãn cách.
"Việc này khiến anh em suy nghĩ sai về các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu khi giãn cách theo Chỉ thị 16 dẫn đến áp dụng không chính xác", ông Đông giải thích.
Trong diễn biến khác có liên quan, báo Người lao động thông tin thêm, sau vụ lùm xùm "bánh mì không phải lương thực thiết yếu", chiều 19/7, sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội.
Văn bản do bà Phan Thị Thu Cúc, Phó Giám đốc sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, ký xác định hàng hóa thiết yếu bao gồm:
- Hàng thực phẩm tươi sống: thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản), rau củ quả (các sản phẩm từ rau củ quả) , trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng).
- Hàng công nghệ phẩm: Bánh, kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật, sữa các loại, mì gói và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của người dân, nước uống, nước ngọt đóng chai, thùng, lon…
- Thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, khẩu trang, sản phẩm dùng để rửa tay, tắm giặt, gội, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh.
- Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông như xăng dầu, gas, khí đốt và các nguyên, nhiên liệu khác phục vụ sản xuất, đời sống như dịch vụ cung cấp điện, nước; thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.
Về phần lương thực, văn bản này nêu rõ gồm: Gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn, bột, tinh bột (các sản phẩm từ tinh bột).
Trước đó, theo Tiền Phong, khoảng 15h30 ngày 18/7, anh T.V.E. (công nhân làm việc trong công trường của một dự án du lịch ở phía Bắc TP. Nha Trang), đã đi ra ngoài mua bánh mì và nước uống. Khi đến đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh (thuộc phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang), anh E. bị lực lượng chức năng dừng xe và kiểm tra, xử lý vi phạm ra đường khi không cần thiết theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Trong clip đăng trên mạng xã hội, anh E. cho biết mình chưa nắm rõ quy định xử lý về việc thực hiện Chỉ thị 16, đang đi mua bánh mì cho một người bạn bị ốm và xuất trình giấy tờ đi lại làm việc tại một dự án du lịch ở phía Bắc TP. Nha Trang. Tuy nhiên, các cán bộ của tổ liên ngành phường Vĩnh Hòa đã thu giữ giấy tờ, đưa xe anh E. về phường xử lý. Một Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà đã quát tháo anh E., bảo rằng bánh mì không phải là “lương thực, thực phẩm thiết yếu” nên việc anh này đi mua là vi phạm quy định chống dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Vị Phó chủ tịch phường này còn quay clip sự việc, sau đó clip được đưa lên các trang mạng xã hội. Khi clip được đăng trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ ý kiến bất bình về việc lực lượng chức năng phường Vĩnh Hoà xử lý chưa phù hợp khi người dân đang đi mua thực phẩm, còn cán bộ phường Vĩnh Hoà có những lời lẽ chưa đúng mực với người dân.
Bạch Hiền (t/h)