Bé gái 6 tuổi bị vợ chồng cô ruột đánh đập tàn bạo
Sáng 17/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Tân Uyên (Bình Dương) cho biết vừa tạm giữ hình sự Đoàn Thị Biểu (SN 1989, quê An Giang) và Trần Văn Đông (SN 1992, quê Sóc Trăng, là chồng của Biểu) để điều tra, xác minh làm rõ hành vi bạo hành trẻ em xảy ra tại phường Tân Hiệp.
Nạn nhận trong vụ bạo hành là cháu Đ.T.T.V. (SN 2015, quê An Giang).
Trước đó, qua tiếp nhận thông tin của người dân về việc phát hiện đối tượng bạo hành trẻ em xảy trên địa bàn, Công an thị xã Tân Uyên khẩn trương vào cuộc.
Qua điều tra, công an xác định, bé V. được cha gửi cho cô ruột là Biểu cùng Đông chăm sóc để về quê có việc.
Thời gian gần đây, Biểu và Đông đã nhiều lần dùng tay và roi đánh đập cháu gái gây thương tích đầy mình.
Làm việc với công an, hai người này khai việc đánh cháu gái là do cháu thường xuyên tự ý bỏ ra ngoài vui chơi với bạn.
Qua vụ việc, Công an thị xã Tân Uyên đề nghị mỗi gia đình và cộng đồng xã hội cùng chung tay để bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Khi phát hiện xảy ra bạo lực và xâm hại trẻ em, cần nhanh chóng thông báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.
Đồng Nai: Phong tỏa một xã hơn 41.000 dân để phòng dịch COVID-19
Chiều ngày 16/7, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định phong tỏa xã Thạnh Phú kể từ 17h ngày 16/7 để ngăn chặn, dập dịch COVID-19, thời gian phong tỏa là 14 ngày. Xã Thạnh Phú có 5.159 hộ dân, với 41.456 nhân khẩu.
Cùng ngày, UBND huyện Vĩnh Cửu quyết định thiết lập vùng cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 tại xã Thiện Tân. Cụ thể, UBND huyện Vĩnh Cửu đã quyết định phong tỏa tại khu vực Km13+513 đến Km14+947 đường ĐT768 đến giáp ranh phường Trảng Dài, có chiều dài khoảng hơn 862m thuộc một phần ấp Ông Hường, xã Thiện Tân gồm 1.351 hộ, 6.846 nhân khẩu. Thời gian thực hiện cách ly y tế là 14 ngày kể từ 17h ngày 16/7.
Cả hai khu vực này bị phỏng tỏa là do liên quan đến chùm ca bệnh tại Công ty Changshin.
Theo đánh giá của sở Y tế, Công ty Changshin có số ca dương tính lớn và xuất hiện ở nhiều xưởng cho thấy đã có sự lây nhiễm thứ phát và lan rộng trong công ty. Đồng thời có sự lây lan ra ngoài cộng đồng tại nhiều địa phương mà người lao động của công ty này đang sinh sống.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai cũng phong toả khu dân cư thuộc 2 xã Bắc Sơn và Hố Nai 3 (trừ 2 khu công nghiệp Sông Mây và Hố Nai, huyện Trảng Bom). Thời gian phong tỏa là 14 ngày, tính từ 0h ngày 17/7.
Trong ngày 16/7, huyện Trảng Bom có thêm 5 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca bệnh toàn huyện lên 34 ca. 5 ca mới này liên quan đến Công ty Namyang ở xã Bắc Sơn và người dân Hố Nai 3 thường xuyên đi chợ đầu mối Tân Biên (TP Biên Hòa).
Bà Vũ Thị Minh Châu- Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, cho biết các công ty nằm trong khu vực phong tỏa vẫn có thể sản xuất nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, 100% công nhân phải được test nhanh thường xuyên 3 ngày/lần.
Hải Phòng: Ghi nhận 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2
Sáng 17/7, sở Y tế Hải Phòng thông tin trên địa bàn vừa phát hiện 3 ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 2 trường hợp là lái xe từ Bà Rịa - Vũng Tàu về.
Các ca bệnh được xác định gồm: N.H.D. (SN1985), có địa chỉ ở Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu, hành nghề lái xe container; và H.Tr.Tr. (SN1973), có địa chỉ tại Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu, làm nghề lái xe container.
Trong 14 ngày qua, họ đi Vũng Tàu và TP.HCM.
Ngày 12/7, họ có kết quả test nhanh âm tính và đi từ Bà Rịa - Vũng Tàu ra Hải Phòng.
Ngày 15/7, tại chốt cầu Nghìn (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng), 2 người có khai báo y tế và được lực lượng chức năng cho vào.
Chiều ngày 16/7/2021, 2 bệnh nhân đi taxi tới Bệnh viện Đại Học Y Hải Phòng làm xét nghiệm để quay về Vũng Tàu. Khi có kết quả SARS-CoV-2 dương tính, 2 bệnh nhân đã được chuyển vào khoa Nhiệt đới Bệnh viện Việt Tiệp 2 để cách ly theo dõi, hiện sức khỏe ổn định.
Trường còn lại là anh N.V.V. (29 tuổi, quê huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nghề nghiệp công nhân.
Từ ngày 6/7 đến 12/7, anh V. về quê ở Hà Tĩnh. Ngày 12/7, anh đi xe khách Ngọc Tín từ Kỳ Anh ra Hải Phòng và đến bến xe Cầu Rào lúc 4h30 ngày 13/7.
Từ 13/7 đến nay, bệnh nhân ở tại khu công nghiệp phường Đông Hải 2, quận Hải An. Tối 16/7, người bệnh thấy ốm mệt đến Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng làm xét nghiệm, có kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Việt Tiệp 2 cách ly, theo dõi điều trị.
Sau khi phát hiện bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, ngành y tế đã phối hợp với các địa phương phun thuốc khử khuẩn khu vực liên quan và tiếp tục truy vết trường hợp F1, F2.
Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng đã thực hiện cách ly 6 nhân viên y tế có tiếp xúc bệnh nhân.
Cũng trong ngày 17/7, UBND TP.Hải Phòng quyết định thành lập 2 chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 liên ngành, để kiểm soát hướng vào TP bằng đường bộ tại khu vực chân cầu Dinh, huyện Thủy Nguyên (tiếp giáp thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), và tại khu vực chân cầu Quang Thanh, huyện An Lão (tiếp giáp huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), kể từ 18 giờ ngày 17/7/2021.
Tại các chốt kiểm soát, lực lượng công an thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông, dừng các phương tiên; lực lượng quân sự, y tế tập trung kiểm tra đối với người và phương tiện, thực hiện khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt và những biện pháp phòng, chống dịch bệnh...
Ngoài ra, UBND TP đề nghị UBND các huyện Thủy Nguyên, An Lão khẩn trương bố trí đầy đủ trang thiết bị và cơ sở vật chất đảm bảo cho chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 liên ngành hoạt động từ 6h ngày 17/7.
TP.HCM: Không để các F0 lưu lại địa phương quá 12 giờ
Mới đây, ông Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM, vừa có văn bản khẩn gửi đến cơ sở y tế về việc điều chuyển các ca F0 và cấp cứu đến các bệnh viện điều trị COVID-19.
Theo đó, sở Y tế cho biết nhằm kịp thời điều chuyển các ca F0 giảm áp lực cho hệ thống y tế quận, huyện và giảm tỉ lệ tử vong đối với các trường hợp F0 chuyển nặng, nguy kịch, các cơ sở y tế phải nghiêm túc trong quá trình vận chuyển người bệnh đi cấp cứu.
Trung tâm Cấp cứu 115 phải điều phối các trường hợp F0 đến các bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19, tiếp nhận các trường hợp nhiễm COVID-19 trong trường hợp cấp cứu đến các bệnh viện điều trị COVID-19.
Sử dụng các phần mềm điều phối y tế thông minh của sở Y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển các trường hợp F0 vào các bệnh viện điều trị COVID-19, không để các trường hợp F0 lưu lại tại địa phương quá 12 giờ.
Đối với những trường hợp F0 còn tồn đọng kéo dài tại các trung tâm y tế quận huyện do có hoàn cảnh đặc biệt (điều trị methadone, già yếu neo đơn...) thì liên hệ với sở Y tế để giải quyết.
Xe cấp cứu của các bệnh viện tư nhân, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố tự nguyện đăng ký tham gia vào công tác vận chuyển người bệnh COVID-19 khi có sự điều động.
Các bệnh viện điều trị COVID-19 phải khẩn trương triển khai đủ số giường được sở Y tế giao, đảm bảo luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh.
Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải có trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của thành phố, tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân nặng, tuyệt đối không được từ chối nếu còn khả năng tiếp nhận điều trị.
Trước tình hình thu dung số lượng F0 lớn trong khi mỗi bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID-19 chỉ có 1-2 xe cứu thương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp cứu khi có bệnh nhân trở nặng, cần chuyển lên tuyến trên, sở Y tế TP.HCM quyết định sử dụng xe của Công ty CP xe khách Sài Gòn (SaiGonBus) để chở người bệnh COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng từ khu cách ly về bệnh viện điều trị.
Các xe này cũng chuyển người bệnh xuất viện về Trung tâm y tế để quản lý hoặc những tình huống chống dịch khác.
Sở Y tế giao Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM chủ động liên hệ SaiGonBus thực hiệp hợp đồng thuê xe, đáp ứng nhu cầu thực tế công tác phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả.
Tổ chức tập huấn cho lực lượng tham gia vận chuyển của SaiGonBus sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, quy trình vệ sinh khử khuẩn phương tiện - thiết bị trong quá trình tiếp nhận, chở người bệnh.
Bạch Hiền (t/h)