TP.HCM: Bị truy đuổi, tên cướp tông vào dải phân cách bất tỉnh
Ngày 15/10, Cơ quan CSĐT Công an quận 3 (TP.HCM) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Văn Tưởng (26 tuổi, quê Sóc Trăng) về tội Cướp tài sản.
Trước đó, tối ngày 9/10, Tưởng cho anh H. (24 tuổi) đi nhờ xe đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 3) để câu cá.
Đến 21h20 cùng ngày, Tưởng lấy điện thoại, rồi dùng tay đẩy anh H. té xuống kênh, rồi lên xe máy định tẩu thoát. Do biết bơi, nên anh H. leo lên bờ, giằng co với tên Tưởng và tri hô.
Nghe tiếng hô hoán, người dân đã truy đuổi tên cướp. Bị truy đuổi, khi tới đoạn đường Trường Sa – Út Tịch, Tưởng lạng tay lái nên lao xe vào dải phân cách bê tông bất tỉnh.
Công an sau đó đưa Tưởng đi cấp cứu, tạm giữ tang vật vụ án.
Sau khi được sơ cứu, Tưởng bị công an bắt về trụ sở để lấy lời khai. Qua làm việc, Tưởng thừa nhận hành vi phạm tội như trên.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định.
Đà Nẵng: Nhà hàng, rạp chiếu phim được mở lại từ 0h ngày 16/10
Chiều ngày 15/10, UBND TP. Đà Nẵng ban hành công văn hướng dẫn tạm thời việc áp dụng một số biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn. Thành phố xác định cấp độ dịch đối với 56/56 phường, xã là cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) và cho phép hàng loạt ngành nghề, dịch vụ được hoạt động trở lại từ 0h ngày 16/10.
Các nhà hàng (kể cả nhà hàng tiệc cưới), cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (gọi chung là nhà hàng, quán ăn) chỉ được phục vụ tối đa 50% công suất và không quá 200 người cùng một thời điểm.
Tiếp tục tạm dừng hoạt động tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ làm đẹp (trừ cơ sở cắt tóc, gội đầu), karaoke, massage, quán bar, vũ trường, casino, điểm cung cấp dịch vụ Internet công cộng, trò chơi điện tử.
Cho phép hoạt động hội họp, tập huấn, hội thảo… do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở tôn giáo, thờ tự, tín ngưỡng tổ chức: Tập trung không quá 40 người; trường hợp có từ 95% số người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì tập trung không quá 120 người.
Tiệc đám hiếu, đám hỷ, liên hoan, tân gia... tổ chức tại nhà riêng: Tập trung không quá 30 người. Hoạt động tại rạp/phòng chiếu phim: Hoạt động tối đa không quá 50% công suất của rạp/phòng chiếu phim.
Hoạt động tại cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao tổ chức trong nhà: Tập trung không quá 40 người; trường hợp có từ 95% số người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì tập trung không quá 200 người.
Hoạt động tổ chức ngoài trời: Tập trung không quá 100 người; trường hợp từ 95% số người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì tập trung không quá 300 người.
Hoạt động các cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu phục vụ không quá 5 người cùng một thời điểm.
Thành phố yêu cầu người dân khi tham gia hoạt động trên phải tuân thủ 5K; có mã QR và thường xuyên sử dụng mã QR khi ra, vào các địa điểm, phương tiện giao thông công cộng và tại sự kiện đông người. Các cơ sở kinh doanh, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải có thiết bị kiểm soát mã QR.
Bộ Công an làm việc với một số nghệ sĩ liên quan đến hoạt động từ thiện
Chiều 15/10, Người Lao Động dẫn nguồn tin từ bộ Công an cho biết: cơ quan này đã mời bà Trần Thị Thủy Tiên (tức ca sĩ Thủy Tiên) đến làm việc về nguồn tiền từ thiện gây tranh cãi trên mạng xã hội thời gian qua.
Trước đó, bộ Công an cũng đã mời ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) và ông Huỳnh Trấn Thành (tức MC Trấn Thành) đến làm việc để xác minh vụ việc tương tự.
Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cho hay vụ việc đang trong quá trình điều tra theo đơn tố cáo, phản ánh một số nghệ sĩ lợi dụng việc quyên góp từ thiện, thiếu minh bạch trong quá trình giải ngân có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo thông tin trên Tri thức trực tuyến, để làm rõ vụ việc, bộ Công an đã gửi công văn đến một số tỉnh - thành, nơi các nghệ sĩ này phát tiền từ thiện, đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp chứng cứ, tài liệu, dữ liệu điện tử để đối chiếu.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đề nghị phía cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp rà soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tài khoản của một số nghệ sĩ làm từ thiện.
Cụ thể, cục C02 đề nghị các đơn vị trên cung cấp bản sao hồ sơ mở tài khoản và toàn bộ thông tin cá nhân liên quan đến chủ tài khoản của các tài khoản đã rà soát, xác định (nếu có); thống kê tổng số tiền giao dịch, số dư hiện có trong tài khoản, sao kê chi tiết tất cả những giao dịch của tài khoản từ thời điểm mở tài khoản đến nay; thông tin họ tên, địa chỉ của số tài khoản đối ứng, người nộp tiền vào và người nhận tiền từ các tài khoản nói trên.
Khánh Hòa: Người dân vùng xanh được tắm biển từ 16/10
Chiều ngày 15/10, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản Hướng dẫn về triển khai giai đoạn 2 Kế hoạch thích ứng an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh từ ngày 16/10.
Cụ thể, người dân ở "vùng xanh" được phép tắm biển, tập trung không quá 5 người/nhóm trên bãi biển; ở công viên bảo đảm khoảng cách 2m; không được bán hàng rong dọc tuyến công viên bờ biển.
Người có Thẻ xanh và Thẻ vàng COVID sẽ được đi lại, buôn bán, tập thể dục ngoài trời, họp hành, đi du lịch…
Ngoài ra, du lịch tỉnh Khánh Hòa được phép mở lại. Du khách được nghỉ dưỡng tại các khách sạn, resort biệt lập, bảo đảm phương án phòng dịch.
Từ ngày 18/10, các trường có thể cho học sinh THCS, THPT đi học lại. Nếu tình hình ổn định/ ngày 1/11, tỉnh Khánh Hòa sẽ cho phép học sinh mầm non, tiểu học đến lớp.
Tuyến vận tải liên tỉnh được khôi phục theo 2 giai đoạn: Từ 13 đến 20/10 và từ 21/10 đến 15/11.
Trong giai đoạn 1, vận tải đường bộ, đường thủy được phép hoạt động 50% số phương tiện và 50% số chỗ ngồi; tài xế phải có Thẻ xanh COVID-19, nếu Thẻ vàng COVID-19 thì có giấy test âm tính; phải đảm bảo nguyên tắc 5k….
Các hoạt động gồm: bar, vũ trường, karaoke, massage, trò chơi điện tử, rạp phim vẫn chưa mở cửa trở lại.
Bạch Hiền (t/h)