Xúc phạm Phật giáo, nam rapper bị xử phạt 45 triệu đồng
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Cao Thái- Chánh Thanh tra bộ VH-TT&DL cho biết: "Thanh tra Bộ đã ra quyết định xử phạt nhóm Rap Nhà Làm với mức phạt 45 triệu đồng" dựa theo Khoản 4 điều 13 của Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Đây là quy định xử phạt hành chính đối với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
Trước đó, ngày 8/10, lãnh đạo cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị Thanh tra Bộ xem xét, vào cuộc xử lý đối với các cá nhân, tổ chức lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung xúc phạm Phật giáo.
Thông tin ban đầu, dư luận xôn xao về việc tài khoản YouTube có tên “Huu Long” đăng tải video bài nhạc rap “Thích Ca Mâu Chí”. Đây là nội dung đã được kênh Youtube “Rap Nhà Làm” đăng tải trước đó. Bài rap có nội dung, hình ảnh xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm Khoản 2, Điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
"Thích Ca Mâu Chí" của nhóm Rap Nhà Làm bị phản ứng vì ca từ, hình ảnh xúc phạm Đức Phật và Phật giáo.
Sau khi vấp phải những ý kiến trái chiều của dư luận, nhóm đã xóa toàn bộ bài nhạc gốc trên mạng xã hội. Ngày 6/10, nhóm rapper này đến chùa Quán Sứ-trụ sở của T.Ư GHPGVN- để xin lỗi, sám hối.
Công an Hà Nội nói gì về việc chưa bỏ 22 chốt kiểm soát người ra vào?
Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Theo đó, toàn quốc tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19 và nhiều hoạt động, cơ sở kinh doanh được mở cửa dù có dịch.
Tuy nhiên đến sáng 14/10 - ngày đầu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới của Hà Nội, 22 chốt cửa ngõ ra vào Thủ đô vẫn được thực hiện để kiểm soát phương tiện ra, vào thành phố. Tại chốt kiểm soát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, hàng dài ô tô vẫn xếp hàng chờ làm thủ tục. Nhiều người phải xếp hàng để khai báo y tế và kiểm tra các giấy tờ liên quan. Việc kiểm soát được thực hiện ở cả chiều ra và vào Hà Nội.
Các loại giấy tờ mà người qua chốt cần phải xuất trình gồm giấy xác nhận xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ, giấy đi đường hoặc giấy xác nhận ra vào Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ công vụ, chống dịch.
Liên quan về 22 chốt ra vào cửa ngõ Thủ đô, một lãnh đạo Công an TP.Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng tạm thời vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát này.
Theo lãnh đạo Công an TP.Hà Nội, hiện chưa có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc bỏ chốt hay dừng kiểm tra xét nghiệm COVID-19 trước khi vào thành phố nên công an TP.Hà Nội chưa thể tháo chốt kiểm soát. Tuy nhiên, các chốt sẽ linh hoạt để tránh gây ùn tắc.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Công an TP cũng cho biết, vài ngày tới thành phố chưa có ý kiến thì đơn vị sẽ tự đề xuất, còn hiện tại vẫn duy trì các chốt để tiếp đón, phục vụ ăn uống đối với bà con đi xe máy từ vùng dịch đi qua Hà Nội, bàn giao cho công an các tỉnh.
Trước đó, từ 14/7, Công an Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai 22 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, ngõ tắt… để kiểm soát phương tiện, người dân vào thành phố. Đến ngày 21/9, Hà Nội quyết định nới lỏng các hoạt động sau 4 lần giãn cách xã hội, tuy nhiên, 22 chốt cửa ngõ vẫn được duy trì đến nay.
Hà Nội khôi phục lại vận tải hành khách liên tỉnh
Tối 13/10, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ký văn bản hoả tốc về việc triển khai theo lộ trình thí điểm hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ.
Theo đó, Hà Nội thống nhất với các tỉnh, thành phố để tổ chức ngay các tuyến đi/đến 7 địa phương gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, với tỷ lệ 5% số chuyến của các đơn vị hoạt động trên tuyến.
Về đường sắt, Hà Nội cũng đồng ý tổ chức 2 tuyến đi/đến Hà Nội gồm: Hải Phòng - Hà Nội và TPHCM - Hà Nội, các tuyến khác theo lộ trình thí điểm của bộ GTVT.
Về vận chuyển khách, hàng hóa bằng xe buýt, taxi, TP Hà Nội giao sở GTVT hướng dẫn tổ chức thực hiện theo quy định của Bộ, ngành liên quan và theo Công điện số 21 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chiều 13/10.
Theo đó, từ 6h ngày 14/10, xe buýt, xe taxi được hoạt động trở lại theo công suất và hướng tuyến do Sở GTVT hướng dẫn.
Tờ Sài Gòn giải phóng dẫn lời đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết, việc TP.Hà Nội đồng ý khôi phục lại vận tải khách liên tỉnh sẽ giúp mạng lưới vận tải hành khách hoạt động trở lại vì đầu mối với Hà Nội chiếm 70% số tuyến.
Ngoài ra, những ngày vừa qua, nhiều người dân có nhu cầu cấp bách phải di chuyển về Hà Nội để làm việc, chữa bệnh đang phải sử dụng các phương tiện xe hợp đồng trá hình hoạt động chui với giá vé gấp 5-7 lần so với giá vận tải công cộng. Việc nối lại vận tải khách liên tỉnh sẽ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.
TP.HCM: Truy tìm thanh niên liên quan vụ tai nạn chết người
Công an quận 12 (TP.HCM) cho biết đang phối hợp các đơn vị liên quan điều tra vụ tai nạn giao thông khiến một người tử vong tại giao lộ Huỳnh Thị Hai - Dương Thị Mười, phường Tân Chánh Hiệp.
Công an cho hay, vào khoảng 14h15 ngày 10/10, bà Bùi Thị Liên (36 tuổi, ngụ quận 12) chạy xe máy mang biển kiểm soát 72V2-1969 trên đường Dương Thị Mười.
Đến giao lộ Huỳnh Thị Hai, phường Tân Chánh Hiệp, bà Liên va chạm với một nam thanh niên (chưa rõ danh tính) chạy xe máy mang biển số 51xx-6666.
Sau tai nạn, nam thanh niên điều khiển xe máy rời khỏi hiện trường. Bà Liên được đưa vào bệnh viện Quân Y 175 cấp cứu nhưng đã tử vong.
Liên quan đến sự việc, Tuổi Trẻ Online cho hay, ngay sau khi nhận được tin báo, Công an quận 12 sau đó có mặt, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan khám nghiệm hiện trường, trích xuất hình ảnh từ camera để điều tra.
Để phục vụ việc xử lý, Công an quận 12 phát đi thông tin yêu cầu nam thanh niên điều khiển xe máy biển số 51xx - 6666 mau chóng liên hệ với Công an quận 12 giải quyết vụ việc.
Ai biết thông tin về vụ tai nạn hay nhân thân của nam thanh niên trên liên hệ đến Công an quận 12 để cung cấp thông tin phục vụ điều tra.
Bạch Hiền (t/h)