Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 1/5/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 1/5/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Giám đốc sở Y tế Quảng Nam giải trình vụ mua máy xét nghiệm Covid-19 giá hơn 7 tỷ đồng
Ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc sở Y tế Quảng Nam. Ảnh: Dân trí |
Chiều 29/4, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp để nghe báo cáo về công tác mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động được mua với giá hơn 7,2 tỉ đồng khiến dư luận xôn xao.
Trình bày với lãnh đạo tỉnh về việc máy xét nghiệm Realtime PCR được mua với mức giá "trên trời" - hơn 7 tỷ đồng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Hai cho biết, việc mua máy là nhu cầu và cấp thiết kể từ thời điểm phát hiện ca bệnh thứ 17 (tại Hà Nội). Lúc đó Quảng Nam chưa có máy xét nghiệm này nên luôn phải gửi mẫu đi Hà Nội, Nha Trang làm xét nghiệm, 2,5 – 3 ngày mới có kết quả. Trong khi đó, từ ngày 16/3, Quảng Nam được xác định ở trong tình huống nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 rất cao, khi liên tiếp có các ca bệnh thứ 31, 33, 57 trên địa bàn.
Từ ngày 3-15/3, ngành y tế tỉnh liên tục lấy mẫu các trường hợp để xét nghiệm vì tình trạng quá tải ở Viện Pasteur Nha Trang. Ngày 13/3, sở Y tế có tờ trình gửi UBND tỉnh đề xuất mua máy xét nghiệm Realtime PCR tự động. Ngày 6/3, thường trực UBND và Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc họp, thống nhất mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động từ nguồn ngân sách địa phương để phục vụ công tác chống dịch.
“Chủ trương mua sắm được quyết định kịp thời vì yêu cầu của công tác chống dịch, việc xét nghiệm tại chỗ trở nên bức thiết. Diễn biến dịch cũng cho thấy phải tăng cường lấy mẫu xét nghiệm”, ông Hai phát biểu.
Lãnh đạo Quảng Nam thống nhất, trong vòng chưa tới 20 ngày phải cải tạo cơ sở hạ tầng phòng xét nghiệm đủ chuẩn, đào tạo nguồn nhân lực… để có thể xét nghiệm tại địa phương. Từ ngày 1/4, Quảng Nam đã tiến hành trên 3.800 lượt xét nghiệm.
Cũng theo ông Hai, hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động cũng được sử dụng để xét nghiệm một số bệnh truyền nhiễm khác như HIV, HCV, HBV, MTB, lậu, giang mai…
Giám đốc sở Y tế Quảng Nam cũng nêu các căn cứ, trình tự thủ tục để trang bị máy đúng các quy định của pháp luật. Sở Y tế đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn vì nếu đấu thầu rộng rãi sẽ tốn rất nhiều thời gian, không đảm bảo cho việc xét nghiệm phục vụ công tác chống dịch…
Về vấn đề giá máy, sở Y tế Quảng Nam đã xem xét 3 báo giá của 3 đơn vị, trong đó, đơn giá 7,56 tỷ/máy là thấp nhất, do Công ty CP thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt báo giá. Các cơ quan cũng đối chiếu mức giá này với giá trúng thầu của các địa phương đã mua sắm hệ thống thiết bị tương tự trước đó là sở Y tế Quảng Ninh (8,4 tỷ đồng, kí hợp đồng ngày 1/3), CDC Hà Nội (7 tỷ đồng, kí hợp đồng ngày 3/3).
Từ những căn cứ đó, sở Y tế trình sở Tài chính tỉnh thẩm định dự toán. Cuối cùng, sở Y tế đàm phán lại, "chốt" được mức giá máy còn 7,23 tỷ đồng. Trong quá trình chạy thử máy xét nghiệm Realtime PCR tự động, sở Y tế chưa nghiệm thu, chưa tạm ứng cho đơn vị cung cấp máy.
Liên quan tới sự việc này báo Tuổi trẻ đưa tin, bà Lê Thị Tuyến - Giám đốc Công ty Giải pháp Việt, đơn vị trúng thầu gói máy xét nghiệm trên cho biết, từ tháng 3/2020, công ty đã chủ động gửi báo giá và cấu hình máy tới sở Y tế Quảng Nam với nguyện vọng chung tay phòng chống dịch.
Vào thời điểm này, các trang thiết bị máy móc, vật tư y tế đang thiếu hụt nghiêm trọng, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Và công ty may mắn qua các đối tác của mình đã thu xếp được để có nguồn máy chất lượng cung cấp cho sở Y tế Quảng Nam.
Theo bà Tuyến, giá đầu vào theo chào hàng lần đầu từ công ty nhập khẩu thiết bị đối với riêng hệ thống máy xét nghiệm là 5,2 tỷ đồng, chi phí hóa chất 550 triệu đồng, các chi phí khác khoảng 50 triệu đồng.
Giá thực hiện hợp đồng trọn gói với sở Y tế Quảng Nam là 7,23 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của công ty theo hợp đồng là 1,43 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận của công ty sau khi bán máy cho Quảng Nam là 14,5%.
Cũng tại cuộc họp, bà Tuyến đã đề xuất giảm giá hợp đồng xuống còn 4,8 tỉ đồng. Bà cho biết sau khi đàm phán, thương lượng lại, phía công ty nhập khẩu đã đồng ý giảm giá bán thiết bị cho công ty. Công ty Giải pháp Việt nhất trí giảm tỉ suất lợi nhuận xuống còn 0% như một sự đóng góp của công ty để chung tay phòng chống dịch ở tỉnh Quảng Nam. Bà cũng khẳng định rằng "công ty không nâng giá".
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã ký quyết định giao Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện về các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch COVID-19, trong đó có gói mua sắm hệ thống xét nghiệm, yêu cầu đến ngày 20-5 báo cáo cho UBND tỉnh.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Hơn 100 "quái xế" đua xe gây náo loạn quốc lộ 51
Rạng sáng 30/4, trên quốc lộ 51 (đoạn thuộc phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu), hàng trăm "quái xế" từ nhiều tỉnh thành đã tập trung về nẹt pô, biểu diễn tốc độ, đua xe trái phép.
Sau khi tập trung đông đủ, cả nhóm bắt đầu vào cuộc tranh tài. Bất ngờ, hàng chục CSGT, cảnh sát hình sự, lực lượng cơ động Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện, vây bắt.
Ngay sau khi phát hiện có lực lượng công an, các "quái xế" bỏ chạy tán loạn. Lúc này, một tổ công tác khác đang chốt chặn trên quốc lộ 51, gần tuyến đường vào khu công nghiệp Mỹ Xuân A1, thị xã Phú Mỹ, dùng ôtô tải chặn để ngăn nhóm đua xe này.
Nhóm đua xe lập tức quay đầu chạy ngược chiều, lực lượng cảnh sát đã phải nổ súng trấn áp, yêu cầu dừng xe.
Một số "quái xế" chạy vào các hẻm nhỏ, giấu xe ở nhà người dân, quán cà phê và bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ.
CSGT đã lập biên bản tạm giữ 10 "xế độ" đã được thay đổi kết cấu, hình dạng.
Nhiều người vi phạm cũng bị lập biên bản để xử lý, trong đó có một số trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe máy.
Thông tin từ một lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị đã nắm được thông tin có nhóm thanh niên tụ tập đua xe trên quốc lộ 51 trước đó nên triển khai lực lượng mật phục. Khi nhóm này xuất hiện thì lực lượng chức năng ập vào bắt giữ.
“Nhóm đua xe này rất manh động, sẵn sàng lao xe vào lực lượng làm nhiệm vụ để chạy thoát. Quốc lộ 51 thành điểm quen thuộc của nhiều thanh niên tìm đến đua xe gây mất an toàn giao thông và bất an cho người dân trong thời gian vừa qua”, vị này cho biết.
Nhiều nơi ở Quảng Bình xảy ra rung chấn do động đất
Quảng Bình lần đầu xảy ra rung chấn. Ảnh: Tuổi trẻ |
Trưa 30/4, ông Nguyễn Xuân Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - xác nhận, trên địa bàn có xảy ra rung chấn do động đất, kéo dài vài giây, nhưng may mắn không gây thiệt hại gì.
Trận rung chấn này được cho là do động đất, xảy ra tại khu vực phía đông huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hiện tượng rung chấn lần đầu tiên xảy ra tại Quảng Bình.
Theo ông Đạt, nơi ghi nhận trận động đất là khu vực hồ Bàu Sen, trước trụ sở trung tâm hành chính mới của địa phương này.
Tuổi trẻ cho hay, người dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cảm nhận được một rung chấn kéo dài khoảng 5 giây. Một số người tại vùng Phong Nha - Kẻ Bàng còn nghe thấy tiếng nổ trong lòng đất trước khi có rung lắc. Ngay tại thành phố Đồng Hới, nhiều người cũng cảm nhận được rung chấn này và khá lo lắng.
Các cơ quan chuyên môn tại Quảng Bình, hiện tượng rung chấn này được Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) đo được ở độ sâu 8,4km. Trận động đất xảy ra lúc 0h26 ngày 30/4 tại tọa độ 17.790N-106.400E. Trận động đất có độ lớn: M = 3.6. Cấp độ RRTT: 0.
Viện vật lý địa cầu đánh giá các rung lắc lan truyền đến Đồng Phú, Đồng Hới, dư chấn lan đến huyện Quảng Ninh.
Hà Nội: Xử phạt cửa hàng không thiết yếu mở trước 9h, lấn chiếm vỉa hè
Chiều 29/4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, công tác phòng chống dịch phải là nhiệm vụ mà phải thực hiện mang tính chất kiên trì, kiên định, lâu dài.
Tiếp tục công tác tuyên truyền để người dân tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh một cách tự giác và yếu tố tự giác của người dân trong giai đoạn này sẽ là yếu tố quyết định đến sự thành công hay không.
Ông Nguyễn Đức Chung đề nghị việc đeo khẩu trang, ra vào nơi nào cũng phải sát khuẩn tay, giữ khoảng cách, đây là những điều cần trở thành nếp quen, hành động cụ thể khi ra nơi công cộng hay ở cơ quan, trường học, công sở, ngoài đường...
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu chính quyền các quận, huyện, thị xã phải tuyên truyền, vận động mọi người dân và cơ sở kinh doanh không được lấn chiếm lòng đường vỉa hè dưới bất cứ hình thức nào, đặc biệt là đối với quán trà đá, cà phê, bia hơi, tuyến phố lò rèn hay bán khung tranh ở Nguyễn Thái Học...
Không được lấn chiếm, do có lượng người tham gia giao thông đi bộ, khi lấn chiếm họ phải đi xuống lòng đường tạo ra ách tắc giao thông và nguy hiểm cho công tác phòng bệnh. Nhóm cửa hàng không thiết yếu mở cửa từ 9h sẽ giảm tải cho giao thông đầu giờ sáng. Yêu cầu cửa hàng này phải dán giờ mở cửa, còn thành phố hiện nay không quy định giờ đóng cửa trước mắt là thực hiện đến 31/12.
Ông Nguyễn Đức Chung giao cho BND các phường, Công an thành phố giao cho công an phường, thanh tra giao thông và cục quản lý thị trường đi kiểm tra đôn đốc và xử lý nghiêm tất cả các vi phạm của cửa hàng mở trước 9h, hay các cửa hàng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sẽ bị xử lý nghiêm.
Tại cuộc họp, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 42, Nghị định 41 và Quyết định 15, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội giao Chủ tịch UBND các các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm rà soát các nhóm đối tượng được bảo trợ trong giai đoạn này; đồng thời, khuyến khích các đơn vị tổ chức chi trả ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt nhắc nhở, trong dịp nghỉ lễ, tất cả các đội phản ứng nhanh, các cấp đã được phân công phòng, chống dịch tại các địa phương cấp thành phố đến xã phường phải đảm bảo chế độ trực 24/24/7.
Bạch Hiền (t/h)