Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 29/4/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 29/4/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Vụ Huấn "Hoa Hồng" bán "sách" dạy làm giàu: Không có nhà xuất bản "SG"
Huấn "Hoa Hồng" quảng cáo "cuốn sách" dạy làm giàu. Ảnh: Giao thông |
Ngày 28/4, cục Xuất bản – bộ TT&TT đã có văn bản gửi tới các sở TT&TT, cũng như các cơ quan chức năng liên quan để phối hợp làm rõ nghi vấn về việc sao in, phát tán qua mạng 2 sản phẩm của Bùi Xuân Huấn (tức Huấn "Hoa Hồng”) là "Đệ nhất kiếm tiền" và "Bí kíp kinh doanh online".
Cục đề nghị các sở TT&TT, đặc biệt là sở TT&TT TP.HCM phối hợp, tìm hiểu và làm rõ.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết, sau đó, nếu có sai phạm: sản phẩm xuất bản trái phép (không thực hiện xuất bản, không qua nhà xuất bản hoặc cơ quan có thẩm quyền, không có quyết định xuất bản theo quy định) thì sẽ có hình thức xử lý.
Cục Xuất bản cũng cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, trong đó có cơ quan về quản lý mạng xã hội để nếu như biểu hiện của Huấn là biểu hiện vi phạm pháp luật, lệch chuẩn về mặt văn hóa thì cần có các biện pháp để xử lý.
Trước đó, tối ngày 20/4, trang Fanpage có tới hơn 800 nghìn người theo dõi của Huấn "Hoa Hồng" livestream (phát trực tiếp) giới thiệu về 2 "cuốn sách" do chính Huấn viết mang tên "Bí kíp kinh doanh online" và "Đệ nhất kiếm tiền".
Bìa "cuốn sách" có in hình của Huấn "hoa hồng", bên dưới tên Nhà xuất bản SG. Huấn "hoa hồng" khẳng định "đang giúp hơn 5.000 người bán hàng kiếm được lợi nhuận khổng lồ". Giá bán công khai của 2 cuốn sách là 799.000 đồng.
Theo thông tin Huấn chia sẻ trên mạng xã hội, toàn bộ số tiền bán sách được dùng để ủng hộ từ thiện.
Ngoài bìa 2 cuốn sách Đệ nhất kiếm tiền và Bí kíp kinh doanh online của “Huấn Hoa Hồng” ghi tên Nhà xuất bản S.G.
Liên quan đến việc Huấn "Hoa Hồng" tung tin xuất bản sách dạy làm giàu, đại diện Cục Xuất bản, in và phát hành (bộ TT&TT) cho biết, đã nắm được thông tin ban đầu về sự việc này.
Trước mắt, Cục Xuất bản, in và phát hành đã rà soát và thấy, trong danh sách các nhà xuất bản được cấp phép không có tên nhà xuất bản S.G như Huấn quảng cáo .
Tây Ninh: Nhậu xong đi tắm kênh, người đàn ông đuối nước tử vong
Ngày 28/4, Công an Tây Ninh cho biết địa bàn vừa xảy ra một vụ đuối nước khiến nạn nhân tử vong do đi tắm kênh sau khi nhậu xong.
Thông tin ban đầu, vào lúc 16h45 ngày 27/4, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an Tây Ninh nhận tin báo có người bị đuối nước trên đoạn kênh TN17 (thuộc tổ 6, ấp Bình Lương, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành).
Danh tính nạn nhân được xác định là Lê Minh H. (SN 1988 ngụ khu phố Long Tân, phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành).
Cụ thể, anh H. cùng 2 người bạn nhậu sau đó cùng nhau tắm kênh nhưng không may bị đuối nước tử vong.
Tiếp nhận tin báo, phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an Tây Ninh nhanh chóng điều 12 cán bộ chiến sỹ và cùng các trang thiết bị chuyên dùng cứu hộ dưới nước đến ngay hiện trường.
Đến 17h45 cùng ngày, đội cứu nạn cứu hộ tìm được nạn nhân H. cách vị trí tai nạn khoảng 87m. Nạn nhân được đưa lên bờ và chuyển giao cho Công an huyện Châu Thành điều tra, xử lý.
Ăn nhầm nấm độc, 4 người trong cùng gia đình phải nhập viện cấp cứu
Bốn người trong gia đình nhập viện cấp cứu sau bữa ăn có nấm rừng. Ảnh minh họa |
Bốn bệnh nhân nhập viện là thành viên cùng một gia đình gồm: Hoàng Thị Giang, 65 tuổi; Nguyễn Thị Hoa, 35 tuổi: Nguyễn Thị Linh, 18 tuổi và Lâm Văn Tông, 23 tuổi.
Tất cả đều được nhập viện với các triệu chứng nôn nhiều lần, đau quặn bụng và đi ngoài. Sau khi được cấp cứu theo phác đồ điều trị ngộ độc, các nạn nhân này hiện đã qua cơn nguy hiểm, sức khỏe dần ổn định.
Theo thông tin ban đầu, trưa ngày 27/4, cả 4 nạn nhân ăn cơm tại nhà bà Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, trong bữa cơm có dùng nấm rừng để làm thức ăn. Đây là số nấm gia đình mua của người dân hái ở rừng về.
Trước đó, ngày 25/4, gia đình cũng mua 2kg nấm này để nấu ăn nhưng không bị ngộ độc, sau đó đến ngày 27/4 tiếp tục mua thêm 1kg nấm để nấu bữa trưa và xảy ra vụ việc đáng tiếc.
Theo bác sỹ Vi Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Na Rì, tại các tỉnh miền núi, tình trạng người dân sử dụng các loại nấm rừng làm thức ăn dẫn tới ngộ độc xảy ra khá phổ biến.
Bác sỹ Chấn khuyến cáo, người dân không nên ăn nấm rừng, vì dù nấm rừng đồng bào dân tộc sử dụng từ lâu nhưng chỉ có những người có kinh nghiệm mới nhận biết được. Do trên cùng một đám nấm ăn được vẫn có thể mọc xen nấm độc khiến nhiều người nhầm lẫn.
Mang chuông đi bán "đồng nát", Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện bị tạm đình chỉ công tác
Ngày 28/4, ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định vừa có báo cáo kết quả xác minh thông tin báo chí phản ánh về việc ông Võ Tuấn Khanh- Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thông tin- Thể thao huyện Tuy Phước mang chuông đồng trong kho bán "đồng nát".
Theo đó, UBND huyện Tuy Phước khẳng định, ông Võ Tuấn Khanh bán quả chuông đồng có trong kho của trung tâm là đúng sự thật. Tuy nhiên, quả chuông đồng có phải là chuông cổ hay không, quả chuông được ông Khanh chuộc về trả lại có phải là chuông gốc trước đó hay không thì chưa thể xác định được. Hiện nay, lời khai của các đối tượng có liên quan không thống nhất với nhau, nên chưa thể chứng minh.
UBND huyện Tuy Phước cho hay, ông Võ Tuấn Khanh là lãnh đạo cơ quan nhưng không minh bạch, rõ ràng với cán bộ viên chức, người lao động của trung tâm, khi triển khai việc bán và tự ý bán các công cụ, dụng cụ, vật dụng hư hỏng trong kho để sung quỹ cơ quan là sai quy định.
Sau khi báo chí đưa tin, ông Khanh có làm tường trình và khai báo với Tổ xác minh về sự việc trên. Tuy nhiên, ông Khanh khai báo không trung thực, gây khó khăn cho công tác xác minh để làm rõ… Quá trình xác minh phát sinh nhiều nội dung phức tạp cần làm rõ. Do đó, UBND huyện tạm đình chỉ công tác đối với ông Võ Tuấn Khanh và chỉ đạo cơ quan điều tra tiến hành làm rõ bản chất sự việc
Trước đó, ông Phạm Văn Long (từng làm bảo vệ kiêm thủ khoa Trung tâm Văn hóa- Thông tin- Thể thao huyện Tuy Phước) phản ánh về việc ông Khanh tự ý đem chiếc chuông để trong kho của cơ quan đi bán.
Ông Khanh sau đó giải trình, vào tháng 5/2019, ông cùng bộ phận kế toán kiểm tra các trang thiết bị, dụng cụ và yêu cầu dọn dẹp sạch sẽ, loại bỏ vật dụng hư hỏng, bán phế liệu sắt vụn và một quả chuông đồng.
Chiếc chuông bị đem bán “đồng nát” là chiếc chuông đã móp, mẻ, không sử dụng…Theo ông Khanh, quả chuông được bán không phải là chuông cổ.
Bạch Hiền (t/h)