Việt Nam thử nghiệm vắc xin xịt mũi phòng Covid-19 giai đoạn 3
Ngày 1/4, Viện Pasteur Nha Trang cho biết trên VietnamNet, dự kiến tuyển khoảng 3.000 tình nguyện viên, từ 18 tuổi trở lên thử nghiệm vắc xin giai đoạn 3 ở Khánh Hòa và Quảng Nam.
Những người đăng ký tham gia phải đảm bảo tiêu chí khỏe mạnh, bệnh nhẹ ổn định; tiêm liều vắc xin Covid-19 cuối cùng cách đây ít nhất 3 tháng; chưa từng nhiễm Covid-19 và sẵn sàng tuân thủ 4 lần thăm khám của nghiên cứu.
Thời gian thử nghiệm giai đoạn 3 kéo dài từ nay tới hết tháng 4. Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm dự kiến kéo dài một năm, từ ngày sử dụng vắc xin Covid-19 dạng phun sương xịt mũi.
Khi đăng ký, tình nguyện viên sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe, sau đó phun 2 liều vắc xin Covid-19 vào mũi, mỗi liều cách nhau 14 ngày. Họ sẽ được theo dõi sức khỏe trong một năm với bốn lần thăm khám sức khỏe định kỳ. Một tình nguyện viên nhận hỗ trợ 900.000 đồng/một lần thăm khám.
Theo lãnh đạo Viện Pasteur, các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 1 và 2 của vắc xin Covid-19 dạng phun sương xịt mũi đã chứng minh tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch tốt. Nghiên cứu được xem xét và phê duyệt của cơ quan quản lý các cấp và Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học.
Người dân có nhu cầu ứng tuyển có thể liên hệ trực tiếp Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố nơi đang sinh sống; Viện Pasteur Nha Trang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam hoặc liên hệ tư vấn qua các số điện thoại đường dây nóng.
Thử nghiệm phòng vaccine Covid-19 dạng phun sương xịt mũi giai đoạn 3 hiện có 5 quốc gia là Colombia, Philippines, Nam Phi, Indonesia và Việt Nam.
Quảng Trị dự kiến tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ tháng 4/2022
Theo Giáo dục & Thời đại, ban chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tỉnh Quảng Trị vừa ban hành kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn dự kiến diễn ra từ tháng 4/2022 tùy theo việc cung ứng vắc xin của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho tỉnh.
Đối tượng tiêm chủng là trẻ em độ tuổi từ 5 đến dưới 12 đang theo học tại các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS; trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 đang sống trên địa bàn nhưng không đi học, trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ vãng lai.
Các em sẽ được tiêm chủng bằng vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế phê duyệt cho lứa tuổi từ 5 đến dưới 12. Liều dùng và khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Dự kiến số lượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi toàn tỉnh Quảng Trị được tiêm vắc xin phòng Covid-19 là hơn 81.500 trẻ.
Việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được tổ chức tại 9 trung tâm y tế tuyến huyện; 125 trạm y tế các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; có thể tổ chức các điểm tiêm lưu động tùy theo điều kiện thực tế và phải đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập ít nhất 1 đội tiêm hỗ trợ cho các địa phương khi có lệnh điều động của Ban chỉ đạo.
Mục tiêu đặt ra là phấn đấu trên 95% trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ở địa phương sẽ được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19.
Dựng barie đón đầu bà con lên nương từ 5h sáng để tiêm phòng Covid-19
Thông tin trên VOV, một barie mới được dựng lên tại xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai nhằm phục vụ công tác tiêm phòng Covid-19.
Barie bên trên có gắn biển "Dừng lại tiêm Covid-19", dựng ngay đầu trục đường chính bà con thường xuyên qua lại. Bên cạnh là chốt tiêm phòng đặt nhờ một cửa hiệu tạp hóa, có bố trí cán bộ y tế.
Theo ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, chốt tiêm phòng này do chính quyền xã chủ động lập nên. 5h sáng mỗi ngày, chốt bắt đầu hoạt động để đón đầu bà con đi làm nương. Sau khi vận động, tuyên truyền cho người dân, cán bộ y tế sẽ tiến hành quy trình tiêm chủng. Người dân cũng đồng thuận với việc này.
Qua giai đoạn cao điểm, cơ bản hoàn tất tiêm cho bà con, chốt tự động được tháo dỡ.
Ông Quốc cho biết, nếu như ở các địa bàn vùng thấp bà con chủ động đăng ký đi tiêm, thậm chí còn khiếu nại khi chưa được tiêm thì ở vùng cao Sa Pa hoàn toàn ngược lại. Trong tháng 3 đến hết ngày 4/4, thị xã tập trung tiêm "vét" cho khoảng 6.500 trường hợp còn lại của Chiến dịch mùa xuân.
Ngoài một bộ phận dân cư ở trung tâm thị xã, bà con các khu vực xung quanh phần đông là đồng bào thiểu số, kinh tế khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên việc tiêm phủ vaccine là một thách thức lớn đối với chính quyền, đặc biệt đối với Sa Pa là địa bàn trọng điểm về du lịch.
Được biết, không chỉ riêng Sa Pa, một số huyện vùng cao khác của Lào Cai như: Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai cũng gặp khó khăn trong quá trình triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, phải linh hoạt bằng nhiều biện pháp như tiêm lưu động trên nương, tiêm tại thôn bản nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Đến nay, tỷ lệ tiêm phủ 2 mũi vaccine của Lào Cai đạt 98,6 đối với người từ 18 tuổi trở lên, đạt 94,5 đối với người từ 12 - 17 tuổi. Số ca mắc mới Covid-19 của Lào Cai những ngày gần đây cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Việt Hương (T/h)