Hà Nội: Thêm 6 quận cho học sinh học trực tuyến hoàn toàn từ 27/12
Sở GD&ĐT Hà Nội có thông báo gửi trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP về việc cho học sinh lớp 9 và lớp 12 chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn từ ngày 27/12.
Kinh tế & Đô thị thông tin, sở GD&ĐT cho biết, căn cứ Thông báo số 851/TB-UBND ngày 24/12/2021 của UBND TP.Hà Nội về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP, có 8 đơn vị cấp quận, huyện, thị xã và 67 đơn vị cấp xã, phường có mức độ dịch cấp độ 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam; tăng 6 đơn vị cấp quận và 42 đơn vị cấp xã, phường so với trước).
Sở đề nghị trưởng các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên báo cáo UBND quận, huyện, thị xã xin ý kiến chỉ đạo và thông báo đến các trường THCS, THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên trên địa bàn các xã, phường, thị trấn nếu có mức độ dịch cấp độ 3 thì cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tạm dừng đến trường, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ ngày 27/12 cho đến khi có thông báo mới.
Như vậy, ngoài quận Đống Đa và Hai Bà Trưng hiện cho học sinh lớp 12 học trực tuyến hoàn toàn, Hà Nội có thêm 6 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ) cho học sinh lớp 12 tạm dừng đến trường, chuyển học trực tuyến từ ngày 27/12.
Được biết, trong 14 ngày gần đây, có 67 xã, phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng, phân bổ theo các quận, huyện thị xã như sau: Ba Đình (9 đơn vị), Đống Đa (11 đơn vị), Gia Lâm (1 đơn vị), Hà Đông (3 đơn vị), Hai Bà Trưng (12 đơn vị), Hoàn Kiếm (4 đơn vị), Hoàng Mai (12 đơn vị), Long Biên (3 đơn vị), Nam Từ Liêm (2 đơn vị), Tây Hồ (5 đơn vị), Thanh Trì (5 đơn vị).
TP.HCM yêu cầu tiêm vaccine cho F0 vừa khỏi bệnh
Tri thức trực tuyến cho hay, ngày 25/12, sở Y tế TP.HCM thông tin kết luận của Ban giám đốc sở trong buổi họp trực tuyến về Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ diễn ra mới đây.
Theo đó, sau 15 ngày triển khai chiến dịch, thành phố đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, số liệu tử vong đang giảm dần.
Sở cũng đánh giá số liệu về nhóm người nguy cơ rất quan trọng do được thu thập trực tiếp từ các mẫu phiếu "đi từng ngõ, gõ từng nhà". Tuy nhiên, một số quận, huyện còn chậm trong công tác triển khai cập nhật số liệu nhóm người nguy cơ.
Do đó, sở Y tế TP.HCM đề nghị BCĐ phòng, chống dịch các quận, huyện chỉ đạo quyết liệt việc nhập đầy đủ dữ liệu. Các địa phương có dữ liệu chưa đầy đủ cần nhập bổ sung ngay những nội dung còn thiếu, đồng thời phân công tên người chịu trách nhiệm nhập liệu.
Về công tác tiêm chủng, sở yêu cầu các địa phương thực hiện mũi 3 (mũi bổ sung và nhắc lại) và hoàn tất trong tháng 1/2022. Các quận, huyện và TP Thủ Đức phải thực hiện cao điểm tiêm mũi 3 cho cả nhóm nguy cơ, không nguy cơ sau khi đủ 3 tháng tiêm mũi 2.
Sở Y tế TP.HCM cũng lưu ý tất cả F0 vừa hoàn thành điều trị cần được tiêm vaccine ngay, không chờ đủ 6 tháng.
Theo sở, tất cả F0 thuộc nhóm nguy cơ phải được sử dụng gói thuốc C ngay trước khi đi cách ly và không phải có triệu chứng. Đối với F0 không thuộc nhóm nguy cơ, các địa phương cần cấp phát Molnupiravir khi họ có triệu chứng nhẹ.
Bà Rịa-Vũng Tàu cảnh báo tư tưởng "xả hơi" với dịch COVID-19
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin trên Tiền phong, tính từ 18h ngày 24/12 đến 18h ngày 25/12 tỉnh này ghi nhận 306 ca nghi mắc COVID-19 mới, đang chờ bộ Y tế cấp mã bệnh nhân.
Theo ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong thời gian qua tỉnh đã tổ chức triển khai đầy đủ Nghị quyết về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Nhận thức của người dân, các cấp, các ngành về dịch COVID-19 và kịch bản ứng phó với đại dịch COVID-19 đã nâng cao rất nhiều.
Trong thời gian tới, Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác mà phải dự báo đúng tình hình để có kế hoạch, phương án ứng phó phù hợp; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, giảm áp lực cho bệnh viện và cơ sở cách ly tập trung. Đối với những quy định "cứng" của bộ Y tế, các địa phương cần tuân thủ nghiêm đúng quy định.
Tuy nhiên, đối với những quy định bộ Y tế cho phép linh hoạt xử lý thì các địa phương tùy theo tình hình cụ thể có thể xử lý linh hoạt các trường hợp F0, F1 điều trị, cách ly tại nhà một cách phù hợp, bảo đảm an toàn gắn trách nhiệm với cơ quan liên quan. Tăng cường tuyên truyền thực hiện hiệu quả nguyên tắc "5K+ vắc xin + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân"; chủ động công tác phòng chống dịch COVID-19 trong các dịp lễ Tết dương lịch, Tết Nhâm Dần sắp tới; tăng cường thông tin các trường hợp nhập cảnh về tỉnh, nhất là các trường hợp đến từ các quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới Omicron.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa bàn, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao như bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, bến xe…; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không chủ quan, lơ là vì đã tiêm vắc xin phòng COVID-19; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch... "Thích ứng dịch bệnh không đồng nghĩa là tư tưởng "xả hơi"; nới lỏng chứ không buông lỏng”, ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh.
Việt Hương (T/h)