Mỹ bàn giao trang thiết bị và vật tư y tế giúp Việt Nam ứng phó biến thể Omicron
Ngày 25/3, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã bàn giao các trang thiết bị và vật tư y tế phục vụ tiêm vaccine trị giá 1 triệu USD cho Việt Nam để hỗ trợ công tác phòng chống COVID-19.
Thông tin trên PLO, các trang thiết bị và vật tư này do USAID tài trợ và được cung cấp thông qua UNICEF trong giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022, bao gồm 2,5 triệu xylanh, 125.000 khẩu trang N95 và 250 máy theo dõi bệnh nhân. Khoản tài trợ này đến rất kịp thời khi Việt Nam đang phải ứng phó với làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra.
Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, USAID và UNICEF đã cùng hợp tác với Bộ Y tế nhằm thúc đẩy hoạt động truyền thông và huy động sự tham gia của cộng đồng ở Việt Nam, đồng thời tăng cường các nỗ lực ứng phó đại dịch, phòng chống và kiểm soát lây nhiễm.
UNICEF, với tư cách là đối tác COVAX chính tại Việt Nam, đã chuyển giao vaccine phòng COVID do Chính phủ Mỹ tài trợ với tổng số hơn 33 triệu liều tính tới thời điểm hiện tại.
Bến Tre: Dịch bệnh tăng cao, 7/9 huyện phủ "vùng đỏ''
Ngày 25/3, Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết, từ sáng đến trưa ngày 25/3, trên địa bàn tỉnh phát hiện hơn 840 ca bệnh COVID-19 mới, trong đó phần đông là các ca nhiễm có liên quan đến lĩnh vực trường học. Nâng tổng số ca F0 có liên quan đến học đường hơn 15.340 ca. Đến thời điểm này, tỉnh Bến Tre có gần 68.000 ca F0 đã được điều trị khỏi; trên 15.700 trường hợp F0 đang điều trị.
Sở Y tế tỉnh Bến Tre cũng cho biết, qua đánh giá cấp độ dịch, toàn tỉnh ở cấp độ 4 (vùng Đỏ). Về cấp huyện có 7/9 huyện thành phố ở cấp độ 4, còn 2 đơn vị là Thành phố Bến Tre và huyện Mỏ Cày Bắc đang ở cấp độ 3 (vùng Cam). Cấp xã có 106 xã, phường, thị trấn cấp độ 4; 30 xã, phường, thị trấn cấp độ 3; 13 xã cấp độ 2, chỉ còn 2 xã cấp độ 1.
Hiện nay, công tác xử lý ổ dịch COVID-19 tại cơ sở ở tỉnh Bến Tre gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn kinh phí mua bộ kit test nhanh để tầm soát bệnh Covid-19.
Ông Đặng Ngọc Công Danh, Chủ tịch UBND xã An Đức, huyện Ba Tri cho biết trên VOV: "Dịch bệnh đang phức tạp, ca tăng nhiều; học sinh cũng tăng nhiều ngày nào cũng có F0. Bây giờ chủ yếu vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng chống. Ở vùng biển rất khó khăn, nhất là que test, F0 không có hỗ trợ nên chủ yếu vận động xã hội hóa chi phí không có. Bây giờ que thử COVID-19 rất khan hiếm''.
Phú Thọ: Tổ chức dạy học phù hợp với tình hình, diễn biến dịch COVID-19
Ngày 25/3, UBND tỉnh Phú Thọ đã có công văn số 963/UBND-KGVX về việc chỉ đạo tổ chức dạy học phù hợp với tình hình, diễn biến dịch COVID-19.
Theo đó, đối với giáo dục mầm non, các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình, điều kiện thực tế phối hợp với phụ huynh thống nhất phương án chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp, trên cơ sở tự nguyện và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với giáo dục Tiểu học, Trung học Cơ sở, UBND các huyện, thị, thành phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trực thuộc, phối hợp với cơ quan y tế đánh giá thực trạng về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn; quyết định hình thức tổ chức dạy học phù hợp (trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến từ ngày 28/3). Ưu tiên bố trí dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 9.
Đối với Trung học Phổ thông, Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND huyện, thị, thành thống nhất, quyết định việc tổ chức dạy học phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh đối với từng cơ sở giáo dục. Ưu tiên bố trí dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 12.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp (nếu có) phải đảm bảo an toàn, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Việt Hương (T/h)