Hà Nội xem xét tổ chức hoạt động bán trú cho học sinh
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc xem xét tổ chức hoạt động bán trú cho HS từ lớp 7 đến lớp 12 khi học trực tiếp tại trường.
Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các địa phương căn cứ tình hình dịch COVID-19, trên cơ sở kế hoạch tổ chức và nhu cầu hoạt động bán trú của các trường, các cơ sở giáo dục, xem xét và quyết định cho phép các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn được tổ chức hoạt động bán trú khi HS các khối lớp trên đi học trực tiếp.
Các trường, các cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình và điều kiện của từng đơn vị xây dựng phương án tổ chức hoạt động bán trú khi HS đi học trực tiếp để đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục của đơn vị và nguyện vọng của phụ huynh HS, chủ động báo cáo và xin ý kiến phê duyệt của UBND các quận, huyện, thị xã.
Công tác triển khai thực hiện dựa theo hướng dẫn tại Quyết định số 543/QĐÐ-BGDĐT ngày 23/2 của Bộ GD&ĐT về phê duyệt số tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học (sửa đổi, bổ sung lần 2) và Hướng dẫn liên ngành số 489/HDLN-SGDĐT-SYT ngày 28/2 của Sở GD&ĐT, Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch bảo đảm thích ứng, an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 khi HS trở lại trường học.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý, việc tổ chức hoạt động bán trú phải thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ HS. Các trường, các cơ sở giáo dục phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành giáo dục, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các HS trong cùng lớp và giữa các lớp.
Các trường phải ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ tại ngay tại lớp học; giãn cách tối đa theo điều kiện của từng lớp. HS ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn. Vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho HS ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường); bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định.
Sở này đề nghị các địa phương chỉ đạo các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện; Thủ trưởng các trường, các cơ sở giáo dục thông báo kịp thời đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS và cha mẹ HS được biết các nội dung trên.
Ca mắc COVID-19 giảm, Hải Phòng dừng hoạt động trạm y tế lưu động
Sáng 1/4, UBND TP.Hải Phòng thông tin, đại dịch COVID-19 tại thành phố đã đạt đỉnh điểm vào cuối tháng 2/2022, số ca mắc mới đang có xu hướng đi ngang và giảm dần.
Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, không lãng phí nguồn lực, tài chính nhưng vẫn đảm bảo công tác thu dung, điều trị người bệnh, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo dừng hoạt động các trạm y tế lưu động trong trường hợp có dưới 50 F0 đang điều trị tại nhà trên địa bàn xã/phường/thị trấn.
UBND TP.Hải Phòng giao UBND các quận, huyện rà soát lại hồ sơ, số lượng F0 đang điều trị. Các đơn vị bàn giao hồ sơ, bệnh án, thuốc và trang thiết bị... của trạm y tế lưu động cho các trạm y tế và trung tâm y tế trên địa bàn để đảm bảo tiếp tục phục vụ cho công tác quản lý, theo dõi F0 tại nhà, công tác thanh tra, kiểm tra và quyết toán khi cần thiết.
Bên cạnh đó, UBND TP.Hải Phòng giao các cơ sở y tế tại thành phố chủ động rà soát, xây dựng phương án phòng chống COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp; điều chỉnh số giường điều trị bệnh nhân COVID-19 phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.
Các đơn vị thu dung điều trị F0 nếu ít bệnh nhân được phép liên hệ và chuyển bệnh nhân đến các cơ sở thu dung, điều trị khác như: Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Trẻ em, Bệnh viện Kiến An, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Phổi và ngược lại.
UBND TP.Hải Phòng cũng yêu cầu dừng triển khai thí điểm phần mềm quản lý F0 tại nhà; giao Sở Y tế, Sở Tài chính hướng dẫn các đơn vị bàn giao hồ sơ, bệnh án, thuốc và trang thiết bị theo quy định.
Hà Tĩnh đang cách ly, điều trị cho 4.877 bệnh nhân COVID-19
Tính từ ngày 1/1/2022 đến nay, tổng số ca bệnh COVID-19 trên toàn tỉnh Hà Tĩnh là 40.792 người.
Các cơ quan y tế đã xét nghiệm 236 mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR, test nhanh 6.657 người để sàng lọc nguy cơ dịch trong cộng đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 xã, phường có mức nguy cơ dịch ở cấp 3; có 209 xã, phường nguy cơ dịch cấp 1 và cấp 2.
Dự báo tình hình dịch bệnh thời gian tới còn nhiều tiềm ẩn, ngành y tế đề nghị các địa phương, đơn vị và người dân tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp chống dịch để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài. Các địa phương tiếp tục rà soát những người trên 12 tuổi đủ điều kiện nhưng chưa tiêm vắc-xin để tuyên truyền, vận động tiêm vắc-xin.
Bên cạnh đó, các địa phương chủ động nhân lực, phương tiện, thuốc, vật tư, sinh phẩm… điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn. Tăng cường tập trung điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà, đưa vào cơ sở khám chữa bệnh các trường hợp thực sự cần thiết theo hướng dẫn chuyên môn ngành y tế; triển khai ngay và thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý F0 tại nhà.
Việt Hương (T/h)