F0 tăng nhanh, miền Tây xin hỗ trợ thuốc, oxy
Ngày 19/12, UBND TP.Cần Thơ gửi văn bản đến hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam về việc đề nghị hỗ trợ trạm oxy lưu động để phòng, chống dịch COVID-19.
Lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ thông tin trên Tri thức trực tuyến, từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, địa phương này ghi nhận khoảng 40.000 F0. Hiện, TP.Cần Thơ có hơn 2.000 bệnh nhân tại các cơ sở điều trị Covid-19, trong đó nhiều ca nặng và rất nặng ở tầng 2, 3.
Hiện, nhu cầu sử dụng oxy của TP.Cần Thơ rất cao nhưng nguồn cung ứng còn khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, UBND TP.Cần Thơ đề nghị hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sớm hỗ trợ trạm oxy lưu động.
Tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cho biết, sau khi địa phương đề nghị hỗ trợ 50.000 liệu trình thuốc Molnupiravir và 20.000 liệu trình Favipiravir, bộ Y tế đã phân bổ được 3.000 liều trình Molnupiravir để điều trị F0. Đối với việc xin hỗ trợ nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sẽ làm việc với tỉnh Cà Mau trong vài ngày tới để xem xét quyết định.
Riêng Bến Tre đang xem xét nâng cấp độ dịch của tỉnh. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên đạt 99%, mũi 2 hơn 94%.
Thái Bình đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19
Báo Nhân dân thông tin, từ sáng 19/12, tỉnh Thái Bình tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 đợt 30 chỉ trong thời gian hai ngày. Đây là thời điểm địa phương triển khai tiêm “thần tốc” để bảo đảm kế hoạch phủ kín hai mũi tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 12 năm nay.
Theo sở Y tế tỉnh Thái Bình, đợt tiêm này tỉnh sử dụng 49.400 liều vaccine AtraZeneca do bộ Y tế phân bổ cho đối tượng đã tiêm mũi 1 AtraZeneca (kể cả ở tỉnh khác đang ở địa phương) và người từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Để tận dụng triệt để thời gian, tỉnh tổ chức tiêm cả buổi tối 19, 20/12 bắt đầu từ 19 giờ và kết thúc lúc 21 giờ.
Yêu cầu an toàn khi tiêm vaccine được đặt lên hàng đầu với việc chú trọng khám sàng lọc (tiền sử bệnh tật), theo dõi sau tiêm, phối hợp xử lý cấp cứu và an toàn phòng, chống dịch trong tiêm chủng bảo đảm nguyên tắc 5K.
Hà Nội: Cửa hàng ăn uống tại 2 phường Quảng An, Yên Phụ chỉ được phép bán mang về
UBND quận Tây Hồ đã ban hành Văn bản số 2462/UBND-YT về việc triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo cấp độ 3 tại 2 phường Quảng An, Yên Phụ.
Theo Hà Nội mới, UBND quận Tây Hồ đã ban hành quyết định tạm dừng các hoạt động dịch vụ không thiết yếu, hạn chế hoạt động sự kiện tập trung đông người trên địa bàn 2 phường Quảng An và Yên Phụ. Các cửa hàng, dịch vụ ăn uống trên địa bàn phường chỉ được phép bán hàng mang về.
Thời gian điều chỉnh trạng thái trong vòng 48 giờ kể từ 12h ngày 17/12 cho đến khi có phân loại cấp độ dịch mới.
UBND quận Tây Hồ giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, UBND phường Quảng An, Yên Phụ chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp hành chính phù hợp với cấp độ dịch theo cấp độ 3 trên địa bàn phường, trong đó nâng mức độ biện pháp quản lý.
Cũng tại văn bản này, UBND quận Tây Hồ yêu cầu UBND phường Quảng An, Yên Phụ tăng cường tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành các quy định về công tác phòng, chống dịch và nghiêm túc thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Việt Hương (T/h)