Rà soát F0 nhập cảnh từ ngày 28/11 để tìm biến chủng Omicron
Tri thức trực tuyến thông tin, bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố và Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc hướng dẫn giám sát, phòng, chống COVID-19 biến chủng Omicron.
Bộ Y tế cho biết đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc biến chủng Omicron. Tuy nhiên, nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn.
Để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc biến chủng Omicron và triển khai biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố: Chỉ đạo rà soát tất cả trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid Amplification Test), rRT-PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh).
Đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm của các trường hợp này gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gene nhằm xác định biến chủng Omicron.
Trường hợp ghi nhận người dương tính với biến chủng Omicron, các đơn vị cần tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trước đó. Các mẫu này cũng phải nhanh chóng được gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm, giải trình tự gene xác định biến chủng Omicron.
Tăng cường hệ thống giám sát ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể...). Trên cơ sở đó, các đơn vị cũng chủ động, phối hợp lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể/biến chủng mới, sớm phát hiện các ổ dịch, chùm lây nhiễm.
Các địa phương cũng được yêu cầu tổ chức tiêm ngay lượng vaccine đã được phân bổ để tăng tỷ lệ bảo phủ vaccine COVID-19. Trong đó, cần chú ý tiêm cho những đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều trên địa bàn.
Ngoài ra, cần triển khai tiêm vaccine liều bổ sung, tăng cường cho các đối tượng nguy cơ theo hướng dẫn của bộ Y tế.
Đảo Phú Quý xuống vùng xanh, tàu khách Phan Thiết-Phú Quý hoạt động lại
Ngày 18/12, ông Nguyễn Quốc Nam, Phó Giám đốc sở Giao thông vận tải Bình Thuận thông tin trên Pháp luật TP.HCM, đã ký thông báo đến các phương tiện vận tải khách trên tuyến đường thủy Phan Thiết – Phú Quý.
Theo đó, các phương tiện vận tải khách trên tuyến này được phép hoạt động trở lại kể từ 00 giờ ngày 18/12.
Sở GTVT giao Ban Quản lý Cảng Phú Quý chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn của UBND huyện Phú Quý làm việc với các chủ tàu khách để phân công, sắp xếp tài chuyến với tần suất hoạt động phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Thuyền viên tàu khách và hành khách khi đi từ Phan Thiết ra Phú Quý phải đáp ứng đủ hai điều kiện là đã tiêm đủ hai liều vaccine (liều thứ hai đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc có Giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên (có hiệu lực trong vòng 72 giờ, kể từ khi có kết quả xét nghiệm).
Người dân có hộ khẩu thường trú tại huyện Phú Quý đang ở trong đất liền có nhu cầu về đảo nhưng không đáp ứng đủ hai điều kiện trên do UBND huyện Phú Quý xem xét, giải quyết (phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV2) và áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp với quy định phòng, chống dịch khi về đến địa phương.
Sở GTVT Bình Thuận cũng đã có thông báo điều chỉnh hoạt động vận tải khách đường bộ theo cấp độ dịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Hà Nội: Quận Hai Bà Trưng chuyển thành vùng nguy cơ cao COVID-19
Tiền phong thông tin, UBND TP.Hà Nội vừa có Thông báo về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng) về phòng, chống dịch COVID-19 - nguy cơ trung bình.
Ở cấp quận, huyện có 4 huyện ở cấp độ 1 gồm Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ và Ứng Hòa (giảm 4); 24 quận, huyện ở cấp độ 2 (tăng 3) và 2 quận ở cấp độ 3 gồm Đống Đa và Hai Bà Trưng (tăng 1).
Về cấp xã, phường, có 439 địa phương ở cấp độ 1 (giảm 17 xã, phường); 132 địa phương ở cấp độ 2 (tăng 5 xã, phường); 25 xã, phường ở cấp độ 3 (tăng 12 xã, phường) và không có địa bàn nào ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ).
Đến nay, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố là 94,3% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 70%); tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vắc xin là 94,1% (đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%).
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4 đến hết ngày 17/12) là 24.237 ca; trong đó, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 9.354 ca, số ca mắc là đối tượng đã được cách ly 14.883 ca.
Việt Hương (T/h)