Cứu sống mẹ con sản phụ nguy kịch mắc COVID-19 ở Điện Biên
Sản phụ Sùng Thị Mỷ (16 tuổi, trú tại bản Hồ Chim I, xã Ma Thì Hồ) được xác định mắc COVID-19 vào ngày 26/2 và chưa từng tiêm vaccine phòng bệnh. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đang mang thai gần 34 tuần, chuyển dạ đẻ non lần 1, vỡ ối sớm, suy tim thai…
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thúy Hồng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên cho biết trên VOV, sản phụ bệnh nặng và khó do mắc COVID-19 khi mang thai. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con.
"Nếu bệnh nhân không được mổ lấy con ngay sẽ có nguy cơ suy thai, cơn co cường tính dẫn tới vỡ tử cung, băng huyết. Trẻ dù cứu được thì khả năng sống cũng rất thấp, mẹ để lâu có thể tử vong do nhiễm khuẩn và mất máu", bác sĩ Bùi Quang Đạo, Khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Mường Chà nhận định.
Trước tình huống cấp bách, các y, bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và quyết định thực hiện ca mổ ngay trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19. Ê kíp mổ cấp cứu gồm 6 cán bộ y tế (2 bác sĩ phẫu thuật; 1 bác sĩ gây mê, hồi sức; 1 điều dưỡng; 2 nữ hộ sinh). Hồi 20h30 ngày 26/2, ca mổ thành công đón bé trai nặng 2,6kg chào đời.
Một ngày sau mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định, qua các triệu chứng nguy hiểm và đã có sữa. Bé trai phản xạ sau sinh tốt. Theo các bác sĩ, sản phụ và con sẽ tiếp tục được theo dõi, đề phòng các biến chứng nguy cơ của COVID-19.
Bộ Y tế đề nghị quản lý chặt chất thải từ các F0 điều trị tại nhà
Theo Sức khỏe & Đời sống, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý chất thải với các trường hợp mắc COVID-19 tại nhà.
Theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại các địa phương trên toàn quốc. Số trường hợp mắc COVID-19 tăng cao đặc biệt trong thời gian từ sau Tết Nguyên đán, phần lớn số ca mắc thường không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng nhẹ nên được thực hiện việc quản lý, cách ly, theo dõi tại nhà, nơi lưu trú.
Để tăng cường quản lý chất thải phát sinh từ các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo kịp thời và an toàn phòng, chống dịch.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp UBND cấp tỉnh kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 theo thẩm quyền, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện quản lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà.
Hà Nội phân bổ khẩn 400.000 viên thuốc Molnupiravir điều trị
Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn khẩn gửi 22 trung tâm y tế quận/huyện và 5 bệnh viện (Tâm thần, Thanh Nhàn, Phổi, Đống Đa, Hà Đông) phân bổ 401.000 viên Molnupiravir 200mg điều trị COVID-19.
Sở này đề nghị Bệnh viện đa khoa Đống Đa liên hệ với nhà cung ứng, làm thủ tục nhận thuốc Molnupiravir 200mg và có trách nhiệm bảo quản theo đúng điều kiện bảo quản ghi trên nhãn; Thực hiện việc cấp phát cho các đơn vị tham gia Chương trình thử nghiệm theo phân bổ của Sở Y tế.
Giám đốc các đơn vị theo Danh sách phân bổ thuốc Molnupiravir khẩn trương tiếp nhận thuốc, triển khai cấp phát cho F0 đủ điều kiện tham gia chương trình tại cơ sở thu dung, điều trị và tại nhà tránh việc để bệnh nhân diễn biến nặng phải chuyển tầng làm tăng áp lực lên các cơ sở y tế và cán bộ y tế; cập nhật ngay dữ liệu điều trị lên hệ thống đúng các quy định về quản lý, cấp phát, sử dụng thuốc Molnupiravir của Bộ Y tế.
Theo quyết định, 6 Trung tâm Y tế các quận/huyện: Cầu Giấy, Đan Phượng, Mỹ Đức, Hoài Đức, Ba Vì, Tây Hồ và Bệnh viện Tâm thần Hà Nội được phân bổ 10.000 viên; Bệnh viện Đa khoa Đống Đa được nhận 4.000 viên; Bệnh viện Đa khoa Hà Đông nhận 3.000 viên; Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phổi nhận mỗi nơi 2.000 viên. Số còn lại 16 Trung tâm Y tế quận/huyện còn lại nhận mỗi nơi 20.000 viên.
Việt Hương (T/h)