Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 27/4/2018. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 27/4/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Hải Phòng thành lập Hội đồng thẩm định tượng 12 con giáp "khỏa thân"
Ngày 26/4, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Quyết định Thành lập Hội đồng chuyên ngành thẩm định tượng 12 con giáp tại Khu du lịch quốc tế Hondau Resort thuộc quận Đồ Sơn (Hải Phòng) gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua.
Hội đồng do ông Lại Đình Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hải Phòng làm Chủ tịch. Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định, làm rõ việc trưng bày 12 tượng con giáp đặt tại Khu du lịch quốc tế Hondau Resort có vi phạm theo quy định cấm đối với các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng hay không, để có biện pháp xử lý phù hợp theo thẩm quyền (nếu có) và đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tượng 12 con giáp thời điểm được mặc váy khố khi dư luận cho là "phản cảm". Ảnh: Thời đại |
Hội đồng hoạt động theo các quy định tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 2/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật; Thông tư số 01/2018/TT-BVHTTDL ngày 18/1/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số điều tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 2/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật và các quy định của pháp luật hiện hành liên quan.
UBND TP Hải Phòng giao Sở VHTT nghiên cứu, xem xét mời một số chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực mỹ thuật tham gia thành viên Hội đồng chuyên ngành thẩm định.
Trước đó, vườn tượng 12 con giáp "khỏa thân" đặt tại Khu du lịch quốc tế Hondau Resort đã gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Sau khi dư luận phản ánh, Khu du lịch quốc tế Hondau Resort đã mặc quần áo cho khu vườn tượng, sử dụng lá cây, quả nhựa che đạy phần nhạy cảm của các bức tượng.
Đại diện công ty CP quốc tế Hòn Dấu thì cho rằng: "Đây là chuyện bình thường, có gì đâu mà ồn ào".
Gỡ băng rôn in sai năm... giải phóng miền Nam
Ngày 26/4, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND phường Mạo Khê (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) xác nhận thông tin kể trên.
Băng rôn in sai năm Giải phóng miền Nam ở Quảng Ninh |
“Sự việc đáng tiếc này xảy ra vào ngày 22/4, để chào mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chính quyền có đặt in băng rôn để treo trên một số tuyến phố.
Buổi sáng hôm đó, sau khi băng rôn được in, chủ nhà in đã không kiểm tra cẩn thận mà đã mang ra phố Hoàng Hoa Thám để treo. Nội dung cụ thể của băng rôn in sai đó là: “Chào mừng kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1945 – 30/4/2018)”
Về cơ bản băng rôn này sai, nhầm lẫn cả về 2 yếu tố lịch sử và toán học. Ngay sau khi phát hiện, tôi đã chỉ đạo gỡ bỏ ngay trong buổi chiều cùng ngày và treo băng rôn chính xác để thay thế”. Ông Tuấn nói.
Khi PV hỏi lỗi sai này thuộc về đơn vị nào? Ông Tuấn thông tin thêm, lỗi này thuộc về nhà in. Phường cũng có trách nhiệm khi không giám sát chặt chẽ quá trình in ấn và treo băng rôn.
Ông Tuấn cho hay, bình thường sẽ có một cán bộ văn hóa phụ trách việc này, nhưng do ngày hôm đó, cán bộ này có việc gia đình, đã xin phép nghỉ nên không giám sát được nên mới xảy ra sự cố.
Sau việc này, ông Tuấn sẽ chỉ đạo rút kinh nghiệm trong toàn thể cán bộ trong phường, không để lặp lại những sai sót không đáng có.
Nam sinh nhảy cầu tự tự ở Đà Nẵng và cái kết may mắn bất ngờ
Thông tin ban đầu, khoảng 12h30 ngày 26/4, nhiều người đi trên cầu Hòa Xuân (P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) bất ngờ thấy 1 nam thanh niên đang đi bộ bỗng trèo qua lan can cầu rồi nhảy xuống sông Cẩm Lệ tự tử.
Nam sinh được 2 bảo vệ cứu sống |
Sau khi nhảy xuống sông, nam thanh niên này đã cố bám chặt vào một cọc tiêu ở giữa sông. Nghe tiếng hô hoán, 2 bảo vệ của khu đô thị sinh thái Hòa Xuân - Hòa Quý, đang trực tại gần chân cầu liền cởi trang phục và bơi ra giữa sông để ứng cứu nạn nhân.
Đến khoảng 13 giờ, nam thanh niên đã được 2 bảo vệ dùng phao đưa vào bờ trong tình trạng hốt hoảng và bị đuối sức. Ngay sau đó, nạn nhân được đưa đi xe cấp cứu.
Qua nắm thông tin, nam thanh niên được xác định là em Hồ Văn M. (SN 2000, trú xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Kết luận vụ "cà phê pin": Trộn hỗn hợp chất bẩn vào hạt tiêu
16h chiều ngày 26/4, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức buổi họp thông tin kết quả điều tra vụ pha trộn hỗn hợp phế phẩm cà phê nhuộm dung dịch pin Con Ó tại cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, ngụ thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).
Ông Ngô Xuân Lộc - Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông và đại tá Lê Vinh Quy - Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đồng chủ trì buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, Đại tá Lê Vinh Quy cho biết, cơ sở của bà Loan bắt đầu sản xuất hỗn hợp trên từ tháng 1/2018 và sản xuất được 3 tấn.
Sau đó, bà Loan bán 3 tấn hỗn hợp trên cho bà Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn với giá 9.000 đồng/kg. Sau khi mua hỗn hợp trên từ bà Loan, Thơ và Tuấn bán lại 3 tấn hỗn hợp trên cho bà Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Thảo Dung (ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) với giá 12.000 đồng/kg.
Sau khi mua khối lượng 3 tấn này, bà Dung đã trộn tạp chất nhuộm pin nói trên vào hạt tiêu với tỉ lệ 18,34%.
Lõi pin và than pin đã được đập dập tại nhà bà Loan. Ảnh: Dân Việt |
Ngoài ra, với 1.350kg hợp chất còn lại, khi nghe thông tin cơ quan công an phát hiện, bà Dung đã cho người trộn với phân heo, phân lân, vôi để tiêu hủy vật chứng này. Cơ quan công an đã thu giữ tại cơ sở bà Dung 9 tấn hạt tiêu đã trộn hỗn hợp chuẩn bị mang ra thị trường.
Tại buổi họp báo cũng giới thiệu các mẫu tang vật trong quá trình sản xuất pha trộn. Theo đó than pin được đập ra hòa vào nước thành dung dịch than pin, sau đó nhuộm với sỏi, đá nhỏ (từ 0,5 đến 3mm), vỏ cà phê cho thành màu đen giống hạt tiêu. Tiếp đó, phơi, sấy khô hỗn hợp này rồi bán, trộn vào hồ tiêu.
Liên quan đến vụ việc, ngày 24/4, Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu, kiêm người phát ngôn công an tỉnh Đắk Nông cho biết, căn cứ lời khai của các đối tượng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 23/4/2018, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra đối với 5 đối tượng gồm: bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, hộ khẩu thường trú: Thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp; ông Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985, hộ khẩu thường trú: xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk R’lấp); bà Phan Thị Dung (SN 1962, hộ khẩu thường trú: Khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước); bà Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979, hộ khẩu thường trú: Thôn 5, xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song, Đăk Nông); Trần Văn Tuấn (SN 1976, hộ khẩu thường trú: Thôn 2, xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song, Đăk Nông).
Tàu mua hơn 661 tỷ, Vinalines xin “bán tháo” với giá gần 89 tỷ đồng
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa đề xuất bán thanh lý con tàu Vinalines Sky mua 661 tỷ năm 2007 với giá 89 tỷ đồng cho một đơn vị mua để cắt lỗ.
Chưa kể, tàu này cần chi phí bảo dưỡng lớn, trong khi mức cước quá thấp không thể bù đắp nổi chi phí dẫn đến kết quả hoạt động khai thác các tàu này luôn thua lỗ kéo dài. Do đó, việc lập kế hoạch thanh lý các tàu được tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở cắt lỗ và có tiền tái đầu tư.
Tàu Vinalines Sky có trọng tải 42.717 DWT, được đóng năm 1997 tại Ishikawa, Nhật Bản. Sau thời gian, tàu Vinalines Sky được xác định là “già” để khai thác, không có người thuê, phải neo chờ hàng dẫn đến tổn thất về doanh thu hoặc bị ép giá.
Trải qua các lần bán (đấu giá, chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế), tàu Vinalines Sky của Vinalines vẫn không bán thành công do đơn vị chào hàng đưa ra giá thấp hơn giá khởi điểm phê duyệt.
Vinalines đã bán và thanh lý hàng loạt tàu có độ tuổi già nhằm cắt lỗ. Ảnh: VOV |
Trước đó, Vinalines đã thuê Công ty cổ phần bán đấu giá tài sản Việt Nam làm đơn vị cung cấp dịch vụ tổ chức đấu giá và tổ chức bán chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế, chào bán với giá khởi điểm là 154,38 tỷ đồng, tương đương 6,7 triệu USD. Tuy nhiên, cuộc đấu giá không thành công do không có khách hàng nào quan tâm mua hồ sơ và đặt cọc.
Ngay sau khi việc tổ chức đấu giá không được như kỳ vọng, Vinalines chuyển hình thức bán tàu từ đấu giá sang chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế. Dù nhận được 11 thư chào giá nhưng người mua có giá chào cao nhất gần sát với giá khởi điểm là Công ty cổ phần Vật tư Hàng hải H.P.C (Công ty HPC) với giá chào 89,5 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương khoảng 3,9 triệu USD).
Mặc dù Vinalines liên hệ đàm phán với Công ty HPC để đàm phán giá, đề nghị người mua tăng giá, tuy nhiên, phía Công ty HPC thông báo giá chào như trên là giá tốt nhất mà đơn vị đã trả và không thế tăng thêm.
Vinalines đề nghị các bộ thống nhất điều chỉnh, phê duyệt giá khởi điểm mới theo mức giá chào của Công ty HPC là 89,5 tỉ đồng làm cơ sở đàm phán bán tàu.
Được biết, trong thời gian tàu neo chờ bán, Vinalines vẫn phải trả chi phí duy trì tàu, mặc dù đã tiết giảm tối đa các chi phí như chỉ sử dụng máy phát sự cố thay cho máy đèn, neo chờ tại khu vực có mức phí neo đậu thấp nhất, cắt giảm thuyền viên xuống mức thấp nhất theo định biên tối thiểu (từ 22 xuống 14 thuyền viên), giảm lương thuyền viên chỉ còn 75% so với mức cũ... tuy nhiên, chi phí duy trì tàu hiện tại phát sinh vẫn lớn, khoảng 2.000 USD/ngày (khoảng hơn 40 triệu đồng/ngày, chưa tính quản lý phí).
“Việc bán tàu càng chậm thì thiệt hại càng lớn cho Vinalines và tàu ngày càng xuống cấp do quá hạn đăng kiểm, sửa chữa lớn, giảm giá trị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho thuyền viên, tàu nhất là khi mùa mưa bão sắp tới" - lãnh đạo Vinalines lý giải.
Trang Đời sống & Pháp luật Online cập nhật tin tức thời sự mới nhất trong 24h qua.
Hoàng Yên (T/h)