Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 20/4/2018. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 20/4/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Nguyên nhân mặt nước Hồ Gươm chuyển màu xanh "lạ"
Những ngày vừa qua, mặt nước ở ven Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ chuyển màu xanh lạ. Tại khu vực mặt nước chuyển màu xanh, xuất hiện cá chết nổi, hoặc có chỗ cá chỉ bơi yếu ớt.
Nước Hồ Gươm chuyển màu xanh "lạ". Ảnh: Vietnamnet |
Trả lời báo Dân Trí, GS.TS Dương Đức Tiến - chuyên gia về tảo cho biết: "Hiện tượng nước Hồ Gươm ở ven bờ chuyển màu xanh như vậy là do vi khuẩn lam hay còn gọi là tảo lam phát triển bùng nổ. Loài tảo này thường phát triển mạnh ở thời điểm giao mùa Xuân - mùa Hạ và mỗi khi có hoạt động cải tạo, nạo vét hồ. Tảo này có chứa độc tố gây hại cho các sinh vật ở hồ, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp vớt hết đi để trả lại vẻ đẹp cho Hồ Gươm".
GS.TS Tiến cùng khuyến cáo, khi cơ quan chức năng vớt tảo này lên bờ cần cho vào thùng kín chuyển đi nơi khác tiêu hủy, không được đổ bừa bãi lên bờ hoặc ra môi trường, vì để khô loài tảo này sẽ nhờ gió lại phát tán tiếp và có thể gây bệnh tiêu chảy cho con người.
Theo báo VnExpress, đại diện công ty thoát nước Hà Nội (đơn vị thực hiện cải tạo chất lượng nước Hồ Gươm) cho biết, sau khi nạo vết, hầu hết các hồ sẽ có hiện tượng nitơ, photpho tăng cao, gây ra sự phát triển mạnh mẽ của các loại thực vật phù du như rêu, tảo. Tình trạng này dẫn đến thiếu oxy trong nước, phá vỡ chuỗi thức ăn, giảm chất lượng nước, phá hoại môi trường trong sạch của thủy vực.
Cá chết tại khu vực nước màu xanh. Ảnh: Dân Trí |
Công ty thoát nước Hà Nội đang phối hợp với phòng nghiên cứu của trường Đại học Bách Khoa thử nghiệm cấy tảo đặc hữu, tạo màu xanh cho Hồ Gươm và cân bằng môi trường nước. Hiện các tảo đặc hữu được cấy ở phần đáy hồ, khi phát triển sẽ tạo ra màu xanh vốn có như trước đây ở hồ.
Được biết, vào cuối năm 2017, Hà Nội chi gần 30 tỷ đồng để làm sạch nước Hồ Gươm. Thời gian thực hiện từ đầu tháng 12/2017 đến khoảng đầu tháng 2/2018.
Đồng Nai: Cháy nhà, quán trà sữa tan hoang
Khoảng 15h ngày 19/4, tại khu phố 2, phường Tân Mai (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã xảy ra một vụ cháy nhà trong hẻm 169, đường Phan Trung, báo Đồng Nai đưa tin.
Vào thời điểm nói trên, nhân viên của quán trà sữa Houjicha phát hiện khói bốc lên từ ngôi nhà liền kề sau quán, liền đến gõ cửa và đem theo bình chữa cháy xách tay để dập lửa.
Thế nhưng, do không có ai ở nhà, cửa lại khóa ngoài, nên người dân xung quanh liền gọi Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Đồng Nai và di chuyển đồ đạc ra ngoài.
Hiện trường vụ cháy. Ảnh: X.Hoàng |
Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai đã phải điều động 4 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để dập lửa. Do đường hẻm nhỏ, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khó khăn trong công tác triển khai chữa cháy.
Gần 1 giờ sau, đám cháy được dập tắt nhưng nhiều tài sản trong nhà bị thiêu rụi, quán trà sữa tan hoang.
Trong những ngày qua, tại Đồng Nai liên tục xảy ra các vụ cháy. Sáng cùng ngày, xảy ra vụ cháy ở gần khu vực cầu Săn Máu, phường Tân Phong, TP Biên Hòa khiến một xưởng mộc bị hư hại nặng. Một ngày trước, vụ cháy tại khu phố 11, phường Tân Phong cũng khiến một căn nhà cấp 4 bị thiêu rụi, hai nhà bên cạnh bị ảnh hưởng nặng.
2 sà lan tông nhau lúc rạng sáng, 3 người nhảy xuống sông thoát chết
Trưa 19/4, ông Nguyễn Hải Nam - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết đang phối hợp với cảnh sát đường thủy để điều tiết giao thông và lên phương án trục vớt sà lan bị chìm.
Sau cú va chạm mạnh với một sà lan khác, sà lan mang biển hiệu SG 6939 bị chìm, 3 người trên phương tiện này nhảy xuống sông và được cứu sống.
Hiện trường nơi xảy ra vụ chìm sà lan. Ảnh: Infonet |
Trước đó, rạng sáng cùng ngày, sà lan mang số hiệu TG 14139 (dài khoảng 29m, chở 224 tấn xi măng) di chuyển trên sông Sài Gòn đến khu vực gần cầu Phú Mỹ (quận 7) thì xảy ra va chạm với sà lan mang số hiệu SG 6939 (trọng tải khoảng 200 tấn).
Theo ông Nam, Cảng vụ hàng hải đã phối hợp với các lực lượng chức năng phân luồng điều tiết giao thông qua khu vực đảm bảo an toàn. Trong chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã lên kế hoạch tiến hành trục vớt sà lan để điều tra nguyên nhân.
Một phu vàng mất tích sau khi trốn khỏi bãi vàng ở Quảng Nam
Ngày 19/4, trả lời báo chí, Thiếu tá Đặng Tất Phùng, Phó đồn biên phòng Ba Lin (đóng tại xã A Vao, huyện Đăkrông, Quảng Trị) cho hay, hiện vẫn còn một phu vàng mất tích là anh anh Hồ Văn Tài, 18 tuổi, trú xã Tà Rụt, huyện Đăkrông.
"Tài cùng với nhóm 11 phu vàng bỏ trốn khỏi bãi vàng Muối (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) vào trưa 12/4. Trong quá trình chạy giữa rừng, Tài bị lạc khỏi nhóm. Khi đi lạc, Tài không có điện thoại, không có tiền, chỉ mang quần đùi, áo cộc trên người", Thiếu tá Phùng nói.
Những phu vàng được lực lượng chức năng giải cứu. Ảnh: Dân Trí |
Trong nhóm phu vàng bỏ trốn có anh trai của Tài là Hồ Văn Hinh (19 tuổi). Gia đình có tám anh em, cuộc sống khó khăn nên hơn một tháng trước, anh Hinh đã vào bãi vàng mưu sinh. Sau đó, anh gọi điện về nhà nói đừng cho Tài đi, nhưng cuối cùng người em trai vẫn vào Quảng Nam, làm được một tuần rồi chạy trốn thì mất tích.
Hiện biên phòng Quảng Trị đã nhờ nhà chức trách Quảng Nam thông báo cho các thôn xã, hỗ trợ tìm kiếm và ứng cứu nếu phát hiện được anh Hồ Văn Tài.
Trong một diễn biến khác liên quan đến sự việc, ngày 16/4, doanh nghiệp khai thác bãi vàng Muối đã cho xe chở 23 phu vàng (có ba phụ nữ), độ tuổi từ 17 đến 45, cùng ở xã Tà Rụt (Quảng Trị) về quê. Tuy nhiên doanh nghiệp này chỉ hỗ trợ các phu vàng mỗi người 200.000 đồng, chưa thanh toán chế độ tiền lương trong khi các lao động đã làm việc ở bãi vàng từ 7 ngày đến một tháng.
Nữ sinh trường Cao đẳng Y "mất tích bí ẩn" trên đường về quê
Ngày 19/4, chia sẻ với báo chí, chị Phạm Thị Kim (xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, em gái chị là Phạm Thị Hằng (SN 1996) đã mất liên lạc với gia đình từ chiều 17/4.
Theo đó, vào khoảng 14h ngày 17/4, Hằng rời gia đình nhà chồng chị Kim ở tỉnh Nam Định để bắt xe về Thanh Hóa. Đến khoảng 17h cùng ngày, gia đình vẫn liên lạc được với Hằng qua điện thoại, và Hằng cho biết đã về đến khu vực cầu Đò Lèn, huyện Hà Trung (Thanh Hóa).
Nữ sinh trường Cao đẳng Y "mất tích bí ẩn" trên đường về quê. Ảnh: Báo Giao Thông |
Tuy nhiên, từ thời điểm đó, mọi người không liên lạc được với Hằng qua số điện thoại và cũng không thấy Hằng về nhà.
Theo gia đình nữ sinh, trước khi lên xe về quê, Hằng mặc áo phao màu hồng pha đen có mũ, bên trong mặc áo cộc tay màu cam, đi giày thể thao trắng, đeo ba lô màu xám.
Anh Tuấn (anh rể Hằng) cho biết, trước khi lên xe về quê, Hằng có để lại quần áo và một chiếc điện thoại nói cho chị gái dùng.
Được biết, Phạm Thị Hằng đang theo học ngành Dược tại Trường cao đẳng y tế Thanh Hóa, đang trong giai đoạn chờ thi tốt nghiệp. Hiện, gia đình rất lo lắng trước sự mất tích bất thường của nữ sinh Phạm Thị Hằng.
Ai biết nữ sinh Hằng ở đâu, xin báo cho gia đình chị Phạm Thị Kim theo các số điện thoại: 0914536938, 0986816742, 0964619828
Trang Đời sống & Pháp luật Online cập nhật tin tức thời sự mới nhất trong 24h qua.
Hoàng Yên (T/h)