(ĐSPL) - Tin tức thế giới mới nhất ngày 3/2: Mỹ cảnh cáo Iran sau vụ phóng tên lửa đạn đạo; Ông Trump và Thủ tướng Australia tranh luận nảy lửa qua điện thoại; Người dân Anh phản đối chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump....
Mỹ cảnh cáo Iran sau vụ phóng tên lửa đạn đạo
Ngày 1/2, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa ran cảnh báo với Iran sau vụ thử tên lửa đạn đạo của quốc gia này.
Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn tuyên bố, việc Iran phóng thử tên lửa đạn đạo đã vi phạm nghị quyết năm 2015 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Quan chức này từ chối cho biết những biện pháp dự kiến được áp dụng với Iran sau sự kiện này.
Ông Flyn cho rằng: “Iran cảm thấy bạo dạn hơn. Do vậy, hôm nay chúng tôi chính thức cảnh cáo Iran. Vụ phóng tên lửa và việc phiến quân Houthi được Iran ủng hộ đã tấn công tàu hải quân của Saudi Arabia cho thấy hành vi gây bất ổn của Iran trên khu vực Trung Đông”.
Tuy nhiên, Iran khẳng định họ đã được thử nghiệm một tên lửa đạn đạo mới, nhưng nói rằng động thái đó không vi phạm hiệp ước hạt nhân đạt được với các cường quốc hoặc Nghị quyết của Hội đồng Bảo an năm 2015.
Tuyên bố từ Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn là một trong những lời lẽ hiếu chiến nhất của chính quyền Donald Trump kể từ khi nhậm chức đến nay, khác hẳn với cách tiếp cận ít đối đầu của ông Obama trước đó.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Sherwood nói rằng: "Quân đội Mỹ đã không thay đổi hiện trạng sau vụ phóng tên lửa thử nghiệm của Iran".
Người dân Anh phản đối chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump
90 người nổi tiếng, hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau ký tên vào lá thư kêu gọi phản đối chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đến Vương quốc Anh.
Người dân Anh phản đối chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: The Guardian) |
Trong số 90 chữ ký này bao gồm chữ ký của cựu lãnh đạo Công đảng Ed Miliband, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Tim Farron, nhà báo Owen Jones, đồng lãnh đạo đảng Xanh Caroline Lucas, Leanne Wood, nghị sĩ Công đảng Clive Lewis; cùng một số nhân vật nổi tiếng khác như: ca sĩ Lily Allen, Paloma Faith, diễn viên hài Frankie Boyle, Omid Djalili,…
Họ cho rằng một số quyết định của Tổng thống Mỹ có thể gây “nguy hiểm và chia rẽ”, đồng thời “đe dọa trực tiếp tới các hoạt động giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, phân biệt đối xử, bất bình đẳng, hòa bình và giải trừ quân bị".
Họ hy vọng lá thư phản đối này sẽ thu hút được 1 triệu người dân có mặt trên đường phố London để phản đối ông Trump.
Bức thư cũng đề cập tới Thủ tướng Theresa May và chính phủ của bà, những người mà họ cáo buộc đã bình thường hóa chương trình nghị sự của Trump; trong đó bao gồm sắc lệnh yêu cầu tạm thời không nhận người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới, cũng như cấm người nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn.
Ông Trump và Thủ tướng Australia tranh luận nảy lửa qua điện thoại
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã có cuộc điện đàm “nảy lửa”, khi ông Trump phản đối thỏa thuận mà theo đó, Mỹ sẽ tiếp nhận dòng người tị nạn.
Đây là một trong số 5 cuộc điện đàm giữa ông Trump với các nguyên thủ nước ngoài trong ngày 28/1, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Australia là một đồng minh thân thiết của Mỹ. Hai quốc gia này cùng với ba nước nói tiếng Anh khác là Anh, Canada và New Zealand đã thành lập Liên minh tình báo Five Eyes.
Sự bất đồng diễn ra khi hai nhà lãnh đạo bàn bạc về một thỏa thuận đã đạt được dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ tiếp nhận người tị nạn từ Australia.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, rất nhiều người trong số họ đến từ bảy quốc gia thuộc diện cấm nhập cảnh theo sắc lệnh mới ban hành của chính quyền Tổng thống Trump. Hôm 27/1, ông Trump cũng đưa ra quyết định cấm tất cả những người tị nạn nhập cư vào Mỹ trong vòng 120 ngày, đồng thời cấm vĩnh viễn dòng người tị nạn nhập cảnh từ Syria.
Theo các nguồn tin, Tổng thống Donald Trump cho rằng đó là một thỏa thuận tồi tệ khi Mỹ phải tiếp nhận 2.000 người tị nạn, và rất có thể một trong số họ sẽ trở thành “kẻ đánh bom Boston” tiếp theo.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nhiều lần đính chính với Tổng thống Trump rằng, thỏa thuận này liên quan đến 1.250 người tị nạn chứ không phải 2.000 người. Ông Turnbull cũng khẳng định, Australia đã đề nghị gửi danh sách những người tị nạn để Mỹ sàng lọc. Nếu bất kỳ ai trong số đó không vượt qua quá trình sàng lọc của Mỹ thì sẽ không được nhập cảnh vào nước này.
(tổng hợp)